Cuộc đời của Đức Phật là bài học để chúng ta phải học tập và noi theo
Đạo Phật vốn không phải là một tôn giáo thần quyền với chủ trương suy tôn một đấng siêu phàm nào đó để được ban ân huệ, mà đạo Phật là đạo giải thoát bằng trí tuệ vô sư. Và Đức Phật là một đấng giác ngộ toàn năng, với trí tuệ siêu việt và tấm lòng từ bi rộng lớn, là một hình ảnh của sự hòa bình và tuyệt hảo trong cuộc sống. Cuộc đời của Đức Phật là bài học để chúng ta phải học tập và noi theo.
Có lẽ lý do để đạo Phật tồn tại hơn 2000 năm chính là lời dạy sâu sắc của Đức Phật là chân lý nên thời gian và không gian không thay đổi được. Nhiều người hiểu đạo sẽ tôn kính Ngài không phải Ngài là đấng thần linh, nhiều phép mầu hay có quyền lực mà sự tôn kính xuất phát từ con người nhân từ, toàn diện của Đức Phật. Xét lại cuộc đời của Đức Phật, chúng ta có thể học được những bài học vô cùng quý báu, đó là:
1. Lòng hiếu thảo
Đạo Phật là đạo hiếu bởi Đức Phật dạy chúng ta “Phụ mẫu thị gia lý diện đích lưỡng tôn hoạt Phật”: Cha Mẹ còn sinh tiền là Phật sống tại gia. Biết ơn cha mẹ là một trong tứ trọng ân mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Bởi không có cha mẹ thì chúng ta sẽ không có mặt trên cuộc đời này cũng như không được yêu thương, bảo bọc, che chở và nuôi dưỡng không lớn và thành công như ngày hôm nay. Ơn cha nghĩ mẹ được người đời ca tụng như nước trong nguồn và núi Thái Sơn.
Lòng hiếu thảo của Đức phật qua những hình ảnh như:
Sau khi đắc quả, Ngài quán sát thấy mẹ Ngài – hoàng hậu Maya đang ở cung trời Đao Lợi nên đã đích thân thuyết Pháp cho mẹ, độ bà chứng quả A La Hán, không còn phải rơi vào vòng sinh tử nữa
Sau khi thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Đức Phật đã trở về thăm vua cha và thuyết pháp độ cho ông chứng liền Sơ quả. Đến khi nghe bài pháp thứ hai, thứ ba, vua lại chứng đắc quả vị Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Và cũng với bài pháp này, Đức Phật đã giúp cho Kiều Đàm Di chứng được Sơ quả. Khi vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, Đức Phật lại về thăm và giảng pháp cho ông. Sau bảy ngày thấm nhuần pháp lạc, vua cha đã đắc quả A-la-hán và qua đời trong sự định tĩnh.
Trong kinh Vu Lan, hình ảnh Đức Phật – một đấng giác ngộ được trời người tôn kính đã quỳ lạy đống xương khô bên đường, vì Phật dạy:
Đống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh
Luân hồi sanh tử, tử sanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây
Ta lễ bái kỉnh nguoi tiền bối
Hành động của Đức Phật nói lên ý niệm sâu sắc về tổ tiên, ông bà, tức mối quan hệ chằng chịt nhiều đời của chúng ta trong kiếp luân hồi. Ngài dạy chúng ta ý thức về cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ nhiều đời và mở rộng đến tất cả chúng sanh.
Bài học: Noi gương theo lòng đại hiếu của Đức phật, chúng ta phải luôn tôn kính và báo hiếu cho cha mẹ bằng vật chất cả tinh thần. Phụng dưỡng, chăm sóc khi cha mẹ ốm đau, giúp cha mẹ hướng thiện làm nhiều việc lành để thân tâm luôn an lạc.
2. Lòng thương yêu muôn loài
Xã hội hiện đại, nhịp sống hối hả và vật chất đang dần lên ngôi đồng nghĩa với tình người đang dần bị lưu mờ và giảm thiểu trầm trọng. Tình yêu thương đồng loại, vạn vật chính là chất keo dính để mọi người gần gũi, gắn bó nhau hơn và đặc biệt để nuôi dưỡng một tâm hồn thánh thiện.
Hình ảnh đầu tiên khiến Đức Phật nghĩ về sự đau khổ chính là những con giun đất bị đào xới, rồi bị những con chim gặm lấy vào buổi lễ hạ điền khi Đức Phật còn là thái tử 7 tuổi. Bắt đầu từ đó Đức Phật đã nghĩ về sự đau khổ. Và một lần Đức phật đã ra tay cứu lấy con chim bị Đề Bà Đạt Đa bắn hạ sau khi thẳng thắn đưa ra ý kiến về giá trị của sự sống, tình yêu thương loài vật trước mặt vua cha và quan trong triều.
Đỉnh điểm hơn nữa là lần đầu tiên dạo chơi 4 cổng thành Ngài đã chứng kiến cái khổ của bệnh tật, đói khát và cái chết. Từ đó, Ngài đã quyết chí bỏ hết cung vàng điện ngọc và vợ hiền con sinh để xuất gia tầm đạo, tìm con đường giải thoát sanh tử cho bản thân và nhân loại.
Bài học: Noi gương lòng nhân từ của Đức phật, chúng ta có thể cứu giúp những người nghèo khổ, người đang gặp hoạn nạn. Và đối xử bình đẳng với những loài vật để mang đến sự an vui, hạnh phúc cho mọi loài.
3. Ý chí kiên cường
Một trong những yếu tố giúp đi đến thành công đó là sự nỗ lực không ngừng và ý chí kiên cường. Trong quá khứ và hiện tại, chúng ta đã thấy rõ điều này qua hình ảnh những nhà bác học, doanh nhân thành công. Và Đức Phật cũng vậy.
5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày thiền định với lời thệ nguyện dưới cội bồ đề “Nếu không thành đạo Vô Thượng Bồ Đề, dù thịt nát xương tan quyết không đứng lên”. Ý chí kiên cường đó đã giúp một vị thái tử con vua trở thành một bậc giác ngộ đời đời được mọi người tôn kính, tạo nên một trang sự mới cho nhân loại.
Bài học: Không có một thành công nếu không có thất bại và chúng ta không có ý chí kiên cường để đứng lên và đi tiếp. Vì thế trong cuộc sống, để đạt được điều như mong muốn, cần phải nỗ lực hết mình và kiên trì với con đường mình đã lựa chọn.
4. Lòng bao dung, vị tha
Suốt 49 năm hành đạo, Đức Phật không ít lần bị những người ngoại đạo và trong đạo hãm hại.
Sáu vị thầy của ngoại đạo thấy Đức Phật được mọi người tôn kính đã bày mưu nhờ người phụ nữ tên là Cinca thường xuyên lui tới tinh xá để nghe Phật giảng đạo và ra về vào lúc nửa đêm. 9 tháng sau Cinca đặt điều vu khống Đức Phật khiến cô ta có thai. Tuy nhiên, lời nói dối của Cinca nhanh chóng bị bại lộ.
Tướng cướp Vô Não đã đuổi theo Đức Phật để để chặt lấy ngón tay của Ngài. Nhưng rồi Phật cũng dùng lòng từ bi để hóa giải ông, khiến ông trở thành một bậc A La Hán sau đó.
Trên đường khất thực, Đức Phật không ít lần bị các tín đồ Bà La Môn chửi mắng, bôi nhọa thanh danh trước đám đông nhưng Đức Phật im lặng và chỉ đáp lại:
“Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận.”
Cuối cùng là môn đồ Đề Bà Đạt Đa vì tham danh lợi mà 3 lần hãm hại Đức phật: nói xấu Ngài trước tăng đoàn, đẩy đá từ trên núi cao xuống để đè Phật, sai khiến con voi say rượu điên cuồng tấn công Đức Phật. Nhưng cuối đời khi Đề Bà Đạt Đa bệnh gần chết, Đức phật đã sai đệ tử đến thuyết pháp lần cuối cho ông.
Bài học: Bản ngã, tức là cái tôi của mỗi người rất cao. Trong cuộc sống không ít đôi lần chúng ta bị hàm oan, nói xấu bởi người khác. Và chúng ta thường sinh tâm tức giận, oán ghét và tìm cách trả thù. Học được lòng vị tha, độ lượng của Đức Phật từ câu chuyện trên, chúng ta nên noi gương và tập hóa giải dần những phiền muộn mà người khác gây ra cho mình. Đó là cách để chúng ta có cuộc sống an lạc.5Thái độ khiêm tốn.
Là một vị giáo chủ cao quý và được sự tôn kính, xưng tôn của dân chúng Ấn Độ thuở ấy nhưng đối trước tất cả những tôn giáo ngoại đạo khác, Đức Phật không hề tuyên bố đạo của mình là trên hết và có ý chê bai tôn giáo khác.
Suốt 49 năm hóa độ với 82.000 bài kinh do chính Tôn giả A-nan ghi nhớ được lời Đức Phật thuyết giáo, nhưng Người nói: “Ta chưa từng nói lời nào. Như Lai chỉ tuyên lại những lời nói của Đức Phật thuở quá khứ”
“Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đức Phật dạy rằng, nếu tu học đúng pháp thì chúng ta cũng có thể trở thành một vị Phật trong tương lai. Đức Phật không cho rằng Ngài là bậc tôn và không ai có thể vớ tới được.
Bài học: Thái độ khiêm tốn khiến chúng ta được mọi người trở nên yêu quý. Kiêu căng, ngã mạn không mang đến lợi ít cho bản thân mà có thể chính nó sẽ làm chúng ta dễ dàng thất bại trong cuộc sống.
6. Sự sẻ chia và lòng bình đẳng
Đức Phật chứng được đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sau 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm dưới cội bồ đề nhưng Ngài không cất giữ giáo pháp ấy cho riêng mình hoặc để xưng dương khả năng của mình mà nhanh chóng tìm Năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp và truyền đạo. Đức Phật còn khuyến khích đệ tử, người nào chứng đắc được điều gì phải sẻ chia cho người khác và hướng dẫn những người mới tu tập. Mỗi người đệ tử phải đi mỗi hướng khác nhau để hóa độ.
Vào thời Đức Phật, sự phân chia giai cấp tầng lớp trong xã hội rõ ràng và nghiêm ngặt. Những người tầng lớp hạ tiện không được nhìn hay chạm vào những tầng lớp cao quý. Nhưng Đức Phật tuyên bố “Không có một giai cấp nào nếu máu cùng đỏ và nước mắt cùng vị mặn”.
Đức phậ đã độ Ưu Ba Ly, một tầng lớp nô lệ thấp nhất của xã hội lúc bấy giờ trở thành một bậc thánh nhân. Ngoài ra, người phụ nữ cũng không được phép tham gia bất kỳ điều gì trong xã hội, nhưng Đức Phật cuối cùng cũng cho hàng nữ giới xuất gia vì “Mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh”
Bài học: Trong cuộc sống, chúng ta phải biết san sẻ tinh thần và vật chất mà mình có được cho những người đang đau khổ thiếu thốn, yêu thương họ bằng tâm bình đẳng, mở lòng mình đón nhận và giúp đỡ người đau khổ. Có như vậy chúng ta sẽ nhận được niềm vui nhiều hơn và cảm thấy cuộc sống rất ý nghĩa.Đức Phật, một bậc Giác Ngộ với những lời dạy cao quý, rất gần gũi giữa đời thường.
Có câu “điều phi thường được tạo nên từ những điều bình thường”. Những hành động nhỏ của Đức Phật đã ghi dấu Ngài là một con người toàn diện, từ trí tuệ lẫn tâm hồn. Là người Phật tử chúng ta cần nên tiếp bước lời Phật dạy để tạo niềm vui, an lạc cho mình ở hiện tại và tương lai.
(Theo Vườn Hoa Phật Giáo)