Đốt vàng mã, thờ cúng tổ tiên phải đúng cách, bằng không sẽ làm hại người ‘quá cố’
Nhà Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố để báo hiếu. Đốt vàng mã chỉ là quan niệm “trần sao âm vậy” trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng – UIA, cho rằng: Đốt vàng mã và thờ cúng tổ tiên cũng phải biết cách, bằng không sẽ chỉ làm hại đến những người quá cố…
– Thưa ông, bằng thực nghiệm nhiều năm nghiên cứu, ông thấy khi đốt vàng mã, liệu người âm có nhận được không?
– TS Vũ Thế Khanh: Hầu như ngày nào ở trung tâm chúng tôi cũng có những cuộc “áp vong”, giao lưu với những người đã khuất, hai phần ba số vong được hỏi trả lời rằng có nhận được vàng mã do con cháu đốt.
– Vậy là, đốt vàng mã không phải là…vô ích?
– TS Vũ Thế Khanh: Đúng là không vô ích nhưng rất lãng phí và ít tác dụng với người âm. Mình cứ cúng đồ thật đi, vì thật hay giả thì họ đều nhận được như nhau. Thay vì mấy chục, mấy trăm triệu tiền vàng mã đốt rồi chỉ còn tro bụi, mua đồ thật, cúng lên họ vẫn nhận được cơ mà. Xong rồi mang đồ thật đó cho người khác sử dụng có phải là có ích hơn không! Chưa kể đến việc khi mình mang đồ thật cho người khác là mình đã mang đến niềm hoan hỉ, người ta phát lên một tần số cảm ơn. Niềm hoan hỉ và tần số cảm ơn đó chính là công đức mà mình tích được để dâng lên ông bà tổ tiên. Còn đốt vàng mã thì không mang lại niềm hoan hỉ và lợi ích nào cả.
– Theo đó, những nhà đi trình đồng mở phủ đốt ngựa và xe, không lẽ cũng phải là đồ thật?
– TS Vũ Thế Khanh: Phương tiện đi lại thì chẳng có ý nghĩa gì. Khi hồn đã thoát khỏi thân xác thì không còn lệ thuộc vào thân xác nữa, mọi di chuyển đều bằng ý nghĩ. Nếu các cụ nhà anh cưỡi ngựa từ TP. Hồ Chí Minh ra, liệu năm ba ngày có kịp ra đến nơi cho anh áp vong, giao lưu không?
Còn những người nghe thầy “đểu” nói là căn cao, số cao, phải trình đồng mở phủ. Ấy là người ta dọa để bạn phải bỏ tiền. Bây giờ nhé, “võ công” của bạn cao mà một người nào đó bảo võ công anh cao lắm, anh phải về làm lính cho tôi, liệu bạn có chịu không? Căn cao, số cao chính là những người có nhiều công đức, tích được nhiều điều thiện. Và căn cao, số cao là tốt.
– Có nhiều ý kiến cho rằng đốt vàng mã chỉ là để cái tâm người trần được an. Ông có cho rằng đó là lý do khiến người ta đốt mã ngày một nhiều?
– TS Vũ Thế Khanh: Việc đốt vàng mã có lợi cho sự mê tín. Đó còn là sự vô trách nhiệm. Ai cũng nghĩ rằng đi mua thật nhiều vàng mã về đốt là xong. Nhưng bố mẹ, ông bà mình dưới kia đang bị giam cầm, cảm giác ốm đau vẫn còn thì lại không cứu. Bản thân tôi trước đây cũng đưa bố mẹ tôi lên chùa và nghĩ thế là xong, các cụ được yên nghỉ. Nhưng sau đó tôi nhận ra việc đó chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.
Còn những anh đốt hàng chục, hàng trăm triệu vàng mã, có lắm tiền chưa chắc đã có tâm. Một ví dụ rất nhỏ và thiết thực: Anh đốt cho mẹ anh 10 tỉ rồi bảo “bà xem đã đủ công sức bà nuôi dạy con chưa”, thì bà chả ném vào mặt anh và bảo “nghìn tỷ cũng không đủ được, cái thằng mất dạy”. Nhưng bây giờ, anh mua một bát bánh đúc thôi, mang đến cho mẹ rồi thủ thỉ “mẹ ơi, con biết lúc mẹ sống mẹ thích ăn bánh đúc…” Anh nghĩ xem mẹ anh quý 10 tỷ hay quý bát bánh đúc? Đấy chính là công đức. Cho nên công đức ghi được không phải là ở đốt nhiều hay ít vàng mã.
– Vậy khi đốt vàng mã, có phải nghĩ đến tác dụng của nó hay không?
– TS Vũ Thế Khanh: Có chứ. Dù chỉ là vàng mã nhưng khi đốt cũng phải nghĩ đến việc người ta có cần không, có dùng được không, và dùng được thì có lợi ích gì với người ta không? Ví thử, vong nhà anh là một người nghiện, đang vật vã lên cơn thèm thuốc thì mang ma túy hay mang thuốc cai nghiện đến cho người ta? Hai thứ đều có tác dụng, nhưng cho ma túy thì khác nào cõng họ xuống sông? Còn để tích đức thì chắc chắn anh phải cho người ta thuốc cai nghiện rồi.
– Còn việc năng đến mộ ông bà, bố mẹ viếng, rồi lễ lạt tại mộ có phải là một cách báo hiếu tốt không, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Chưa chắc đã tốt. Nếu lần nào anh đến, anh cũng chỉ thắp hương, bày lên cân cam rồi xin đủ thứ thì anh đừng đến còn hơn. Ví như hai anh con trai cùng mức sống như nhau, một anh hễ về nhà là xin cái này cái khác, thì nói thật là thế nào cũng có ngày thấy bóng dáng anh là các cụ trốn. Còn cái anh vừa về đến nhà đã hỏi các cụ còn cần gì để con biếu thì rõ ràng là anh ấy hiếu thảo hơn, tích được nhiều công đức hơn chứ. Đó cũng là lý do vì sao ở trung tâm chúng tôi có những vong về gặp con cháu thì vui mừng, cười nói phấn khởi, lại có những vong về hễ thấy con cháu là mắng xơi xơi.
– Vậy, những trường hợp về thắp nhang trên mộ, không xin cũng không hỏi bố mẹ cần gì thì sao?
– TS Vũ Thế Khanh: Thế thì anh thắp để làm gì. Anh không phát cái hiếu thảo, thì cái tâm của anh cũng bằng không. Nếu anh thắp hương lên mà vô cảm, trong đầu không khởi lên điều gì thì không nên thắp. Ví dụ, khi anh vào viếng nghĩa trang liệt sĩ, anh giơ tay giơ chân, anh mang vòng hoa mà anh không xúc động, không tri ân, không cầu nguyện thì anh còn có tội hơn. Chỉ là hình thức như thế, thà anh đừng đến, đừng làm còn ít tội, còn đỡ làm ông bà, cha mẹ đau buồn hơn.
– Phải chăng cách tốt nhất để báo hiếu là cầu nguyện cho họ về nơi an lạc?
– TS. Vũ Thế Khanh: Đúng nhưng chưa đủ. Nếu anh chỉ cầu nguyện không thôi thì anh rơi vào mê tín và những lời cầu của anh cũng không thể phát huy tác dụng. Ngoài cầu nguyện cho tổ tiên về nơi an lạc, anh còn phải làm những việc thiện để tích công đức. Công đức ấy vừa là để cho mình, vừa là cho cha mẹ mình để họ sớm được siêu thoát nữa. Mà trên đời này chỉ có trí tuệ và lòng tốt là hai thứ càng cho đi thì càng được nhận về nhiều hơn thôi.
– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Báo Hải Phòng