Trong cuộc đời này, Duyên đến duyên đi – Phận cùng phận tận – Cưỡng cầu không nổi bình yên
Trong cuộc đời này, Duyên đến duyên đi – Phận cùng phận tận – Cưỡng cầu không nổi bình yên. Cũng bởi…
Bạn không thể mất những thứ chưa bao giờ có.
Không thể nắm những điều không phải của mình.
Không thể giữ những người chỉ muốn ra đi.
Duyên phận – như tôi vẫn luôn tin, là thứ có hạn kỳ.
Có lẽ vì xung quanh mình đang có quá nhiều những mối duyên đã đến hồi tự diệt, mà người trong cuộc lại chưa thấu hết 4 chữ “ngần này mà thôi”. Thế là, người ta quay sang trách cứ, hằn học người cũ đủ điều. Như thể nỗi đau lúc chia tay chưa đủ bẽ bàng, giờ còn mang cả cái đau tự tạo của những ngày-không-nhau sau đó để đổ tội lên người kia.
Rồi thì được gì, ngoài những nặng nề chất chồng lên thêm cho một kỷ niệm vừa buông thõng người nằm xuống dưới mấy lớp cỏ xanh?
Duyên phận, như tôi vẫn luôn tin, là thứ có hạn kỳ. Thành ra chuyện tình yêu, chẳng thể nào biết trước là đời đời kiếp kiếp hay giữa đường gãy cuộc trăm năm. Như thể một khoảnh khắc chớp mắt mở ra, thấy bàn tay vừa nắm chặt mình, giờ đã vuột mất thình lình không cách nào níu kịp.
Bởi khi một bàn tay đã không còn muốn đan lấy bàn tay còn lại, mọi sự buông bỏ sẽ lập tức chóng vánh và nhẹ lòng, như một kẻ đốt lửa ở lò hoả táng đang làm nốt công việc sau cùng là chèo độc mộc rải tro cốt xuôi dòng ra biển Đông.
Đó là khi ta phải chấp nhận, dù muốn hay không, rằng duyên đã tận, cố nhân thay lòng, người thương cũng đã ra thành người dưng. Đoạn đường này, anh và em chỉ đi cùng đến đây là phải rẽ ngang khác hướng. Đoạn tình này, anh và em chỉ yêu được đến đây là đã cạn cùng nhớ thương. Ái ân ta có ngần này mà thôi…
Ấy vậy mà, đâu phải ai cũng hiểu cái gọi là “có ngần này” để nhẹ lòng nhủ một chữ “THÔI”. Nên là, những dồn nén của yêu-hận bất phân từ đây mà thành.
Hôm nọ, cô bạn tôi viết những lời tủi thân trên trang cá nhân sau một cuộc đổ vỡ: “Anh từng hứa sẽ bảo vệ em, vậy mà bão táp mưa sa sau này đều là do anh mang tới…”. Nghe qua thì tội, nhưng ngẫm kỹ thì thấy trách hờn nhiều hơn là thương thân. Mà người ta đã không còn thương mình, mấy lời dỗi vặt ấy liệu có làm lãng tử hồi đầu. Câu trả lời như chúng ta đều biết, dĩ nhiên là không.
Nhưng người ngoài cuộc ngó vào thì dễ, chứ kẻ trong cuộc thì nhất nhất không cam tâm. Bi kịch nào cũng phát xuất từ mâu thuẫn giữa cái đầu cứng và trái tim mềm, khi một người còn cố chấp thương, và một người lại cố tình quên hẳn. Vì thương thành hận. Vì quên nên thấy mọi vướng víu cũ thật phiền hà.
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ, nếu đã không thể bình yên ở-bên-nhau thì chí ít, cũng nên bình yên ở-xa-nhau. Đã đến nước này, điều còn lại chúng ta có thể làm, chỉ là giữ cho nhau chút nhẹ nhàng sau cuối lúc rời đi.
Vậy nên, lùi một bước để đứng từ sau, bình thản nhìn người xưa bình an đi về phía bình minh mới. Lùi một bước để biết đằng sau ảo tưởng thiên trường địa cửu của tình cảm còn là cả tháng rộng năm dài mà mỗi người đều phải tự một mình bước qua. Lùi một bước để biết Duyên tới Duyên tận, không muốn chấp nhận cũng phải chấp nhận, thay vì cưỡng cầu chấp nhất, sao không nguyện cầu chúc nhau? Lùi một bước để xích lại gần hơn với quá vãng sau lưng, để đứng cạnh nó thêm vài khắc cuối cùng và ủ ấm lòng mình bằng chút kỷ niệm rớt lại trên đoạn đường đã qua.
Và lùi một bước, cũng là để biết chén nước khi đã hất xuống mặt đường thì không còn cách nào cứu vãn, ngoài trừ một mặt đất lem nhem sẽ khô khốc dần khi Mặt trời hong khô.
“Người dưng nước lã”, đôi khi là như vậy đó.
Muốn thu về nước đổ tràn ly, âu chỉ là chuyện bất khả mà đời người ai cũng một lần mê si cố thử.
Rồi cũng tỉnh ngộ.
Rồi cũng từ bỏ.
Rồi cũng nước lã.
Rồi cũng người dưng.
Như lời dạy của Phật, rằng vạn sự trên đời chi bằng lùi một bước, bởi thế gian được – mất tuỳ Duyên.
Duyên xưa chuyện cũ như một con tàu đã rời cảng hướng về trùng khơi. Nếu không học được cách lãng quên bến tạm từng neo nhờ lúc trước, thì phận hải hành sẽ cả đời trôi dạt. Vì mắt thuyền trưởng cứ mãi nhìn về bờ xưa, làm sao căng buồm đến được bến mới?
Chưa kể loay hoay không đoán định hải trình, va phải băng trôi thì chẳng khác nào tự chuốc hoạ cho mình. Mà Titanic khi ấy cũng chẳng còn chàng Jack chung tình nhường bè cứu sống nàng Rose. Là tự mình sẽ đắm thôi!
Để bắt đầu một tình yêu (dù đơn phương hay từ cả đôi phía) thì chỉ cần gặp đúng người là tự khắc lòng yêu. Còn để kết thúc đoạn tình đó, thì phải biết đâu là đúng lúc để dừng lại và đừng níu phiền cho cả hai. Chia tay đúng lúc là cách tự đặt dấu chấm hết cho tình cảm để tránh bản thân mỏi mệt về sau. Còn hơn dùng dằng “bỏ thì thương vương thì tội” sẽ chỉ càng khiến thứ hạnh-phúc-đã-từng phải thêm hấp hối gắng gượng và chất chồng thêm đau.
Vì bạn biết đấy, câu “buông tay nhau” dù sao nghe cũng đỡ chua chát đoạn tuyệt hơn là “buông tha nhau”. Đáng buồn nhất của một mối quan hệ cạn tình không phải là đánh mất người-đã-từng-thương, mà là đánh mất chính mình. Nên là, dù gì cũng phải biết đâu là điểm dừng cho một nỗi đau cũ, để đừng chôn chân đứng lại hoài với quá khứ mà quên sống cho phần đời còn dài ở phía sau.
Theo giadinhtiepthi