Phật dạy bốn chữ “từ, bi, hỉ, xả”, muốn yêu thương thì phải hiểu
“Từ, bi, hỉ, xa ” Phật dạy 4 chữ ấy chỉ cần hiểu và học theo thì dù vợ chồng đã lạnh nhạt đến mấy rồi cũng sẽ mặn nồng thuở mới yêu.
Bước vào hôn nhân, vợ chồng sẽ đối mặt với hai cánh cửa, một lên thiên đàng và một xuống địa ngục. Cách người ta yêu và sống với nhau thế nào sẽ quyết định cánh cửa mà họ sẽ mở ra.
Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Vì thế hãy nhớ, muốn thương thì phải hiểu.
Ai cũng có những bí mật riêng của mình, những nỗi niềm, khổ đau, khó khăn khó có thể chia sẻ cùng ai. Nếu không hiểu mà cứ đòi quan tâm sẽ làm đối phương ngột ngạt. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.
Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.
Ai cũng mong muốn sẽ tìm được một người hiểu mình, vừa là người yêu, vừa là tri kỷ. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.
Hãy nhớ, yêu thương là phải “từ, bi, hỉ, xả”
“Từ” là khả năng mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu mà không mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thì không phải tình yêu đích thực, yêu nhau thực sự là phải làm cho người ta hạnh phúc mỗi ngày.
“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.
“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật là tình yêu phải khiến cho cả hai người đều vui vẻ, hạnh phúc. Càng yêu nhau thì niềm vui càng lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc, nhân duyên như vậy mới là nhân duyên tốt đẹp.
“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/ anh, em/ anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.