Cô bé “chim cánh cụt” 7 tuổi viết chữ bằng chân và ước mơ trở thành cô giáo
Sinh ra đã không có hai bàn tay, đến tuổi đi học Linh bắt đầu tập viết bằng đôi chân nhỏ bé của mình. Em vẫn luôn mơ về một ngày mai có thể cầm phấn đứng trên bục giảng. Với cô bé 7 tuổi đầy nghị lực, giấc mơ ấy đong đầy thật nhiều ý nghĩa.
– “Con có thích đi học không?”
– “Dạ con có, đi học vui lắm ạ! Con có nhiều bạn thân như bạn Vy, bạn Thảo, bạn Thủy Tiên…”
– “Con thích học môn gì nhất?”
– “Môn Toán ạ. Con ước mơ sau này được làm cô giáo”.
Đứa trẻ 7 tuổi hồn nhiên và đầy nghị lực vẫn luôn mơ về một ngày mai cầm phấn đứng trên bục giảng. Chỉ đến khi chứng kiến cảnh em cúi gập người, cặm cụi viết chữ một cách thuần thục, nhiều người mới biết giấc mơ kia với em đong đầy thật nhiều ý nghĩa. Từ khi sinh ra, em đã không có hai bàn tay.
“Mẹ ơi, sao tay con lại ngắn hơn tay các bạn?”
Ngày đó biết tin mang thai, chị Nguyễn Thị Như Nương (28 tuổi, Thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mừng rỡ khi một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần bên trong bụng chị. Đó là một bé gái và cả gia đình hạnh phúc đón chờ em.
Lần đi siêu âm kiểm tra tình hình sức khỏe của bé con, chị Nương bàng hoàng như sét đánh khi biết tin, rằng con gái chị bị khuyết tật bẩm sinh, bé sẽ không có hai bàn tay như những đứa trẻ khác. Cả một khoảng thời gian buồn từ ngày hôm đó đến khi sinh con, chị Nương không biết mình sẽ trả lời con như thế nào về sự khiếm khuyết đáng thương này.
“Bẩm sinh từ trong bụng mẹ nên chả có phương pháp nào có thể giúp con, trừ khi có đôi tay khác lắp vào”, chị Nương tâm sự.
Lớn lên khi đi học, bé Nguyễn Như Linh (7 tuổi) thắc mắc với mẹ về khiếm khuyết trên cơ thể khi mà những đứa trẻ cùng trang lứa khác không giống em. “Mẹ ơi, tại sao tay con lại thế này? Sao tay các bạn dài hơn tay con?”.
Những lúc như này chị Nương đau đớn trả lời con trong nước mắt: “Từ khi con nằm trong bụng mẹ con đã như này rồi”. Bé Linh hỏi mẹ rất nhiều lần, và câu trả lời lần nào cũng chỉ có một. Khoảng thời gian sau, em tự nhận thức được bản thân mình khuyết tật và em buồn, buồn nhiều lắm.
Không có hai bàn tay, bàn chân trái của Linh cũng chỉ có 4 ngón. Tất cả mọi việc từ tắm giặt, mặc quần áo đều một tay chị Nương chăm lo cho con gái. Cứ mỗi sáng trong tuần, đánh răng rửa mặt xong, chị Nương lại chở bé Linh tới trường. Em năm nay học lớp 2, trường Tiểu học Thượng Lâm. “Mình phải giúp con nhiều, bé có thể tự dùng chân đút cơm nhưng lười ăn lắm. Có khi mình phải nịnh nếu không con sẽ không ăn”, chị Nương kể.
Đến khi hay tin mình mang thai bé thứ 2, người mẹ 28 tuổi khi đó vẫn còn nơm nớp lo sợ. Chị sợ một lần nữa đứa bé chị sinh ra liệu có như chị gái nó. May mắn thay, bé Nguyễn Như Ngọc lớn lên mạnh khỏe với hai bàn tay lành lặn. Chị Nương tâm sự có nhiều khi hai chị em cãi nhau, bé Ngọc có lỡ nói điều gì không phải lại khiến chị gái buồn và mặc cảm. Nhưng để nói về đứa con gái đầu lòng, chị vẫn luôn khẳng định bé Linh rất nghị lực và lúc nào em cũng vui vẻ sống.
Cô bé “chim cánh cụt” viết chữ bằng đôi chân kỳ diệu và ước mơ đầy ý nghĩa
Từ ngày còn bé, Linh đã quen ôm mọi thứ bằng “đôi cánh tay” nhỏ bé của mình: từ đồ chơi, tới quần áo, sách vở,… Lần đầu tiên cầm bút học viết, đôi chân em đưa chữ còn hơi nghuệc ngoạc, hàng lối méo mó. Nhưng sự mạnh mẽ của cô bé lúc đó chỉ mới học mẫu giáo khiến nhiều người ngạc nhiên: em không hề bỏ cuộc, trái lại còn chăm chỉ tập luyện mỗi ngày.
Và cho đến bây giờ, những tấm bằng khen trên tường đã chứng minh cho tất cả nghị lực và sự phấn đấu của Linh.
Linh kể em thích làm Toán và luyện chữ mỗi ngày. Em rất thích đi học để được gặp và vui chơi cùng các bạn. Ở lớp, bàn của em được thiết kế riêng, phần ghế ngồi có phần thấp hơn để em tiện viết chữ.
“Đêm nào mình cũng bóp chân cho con vì đi học cả ngày viết nhiều mệt, có nhiều khi chân sưng đỏ lên. Sức khỏe bé yếu nên nhiều khi ở lớp bạn nào vô ý va vào thôi cũng có thể ngã ra mặt đường, máu chảy nhiều”, chị Nương kể.
Buổi tối trước khi đi ngủ, bao giờ Linh cũng hoàn thành bài tập cô giáo giao trên lớp. Đêm đêm, cô con gái bé bỏng lại tâm sự với mẹ về một ngày ở trường: cô giáo dạy những gì, việc học diễn ra như nào, bạn bè đối xử với em ra làm sao. Cũng có những lúc Linh buồn vì bạn bè xôn xao mỗi khi em ngã nằm bất động, phải có người đỡ dậy mới được. Nhưng vì lũ trẻ còn nhỏ nên chẳng trách được lời ăn tiếng nói, chị Nương nghĩ thế nên cũng không phiền muộn gì nhiều.
“Ước mơ của con sau này là gì?”
“Con muốn làm cô giáo, nhưng con không có bàn tay để cầm phấn…”.
Bé Linh nghĩ xa xôi cho tương lai sau này, khi mà cơ thể em không có tay để cầm phấn đứng lớp. Nhưng “con vẫn có thể trở thành cô giáo bình thường, còn nhiều cách mà”, chị Nương viết tiếp vào giấc mơ đó của con trẻ. Chị vẫn luôn tin con gái mình là đứa trẻ đủ mạnh mẽ và nghị lực để hoàn thành ước mơ mà hôm nay em nghĩ tới.
Tạm biệt căn nhà nhỏ nằm nép mình ở mảnh đất xa xôi cách xa trung tâm Hà Nội, chúng tôi tin vào nụ cười, sự hoạt bát và nhanh nhẹn ngày hôm nay của Linh. Tất cả sẽ giúp em bước tiếp những bước lớn trong cuộc đời. Dù mai sau chặng đường chắc chắn còn nhiều chông gai nhưng bên cạnh em có ông bà nội ngoại, bố mẹ và em gái Như Ngọc vẫn luôn cùng đồng hành để em có thêm nghị lực làm nên những điều tuyệt vời.
Theo tri thức trẻ