Câu chuyện xúc động về đôi bàn chân viết chữ đẹp của bé gái xinh xắn, học giỏi nhưng bất hạnh cụt cả hai tay
‘Mỗi lần nhìn Linh viết bài toát mồ hôi hột là mỗi lần tôi thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Linh cười khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi không cầm được xúc động.
Trên đời này đâu có nhiều người làm được điều đó’, cô giáo chủ nhiệm bộc bạch khi kể về cô học trò nhỏ đặc biệt trong lớp học của mình.
Đó là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường của cô bé Nguyễn Như Linh (7 tuổi), con gái đầu lòng của anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nương (28 tuổi) sống tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Ý chí quật cường của gia đình nhỏ
Năm 2010, vợ chồng anh Tuấn hạnh phúc đón chào đứa con đầu lòng sau một năm kết hôn. Thế nhưng niềm vui bỗng chốc vụt tắt khi anh chị phát hiện con gái bị khuyết tật đôi tay.
Đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vợ chồng trẻ vẫn bàng hoàng khi sinh con ra. Anh chị quyết tâm cho con có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Một thời gian dài, anh chị đi khắp các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng với hy vọng chữa trị cho con. Tuy nhiên, bệnh tình của Linh vẫn chưa thuyên giảm. Hiện tại, em vẫn hay đau ốm, gầy gò. Lên 7 tuổi nhưng Linh chỉ cân nặng 14 kg, bằng trọng lượng của trẻ 4 tuổi.
Như bao bạn bè khác, Linh cũng có ước mơ được đến trường đi học. Ở tuổi lên 5, khi các bạn vui vẻ đến lớp, em bắt mẹ bồng đến cửa số lớp học mầm non nhìn vào bằng ánh mắt thèm thuồng, khát khao. Mỗi sáng các bạn đi học, ngồi trước cửa ngôi nhà sâu hun hút cuối xóm, Linh lại thẫn thờ nhìn theo.
Thương con gái, chị Nương đưa cháu đến trường xin nhập học cho con. Chị kể lại: “Năm 2015, cháu Linh tròn 5 tuổi, tôi đưa cháu đi xin học mầm non, mới đầu nhà trường từ chối tiếp nhận chỉ vì con tôi là trẻ khuyết tật. Năn nỉ mãi, sau khi kiểm tra trí nhớ, khả năng sử dụng chân của Linh nên nhà trường mầm non đã quyết định đồng ý tiếp nhận cháu”.
Không có bàn tay, mọi sinh hoạt cá nhân của Linh đều nhờ bố mẹ. Thế nhưng em đã biết dùng chính đôi chân của mình để tự xúc cơm, chơi ghép hình và viết chữ thuần thục.
Bàn chân kì diệu viết tiếp ước mơ làm cô giáo
Để có được nét chữ cứng cáp, đều đẹp trong từng trang vở, Linh đã kiên trì, nỗ lực gấp nhiều lần và trải qua rất nhiều vất vả, khổ sở.
Lên 4 tuổi, Linh bắt đầu để ý mọi người làm việc nhà. Sang nhà hàng xóm chơi, thấy cuốn tập của người anh trên bàn, em tò mò giờ ra xem và xin anh cây bút chì, cuốn vở trắng để về tập viết. Từ đó, Linh bắt đầu kẹp bút bằng những ngón chân.
Những ngày đầu dùng chân tập viết, người em cong lên như con tôm, mồ môi nhễ nhại trên má, nét chữ méo mó, hàng lối xiêu vẹo. Không những thế, hai ngón chân kẹp bút của Linh rớm máu, đau ê ẩm nhưng em vẫn nhất đình không dừng bút, quyết tâm viết cho con chữ tròn vành.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, chỉ sau một thời gian, Linh đã cầm bút bằng chân thành thạo, nét chữ đẹp đều, thẳng tắp. Tiếp thêm động lực cho con, chị Nương đã tìm sách về cho con tập đọc, tiếp viết. Tấm bảng đen ở góc nhà không ngày nào thiếu vắng nét chữ nắn nót của Linh.
“Ngày nào cháu cũng tập viết bằng chân, tay cháu bị tật nhưng đôi chân cháu có thể viết được mà. Cháu viết đẹp lắm đấy”, Linh chia sẻ bằng ánh mắt rạng rỡ.
Nhớ về cô học trò nhỏ Như Linh, cô Lê Thị Hằng – Giáo viên chủ nhiệm của Linh tại Trường tiểu học Thương Lâm kể lại: “Ngày đầu em Linh mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào cho thích hợp. Lúc đầu nhà trường bố trí em Linh ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp khi em viết bằng chân. Khi học, hễ gặp chữ nào khó thì em Linh đều cố gắng rèn cho bằng được. Tuy Linh viết chữ bằng chân nhưng chữ rất đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và môn Tiếng Việt, vẽ cũng rất đẹp”.
Chính nghị lực và lòng khát khao con chữ cháy bỏng của Linh đã thôi thúc cô Hằng không ngừng đồng hành cùng em suốt cả năm học. Dù trời nắng hay mưa, góc phòng lớp 1C không ngày nào vắng bóng dáng cô trò nhỏ có nghị lực kiên cường.
Năm học 2016 – 2017 vừa qua, Linh đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện khối lớp 1 và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức tặng giấy khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên học giỏi.
Cơ thể bị khiếm khuyết, đôi lúc bị ngã chảy máu nhưng cô trò nhỏ vẫn đang tiếp tục viết nên ước mơ đến trường, ước mơ trở thành cô giáo.
“Ngã đau lắm, nhưng cháu thích đi học để tương lai trở thành cô giáo, cháu không nghỉ ở nhà đâu”, Như Linh hồ hởi chia sẻ cùng PV Dân Việt.
Theo phụ nữ sức khỏe