Rợn người với tục lệ đào người chết khỏi mộ rồi đưa đi chơi khắp làng
Người quá cố mất đi được giữ lại trong nhà suốt một thời gian dài, được chăm sóc và thậm chí còn cho mặc áo đẹp cho đi chơi như sống. Dù nó thật sự rất khó tin nhưng lại là sự thật…
Hệ thống tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới cho thấy sự đa dạng và phong phú. Đặc biệt, một số nền văn hóa còn lưu giữ cách thức mai táng, những tục lệ kỳ lạ lý giải về linh hồn và sự sống.
Nếu Tây Tạng nổi tiếng với tục lệ mai táng người đã mất bằng cách tháp táng, hỏa táng hay thiên táng thì tộc người ở Indonesia lại giữ thi thể người quá cố ở trong nhà.
Nghe qua có vẻ vô lý nhưng đây là tập tục truyền thống của nhóm người dân tộc thiểu số Toraja sinh sống tại thị trấn Rantepeo, đảo Sulawesi (Indonesia). Người dân trong bộ tộc tin rằng, người đã khuất không thực sự ra đi cho tới khi họ giết trâu để làm phương tiện đi lại sang thế giới bên kia.
Nếu việc giết trâu chưa hoàn thành, khi lễ tang diễn ra thi thể người đã mất vẫn được để trong nhà trong nhiều ngày thậm chí nhiều năm và được chăm sóc giống như người sống.
Người Toraja có niềm tin mạnh mẽ vào thế giới bên kia. Họ cho rằng, khi mất con người không thực sự ra đi, mối quan hệ giữa người với người còn đáng trân trọng hơn chuyện sinh tử. Cái chết không phải là điều đau khổ mà chỉ là chuyển sang một hình thức quan hệ khác.
Nếu có người mất, họ sẵn sàng mổ trâu làm nghi lễ và đãi cơm người dân trong làng để cảm ơn. Lễ tang lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng những con trâu bị giết, một đám tang tối thiểu phải có 24 con trâu. Người lớn tuổi, bề trên sẽ “viếng” một con trâu to, ngược lại người bề dưới chỉ phải đi con trâu nhỏ.
Ông Daniel Rantetasak, người dân trong làng cho biết: “Rất đơn giản để từ chối một đám cưới còn đám tang thì bạn đừng bao giờ nghĩ tới”.
Tuy nhiên, phong tục cổ xưa của tộc người Toraja cho rằng không được để người chết ở một mình, nên dù đã giết trâu nhập quan nhưng thi thể người mất vẫn được đặt ở trong nhà cho đến khi lễ tang chính thức được thực hiện.
Không ai biết chính xác tục lệ của tộc người Toraja có từ khi nào và bắt nguồn từ đâu. Theo các nhà khoa học, chữ viết của người Toraja xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 nên phần lớn các văn hóa cổ xưa đều được lưu giữ và truyền miệng.
Theo truyền thống, người dân sử dụng phương pháp ướp xác formalin (gồm dụng dịch formaldehyde và nước) để giữ thi thể của người chết không bị thối rữa mà dần dần khô lại. Phương pháp này giúp họ vẫn được “nằm” tại nhà nếu người thân chưa hoàn tất tang lễ theo tục lệ.
Điều khác biệt giữa người Toraja với các bộ tộc khác là họ hiếm khi chôn xác chết trong lòng đất. Chỉ khi hoàn tất tang lễ họ mới đưa quan tài đặt bên trong hoặc ngoài các hang động.
Cứ 3 năm 1 lần, vào tháng 8 người dân của bộ tộc sẽ tổ chức lễ hội Manene (Lễ Rửa Xác) nhằm tưởng nhớ người đã mất. Họ đào mộ, đưa xác chết trở về nhà, tắm rửa, chải chuốt cho mặc đẹp rồi đưa đi vòng quanh làng. Họ cũng sửa chữa lại những quan tài đã mục nát, hư hỏng theo thời gian.
Có vẻ kỳ quặc song đây là phong tục đặc biệt của người Toraja. Điểm chung của tang lễ và nghi thức tắm rửa xác chết là giúp cho người đã mất được thanh thản đi về thế giới bên kia.
Để làm được điều này, người dân đưa ra một số điều kiện nhất định như thân nhân của người quá cố bắt buộc phải có mặt trong tang lễ và phải diễn ra tại chính ngôi làng của họ. Nếu một trong hai điều kiện này không được đáp ứng, linh hồn người đã mất không được siêu thoát, họ luôn bị vướng mắc ở nơi xa xôi hẻo lánh.
Ngày nay, Tana Toraja hiện là điểm du lịch nổi tiếng thứ hai ở Indonesia sau Bali. Những di sản của người Toraja để lại được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ít nhất 700 năm. Theo UNESCO, tầm quan trọng trong việc lưu giữ truyền thống của người Toraja là nền văn hoá có từ thời tiền sử không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.