Cảm phục nghị lực phi thường của cậu bé mang đôi chân “thủy tinh”
Nguyễn Hữu Thanh Quang (SN 2006, học sinh lớp 5B trường Tiểu học Thạch Sơn) không thể đến trường bằng đôi chân như các bạn cùng trang lứa. Đôi chân của em được chẩn đoán bị xương thủy tinh ngay từ khi lọt lòng mẹ.
Về thôn Vạn Đò, xã Thạch Sơn hỏi cậu bé Quang “xương thủy tinh” không ai không rõ. Bởi từ lâu, em luôn là tấm gương cho nhiều bạn cùng trang lứa.
Bản thân bị bệnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Nguyễn Hữu Thanh Quang luôn nổ lực giành nhiều kết quả tốt trong học tập
Đang dịp nghỉ hè, nhưng Quang vẫn đã tìm kiếm những bài tập tiếng Anh trên mạng để ôn luyện. Đây cũng là môn học yêu thích nhất của em. Năm học vừa qua, Quang đã dành được giải Khuyến khích cấp Quốc gia cũng chính môn học này.
Không chỉ giỏi môn tiếng Anh, Quang còn học giỏi ở tất cả các môn. Từ lớp 1 đến lớp 5, Quang liên tục nằm trong tốp 5 học sinh xuất sắc của lớp. Em giành nhiều giải thưởng về thi viết chữ đẹp, lớp 1-3 đạt giải Khuyến khích cấp huyện về cuộc thi giải Toán qua mạng, lớp 4-5 giành giải nhất huyện và tỉnh môn tiếng Anh và giải khuyến khích cấp quốc gia môn tiếng Anh trên mạng…
Thế nhưng để có thành quả này, Quang đã phải nỗ lực rất nhiều. Quang thường cố gắng chịu những cơn nhức mỏi của đôi chân và lưng để tỳ hẳn người xuống bàn để học. Để con chữ được “tròn vành rõ nét” như hôm nay, đôi tay của em đã hằn những vết chai vì tỳ bút mạnh.
“Có hôm đang học bài ở nhà, vặn mình một cái thế là gãy chân, bố mẹ phải bồng bế cháu đi viện cả đêm. Thế nhưng chưa bao giờ thấy cháu chán nản xin nghỉ học”, mẹ Quang cho biết.
Lần gãy chân đầu tiên của Quang chính là khi vừa lọt lòng mẹ. Sau đó, bác sĩ cho gia đình biết đôi chân Quang không bình thường do bị chứng xương thủy tinh. Trong 5 năm đi học, không có năm học nào em không bị gãy chân. Trung bình từ lớp 1 đến lớp 5 Quang bị gãy chân 2 lần. Đợt kết thúc năm học vừa qua, đôi chân của em lại một lần nữa phải bó bột. Khi chúng tôi đến, Quang cũng chỉ vừa tháo bột được ít ngày.
Chị Ban nhẩm tính chỉ mới 11 tuổi nhưng Quang đã phải trải qua 17 lần bó bột, phẫu thuật do gãy chân.
Thời gian đầu đi học nhiều bạn trêu là “thằng què”, Quang buồn lắm. Em cũng chỉ về tâm sự với mẹ. Những khó khăn, càng làm em quyết tâm học hành hơn nữa. Dần dần chính nghị lực và thành tích học của bản thân Quang đã khiến các bạn nể phục. Những buổi đến trường, các bạn lại giúp đỡ em trong các sinh hoạt trên lớp.
Quang tâm sự: “Con có nhiều bạn thân trên lớp lắm. Bây giờ, bạn không trêu nữa mà hay động viên và giúp con lắm. Nhiều hôm mẹ đi đón muộn, các bạn lại đứng chờ mẹ với con cho vui”.
Bệ phóng từ tay mẹ
11 năm qua đôi chân để Quang đến trường chính là bàn tay và chiếc lưng còng của mẹ em.
Khi thấy bạn bè ở tuổi đến trường, Quang năn nỉ xin mẹ cho đi học. Thương con, chị Lại Thị Tuyết Ban – mẹ Quang, ngày 4 buổi lại cõng con gần 2km để đến trường.
“Thời gian đầu thể trạng cháu rất yếu nên chỉ chỉ có thể bồng, bế, cõng cháu trên tay. Những năm học sau khi cháu đỡ hơn thì mẹ lại chở xe máy. Có hôm đang trên đường đi học thì phải chở con đi bệnh viện vì bị gãy dọc đường. Nhiều khi thương mẹ, đau cháu không dám kêu, thấy con chịu đựng mà mẹ khóc hết nước mắt”, chị Ban xúc động nhớ lại.
Hiện, đôi chân của Quang bị teo nhỏ, không đều nhau. Hai chân luôn buông thỏng yếu ớt do vậy em chỉ có thể ngồi không thể đi lại được. Do thường xuyên bị gãy nên em cũng rất ngại chỉ để mẹ và người thân quen bồng bế và thay đồ.
“Gia đình tôi làm nông đầu tắt mặt tối nhưng cũng không dám để con bỏ học buổi nào.Bệnh này nó khó, cứ đụng là gãy. Cứ gãy đâu bó đó chứ chẳng ai dám nắn lại vì sợ… gãy thêm. Hè tới, bạn học nghỉ ngơi thì cháu phải đi viện điều trị. Những lúc cháu đau đớn lòng tôi cũng đau như cắt nhưng không dám khóc vì sợ cháu bỏ cuộc” – chị Ban kể lại
Ngoài Quang còn có 1 anh trai và chị gái đang theo học Đại học. Bố thường xuyên đau yếu nên mọi việc trong nhà mẹ gần như là người quan xuyến.
Gia đình Quang thuộc hộ cận nghèo, 5 miệng ăn trong gia đình đều trong chờ vào 4 sào lúa và 2 sào lạc. Năm nay, hơn 4 sào lúa thì hơn 1 nửa bị mất mùa, số lạc thu hoạch cũng chưa đến 2 tạ. Năm học cũ vừa kết thúc, chị Ban đã nhẩm tính không biết sẽ lấy gì để chuẩn bị cho các con trong năm học tới.
“Nhiều khi mình cũng chán nản vì hoàn cảnh gia đình, nhưng nhìn kết quả học tập của các cháu mình lại có thêm nghị lực”, chị Ban tâm sự.
Theo Dân Trí