Cảm phục chàng trai khuyết tật đi bộ 2.000 km để đăng ký hiến tạng
Sáng 16.4, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tiếp nhận một thanh niên khuyết tật vừa đi bộ từ TP.HCM hơn 2.000 km, qua 23 tỉnh thành ra Hà Nội để đăng ký hiến tạng.
“Người đặc biệt” này là anh Lê Ngọc Sang (25 tuổi), quê Thái Bình, bị khuyết tật hai tay và hở hàm ếch, đang mưu sinh bằng nghề bán vé số ở TP.HCM.
Sang còn có tên gọi khác là Thiện Quy (tên quy y cửa phật) và anh được mọi người gọi bằng tên này. Thiện Quy đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Xuyên Việt, anh cho biết bắt đầu hành trình đi bộ từ ngày 5.7.2017, đến nay đã được 282 ngày, qua đoạn đường dài khoảng hơn 2.000 km.
Thiện Quy xuất phát tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM và kết thúc hành trình tại chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). Người thanh niên khuyết tật đã đi qua 23 tỉnh, thành phố là Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thiện Quy cũng cho biết, anh đi bộ để kêu gọi mọi người làm thiện nguyện và mới biết đến việc hiến tạng từ tháng 10.2017, sau khi một thành viên sinh hoạt cùng câu lạc bộ chia sẻ. Ý nguyện này đã theo Thiện Quy trên hành trình với tâm niệm “cho đi là nhận lại”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, đây là trường hợp thứ 3 đi xuyên Việt để đăng ký hiến tạng. Năm ngoái, có anh Trần Nguyễn An Khương cũng thuộc Câu lạc bộ xuyên Việt đã đạp xe xuyên Việt để kêu gọi các các hoạt động thiện nguyện và hiến tạng với thông điệp “cho đi là còn mãi”. Tiếp đó một bạn trẻ khác cũng đi bộ xuyên Việt để đến đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, Thiện Quy là người đặc biệt vì bị khuyết tật bẩm sinh và sống chỉ bằng nghề bán vé số.
Đáng chú ý, anh Trần Nguyễn An Khương cũng chính là người đã chia sẻ với Thiện Quy về ý nghĩa cao đẹp của việc đăng ký hiến tạng.
“Dù xuất phát từ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, môi trường nào thì các bạn cũng đã có một hành trình trải nghiệm tuyệt vời, vượt qua bản thân mình và đích đến là Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng, nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội. Các bạn ấy cho thấy dù là ai thì mỗi người chúng ta đều có thể làm những điều tử tế cho cuộc đời này”, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.
Khi Sang bắt đầu hành trình đi bộ của mình, trong túi em có khoảng 500 nghìn đồng. Sang xác định, đi tới đâu, em sẽ kết nối cộng đồng tới đó để mọi người giúp đỡ em hoàn thành tâm niệm.
“Lúc em bắt đầu chuyến đi bộ, không ai biết vì em không nói cho ai, bố mẹ cũng đang ở Vũng Tàu”, Sang nhớ lại.
Nói rồi, Sang cho chúng tôi xem bức ảnh bộ quần áo dính đầy máu. Em cười: “Trong suốt hành trình của mình, em có tới 3 lần bị cướp, có lần còn bị họ xô ngã”.
Đó là lần Sang đi bộ ở vùng biển Bình Thuận đến Ninh Thuận. Khi đó, Sang vì mệt nên nằm nghỉ lại ở cửa một ngôi chùa. Đến khi tỉnh dậy, Sang mới biết mình bị mất điện thoại và khoảng 200 nghìn đồng còn sót lại trong túi.
“Lúc đó em có mượn điện thoại điện cho người quen là thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy hỏi em mất đồ có buồn không. Tất nhiên em trả lời là có. Sau đó thầy bảo, nếu buồn thì đi tiếp sẽ hết buồn, đi tiếp sẽ có người giúp”, Sang nói.
Và Sang lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Trên đường đi em được mọi người giúp đỡ, cho em chỗ nghỉ ngơi và giúp em mua chiếc điện thoại “cục gạch” trị giá khoảng 700 nghìn đồng để làm phương tiện liên lạc.
Thêm lần Sang mất đồ là ở vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Chiếc điện thoại vừa mua kèm theo 230 nghìn đồng trong túi cũng bị lấy đi. Sang còn nhớ, thời điểm đó khoảng 12h đêm.
“Giúp mọi người hiểu hơn về việc hiến mô tạng cũng như làm từ thiện, bảo vệ môi trường, em thực sự rất vui. Sau khi đăng ký hiến tặng mô tạng, em sẽ tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Fansipan”, Sang nói, ánh mắt ngời lên rất nhiều niềm vui.
Theo Vũ Thơ/Thanhnien.vn