Chàng lính trẻ từ bỏ giấc mơ làm chiến sĩ PCCC vì gặp nạn trong lúc cứu hỏa: “Mỗi lần nghe báo cháy, lại thấy nhớ nghề và đồng đội…”
Cùng đồng đội nhảy vào biển lửa dập tắt đám cháy rồi không may gặp tai nạn, Quang phải trải qua 4 lần phẫu thuật để chữa trị vết thương. Có những lúc chàng lính trẻ rất tuyệt vọng nhưng sau tất cả, anh đã vực dậy chính mình dù nỗi nhớ nghề, nhớ đồng đội vẫn còn đó…
Câu chuyện trên là của chiến sỹ phòng cháy chữa cháy (PCCC) nghĩa vụ Nguyễn Văn Quang (22 tuổi).
Vì vết thương ngày xưa, Quang không còn được tiếp tục công việc mà mình yêu thích, anh đã được đi học chuyên nghành khác. Thế nhưng ký ức về lần gặp nạn và ước mơ làm lính cứu hỏa vẫn còn in sâu trong tâm thức chàng trai trẻ tuổi này.
Ký ức kinh hoàng đêm chữa cháy ở làng nghề: “Ngã vào vũng nhựa nóng chảy, tôi đau đến ngất xỉu”
Chia sẻ về con đường đi đến lính PCCC, Quang cho biết, đầu năm 2014, khi vừa tốt nghiệp THPT, Quang lên đường nhập ngũ Công an nhân dân. Sau một thời gian huấn luyện, anh được phân về công tác tại đội chiến đấu, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 7.
Tai nạn xảy đến với anh vào 0h đêm 15/10/2015, khi đó Quang được đơn vị giao nhiệm vụ đi tiếp viện cứu chữa một đám cháy lớn ở cụm làng nghề Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội).
Khi anh và đồng đội đến nơi cũng là lúc đám cháy đang bùng lên dữ dội. Sau khi phun nước chống cháy lan cho các xưởng liền kề, Quang nhận lệnh quay lại trực tiếp khống chế lửa tại kho nhựa tái chế.
Các chiến sĩ chữa cháy miệt mài trong đêm 15/10/2015 ở làng nghề Ninh Sở. Ảnh: Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội
Khi đó đang là chiến sĩ nghĩa vụ nhưng với thể hình, kỹ thuật chiến đấu tốt Quang được phân công đảm nhận vị trí số một, cầm vô lăng trực tiếp phun lửa. Trong đêm tối, ngọn lửa bốc cao cả chục mét cùng mùi nhựa khét lẹt khiến Quang phải liên tục di chuyển để “né đạn”.
Đám cháy bùng lên giữa đêm đông lại có công nhân đang ngủ nên càng thôi thúc chàng lính trẻ chiến đấu hết mình với hy vọng cứu được người mắc kẹt.
“Với tinh thần của một người lính, dù có hiểm nguy thế nào tôi cũng không phép bản thân được chùn bước. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ nhiệm vụ của mình là giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản và không để người dân nào tử nạn trong đám cháy”, Quang nói.
Sau hơn 10 phút dập lửa, dòng nước đen ngòm từ trong hiện trường chảy ra. Lúc này Quang chỉ nghĩ là nước chữa cháy bình thường như những lần khác. Song đến khi thấy bỏng rát ở chân anh mới biết đó là nhựa trong xưởng bị nóng tràn ra.
Khi vừa kịp phát hiện thì dòng nhựa đặc quánh đã chảy quanh chân khiến anh trượt ngã. Lúc này một đồng đội từ phía sau vội kéo Quang ra khỏi vũng nhựa nhày nhụa.
“Tôi vẫn tỉnh nhưng toàn thân bỏng rát, da bị lột. Năm chiếc móng của bàn tay trái cũng tuột theo. Khi mọi người giúp cởi bỏ quân phục để đưa đi cấp cứu thì tôi đau đến ngất xỉu”, Quang kể.
Nhiều tháng sau đó, anh phải ở trong phòng cách ly trong bệnh viện, không có ánh sáng mặt trời. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, đồng đội. Quang vẫn rất nhớ khi phải đón sinh nhật tuổi 20 trong nước mắt và sự đau đớn ở giường bệnh.
Những lúc nghe tin có cháy lớn, lại nhớ nghề, nhớ đồng đội lắm…
Có những lúc chàng lính trẻ rất tuyệt vọng và chỉ ước mình mất trí nhớ đi để khỏi phải chịu sự đau đớn đến vậy, nhưng nghĩ đến gia đình và những đồng đội đang sát cánh ở bên, Quang lại gồng mình chống chọi.
Hiện cánh tay trái từng cầm vô lăng chiến đấu của Quang giờ đã tàn phế, cả bàn tay giống như chân vịt, không phân biệt được các ngón. Nhiều bộ phận khác trên cơ thể như lưng, chân vẫn biến dạng. Sinh hoạt hàng ngày Quang có thể tự lo nhưng cũng không được nhanh như trước.
Khổ nhất là những ngày trở trời, anh lại cuộn tròn trong một góc giường vì những vết thương giày vò. Song Quang vẫn cố gắng tập luyện đầy đủ để chuẩn bị cho những cuộc phẫu thuật tiếp theo.
Nhiều lúc nghe được tin có vụ cháy lớn, Quang nói “Nhớ nghề lắm nhưng đành ngậm ngùi vì không thể sát cánh được cùng đồng đội”. Ước mơ trở thành chàng lính cứu hỏa mãnh liệt nay đã dang dở. Nhưng Quang nói sẽ làm được nhiều việc hơn nữa bằng đôi tay tàn tật của mình để không cảm thấy vô ích.
Năm tròn 20 tuổi, Quang được công nhận là thương binh loại A với tỉ lệ thương tật 28%. Anh đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật, cấy ghép da nhưng cũng không thể giúp anh chiến đấu bên những đồng đội khác như ngày trước.
Hiện tại, Quang đã được tạo điều kiện để đi học chuyên ngành kỹ thuật truyền tin tại trường Đại học kỹ thuật hậu cần công an nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn và gian nan nhưng Quang vẫn tỏ rõ sự quyết tâm, cố gắng không để mọi người mất lòng tin vào mình.
Theo Trí thức trẻ