Bao dung bố mẹ, mới có thể bao dung thiên hạ: Bài học “vỡ lòng” cho những người làm con nhưng mấy ai hiểu thấu!
Phận làm con đều cần phải nhớ, bố mẹ là những người đầu tiên mà chúng ta thực hành, áp dụng trong việc tu dưỡng nhân cách, tâm hồn.
Mỗi người chúng ta đều do bố mẹ sinh thành, dưỡng dục. Tuy nhiên, mỗi người làm cha mẹ không có ai là hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm này, điểm yếu kia.
Thế nhưng, chính những vấn đề này lại trở thành lý do để rất nhiều người không hiếu thuận với bố mẹ.
Ví dụ có những bậc cha mẹ nóng nảy, lại có những người thiên vị con cái, có người lại nghèo khó ốm đau, lại có người lạc hậu, chậm chạp, đặc biệt là những bố mẹ tuổi đã cao, đầu óc không còn minh mẫn, ở bẩn, người có mùi hôi, thậm chí có những người không thể kiểm soát các hành vi, đại tiểu tiện lúc nào không hay…
Mỗi người làm con đều cần phải nhớ, bố mẹ là nhóm đối tượng đầu tiên mà chúng ta thực hành tu dưỡng. Mỗi chúng ta, hãy bắt đầu từ bố mẹ để học cách bao dung, yêu thương. Bất luận là bố mẹ có thế nào, chúng ta cũng đều phải yêu thương, hiếu kính và tôn trọng họ.
Một người, đến bố mẹ đẻ ra mình còn không muốn bao dung thì chắc chắn, người đó sống trên đời sẽ là một kẻ hẹp hòi, tính toán.
Mà đã nhỏ mọn hẹp hòi, làm sao có thể làm nên việc lớn? Đó cũng là lý do mà vì sao, các vua chúa trước đây khi chọn lựa quan lại đều đặt lòng hiếu thảo lên hàng đầu.
Ngay cả việc chọn bạn đời cũng vậy, cần đặt lòng hiếu thảo của đối phương lên vị trí số 1 để cân nhắc.
Con trai có trách nhiệm với bố mẹ hay không, con gái có hiếu thuận, đối xử tốt với bố mẹ hay không, nếu không chú trọng đến vấn đề này mà lấy phải người đến bố mẹ cũng không thể bao dung thì sau này, những khiếm khuyết đó sẽ là rào cản trong hạnh phúc gia đình và rộng hơn là rào cản trong các mối quan hệ xã hội.
Nói đi cũng cần nói lại, với người làm bố mẹ, dù con cái có thế nào, bố mẹ cũng cần yêu thương, chăm sóc, dưỡng dục, mong con cái sau này phương trưởng, thành đạt, một đời bình an, hạnh phúc.
Với những bố mẹ đến con mình cũng không thể bao dung, đứa trẻ đó từ nhỏ đã bị ảnh hưởng, sau này làm sao có thể mang trong mình một trái tim rộng lượng?
Không có một trái tim yêu thương rộng lớn, đời người ắt sẽ gặp vô số trắc trở, làm sao có thể có hy vọng vào một tiền đồ rộng mở? Làm gì có vui vẻ hạnh phúc? Con cái của những người như thế sau này lớn lên cũng là lúc bố mẹ già đi cần chăm sóc, chúng nhất định sẽ tính toán với bố mẹ.
Làm người cần tận hiếu, đó là bước đầu tiên giúp thay đổi vận mệnh. Bởi vì chúng ta làm người, đến bố mẹ còn không thể bao dung thì làm sao có thể bao dung cả thiên hạ?
Là người làm cha mẹ, nếu muốn con cái hạnh phúc, có cuộc đời thuận lợi, bản thân bố mẹ cũng cần phải hiếu kính với người đã sinh thành ra mình, bắt đầu bao dung từ phụ mẫu cho đến những người khác, chấp nhận những cố chấp của bố mẹ, nhẫn nại, chăm sóc họ…
Tất cả mọi tài sản, danh dự, địa vị đều là những biểu hiện bên ngoài, chỉ có đạo đức, đức hạnh mới là căn bản. Đức dày có thể gánh được vạn vật, câu nói này quả thực chẳng sai.
5 điều không oán thán để yêu thương bố mẹ
1. Không oán trách bố mẹ không có khả năng
Không có ai trên đời này là vạn năng, cũng không có ai là hoàn mỹ.
Bố mẹ đã cho chúng ta sinh mệnh, dốc hết tâm huyết và sức lực để dưỡng dục chúng ta thành người, việc đó đã không dễ dàng gì, thế nên mỗi người cần phải biết mang ơn bố mẹ vì điều đó, đừng oán trách họ “bố nên là một người bố thế nào, mẹ nên là một người mẹ thế nào”…
Hãy nói với họ một cách chân thành, rằng: “Con chấp nhận bố mẹ như thế, con chấp nhận và hưởng thụ tất cả những gì bố mẹ trao cho con.”
2. Không oán trách bố mẹ nói nhiều
Bố mẹ xuất hiện trên đời này trước chúng ta, tích lũy kinh nghiệm sống trước chúng ta, trưởng thành rồi mới sinh ra chúng ta. Khi chúng ta ra đời, họ cam tâm tình nguyện dùng hết phần đời còn lại chăm lo cho con cái.
Bố mẹ dạy ta mặc quần áo, dạy ta cách ăn cơm, trông ngóng hy vọng chúng ta bình an hạnh phúc… Chỉ có những người thực sự yêu thương ta mới nhắc nhở, bản ban, mới nói nhiều với ta mà thôi. Bố mẹ tuyệt đối không bao giờ nói nhiều với một người không liên quan đến họ.
3. Không oán trách sự trách móc của bố mẹ
Bố mẹ trách móc chúng ta chỉ vì không hài lòng với chúng ta ở hiện tại. Khi chúng ta làm đủ tốt, họ sẽ hy vọng chúng ta làm tốt hơn! Bố mẹ mong như vậy không phải vì bản thân.
Có lẽ cuộc đời họ đã có quá nhiều điều không như ý, có thể công việc hằng ngày của họ đã quá vất vả mà chẳng thể nói với ai, vì thế, họ chỉ biết khát vọng ở con cái, mong con cái sau này thành đạt để không phải sống cuộc đời như họ mà thôi.
4. Không oán trách sự chậm chạp của bố mẹ
Bố mẹ già đi, mọi vận động lẽ tự nhiên cũng sẽ trở nên chậm chạp. Làm con, tuyệt đối đừng khó chịu, oán trách sự chậm chạp đó của bố mẹ, bởi chúng ta mãi mãi chẳng thể tưởng tượng ra ngày nhỏ, bố mẹ đã nhẫn nại ra sao khi dạy chúng ta tập đi.
Khi bố mẹ còn trẻ, có thể họ còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn chúng ta bây giờ. Vì chúng ta, họ mới phải mệt mỏi đến lưng còng tóc bạc.
Nếu có một ngày bố mẹ già đi, chân tay run lập cập, người làm con xin nhớ: Nhìn bố mẹ chính là nhìn tương lai của bản thân sau này, nên nhất định cần phải hiếu thuận với họ.
5. Không oán trách bố mẹ ốm đau
Dù bận cỡ nào, dù là ban ngày hay trời tối, dù là mưa gió bão bùng, chúng ta chỉ vừa ốm, bố mẹ đã bỏ tất cả, vội vàng đưa chúng ta vào bệnh viện, cả đêm thức trắng chăm nom.
Vậy khi bố mẹ ốm đau, chúng ta đã làm được những gì?
Trong cuộc sống hằng ngày vẫn thường có những thông tin phản ánh việc con cái bỏ mặc bố mẹ già yếu đau ốm, còn chúng ta, liệu chúng ta có thể làm một người con tận hiếu, chăm sóc người sinh thành khi họ đổ bệnh?
Sinh mệnh con người không dùng vào việc oán trách. Chúng ta dần trưởng thành cũng là lúc bố mẹ dần già đi, cho đến khi rời xa chúng ta… Không có bố mẹ sẽ không có chúng ta. Oán trách bố mẹ chẳng bằng thấu hiểu và thông cảm cho bố mẹ.
Nếu đến bố mẹ còn không thể bao dung, làm sao có thể bao dung thiên hạ? Trong hàng trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu. Từ bây giờ, hãy nhớ đừng bao giờ oán trách người đã sinh ra mình bạn nhé!
Theo soha