Muốn con giàu sụ trước 18 tuổi thì cha mẹ nên thực hiện ngay 6 điều này
Những đứa trẻ được cha mẹ nói chuyện về tiền ít nhất tuần một lần sẽ thông minh về tiền bạc hơn những đứa trẻ không bao giờ được cha mẹ nói chuyện về đề tài này. Bởi vậy, nếu muốn con bạn đến năm 18 tuổi có 1 tài sản đồ sộ trước khi chúng ra đời thì nên dạy ngay bây giờ
Dưới đây là những việc cha mẹ cần làm để giúp trẻ giàu có hơn trong tương lai, theo gợi ý của Business Insider:
1. Cho trẻ một khoản tiền nhỏ
Một trong những cách tốt nhất để thiết lập nền tảng tài chính vững mạnh cho trẻ là tạo cho trẻ cơ hội được tự quản lý tiền từ khi còn trẻ. Cho trẻ một khoản trợ cấp khi làm việc gì đó sẽ dạy trẻ về giá trị của lao động để đạt được những thứ mình muốn. “Muốn có đồ chơi mới, muốn đi chơi với bạn… trẻ cần phải làm việc và tiết kiệm tiền. Trẻ sẽ có ý thức hơn về giá trị của tiền, sẽ giảm chi tiêu phù phiếm khi chúng được tự quản tiền”, Bill Engel, chuyên viên kế hoạch tài chính người Mỹ, cho biết.
Việc này cũng giúp trẻ học cách lập ngân sách, đó là nền tảng của hành vi có trách nhiệm với tiền bạc. Ngoài ra, đừng ngăn cản nếu trẻ thực hiện những quyết định chi tiêu tồi, để chúng tự rút ra kinh nghiệm từ sai lầm của mình.
2. Khuyến khích trẻ tiết kiệm
Theo khảo sát của công ty T Rowe Price có trụ sở tại Baltimore, Maryland, Mỹ 51% trẻ sẽ tiêu ngay tiền trợ cấp sau khi nhận được tiền. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ học giá trị của việc trì hoãn h.a.m m.u.ố.n, hãy dạy trẻ cách tiết kiệm tiền cho một mục tiêu nào đó.
Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ tiết kiệm một tỷ lệ nhất định trong khoản tiền trợ cấp hoặc khoản tiền trẻ được cho tặng. Nhiều ngân hàng có các chương trình tiết kiệm dành cho trẻ em. Dù có thể gửi trực tuyến nhưng cha mẹ nên đưa trẻ đến tận ngân hàng và lập một sổ tiết kiệm với số tiền mặt của trẻ.
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm bằng cách đưa ra các hỗ trợ, ví dụ cho phép trẻ lựa chọn hoặc là tiêu tiền luôn hoặc là tiết kiệm tiền để làm một việc gì đó. Nếu trẻ chọn tiết kiệm, cha mẹ có thể hỗ trợ một phần để trẻ dễ đạt được mục tiêu hơn. Đây chính là cách khiến trẻ có ý thức về việc đóng góp và thấy được lợi ích của tiền nhàn rỗi.
3. Mở một tài khoản chứng khoán cho con
Dạy con về thị trường chứng khoán và khuyến khích chúng đầu tư ngay từ lúc còn trẻ là rất quan trọng, vì thế chúng sẽ không bỡ ngỡ khi cần chọn cách đầu tư cho việc nghỉ hưu sau này.
Bạn có thể mở cho con một tài khoản chứng khoán và bạn giám sát cho đến khi trẻ đủ tuổi tự đứng ra quản lý một mình. Hãy cho trẻ chọn một công ty mà chúng thích, và dẫn chúng đến công ty chứng khoán để mua cổ phiếu xem nó hoạt động như thế nào.
4. Cho con làm việc
Những công việc bán thời gian, theo mùa vụ rất có ý nghĩa với trẻ tuổi teen, dạy cho trẻ về trách nhiệm, kỷ luật, quản lý thời gian và giá trị của tiền bạc khi làm việc.
Năm 16 tuổi, con gái của Engel bắt đầu có công việc đầu tiên, điều đó đã giúp c.ô b.é đánh giá được những thứ mình muốn có thông qua các công việc. Sau khi nhìn số tiền lương mình nhận được, bé biết rằng cần phải làm việc một giờ đồng hồ thì mới đủ tiền mua ly cà phê mà bé thích.
Nếu trẻ được làm công việc mà bé yêu thích, ví dụ chăm sóc chó mèo bởi vì bé yêu các con thú, bé có thể học được các kỹ năng để đi sâu vào công việc đó trong tương lai.
5. Giúp con mở một tài khoản
Giúp trẻ có kinh nghiệm quản lý tài khoản khi chúng vẫn còn ở nhà với bố mẹ là rất quan trọng
Engel cho biết mình không có tài khoản cho tới khi vào đại học. Kết quả khi bắt đầu vào đại học, ông không có kinh nghiệm gì về viết séc, sử dụng ATM hoặc kiểm tra liệu mình có đủ tiền trong tài khoản. Ngược lại, con gái ông đã có một tài khoản và đang sử dụng một ứng dụng trên điện thoại để quản lý tài khoản của mình.
6. Cho con đóng góp vào chi phí đại học
Theo khảo sát của T Rowe Price, hơn 60% trẻ chờ đợi cha mẹ sẽ trả tiền học đại học cho mình. Business Insider khuyên, nếu bạn có đủ khả năng trả tiền học đại học cho con, bạn cũng không nên làm.
Bạn không nên bao trọn tiền học đại học của trẻ. Hãy để trẻ có trách nhiệm với việc học của mình. Nếu trẻ cũng phải chịu trách nhiệm trong chi phí đi học, trẻ sẽ học hành nghiêm túc hơn.
“Không ai trong chúng ta đánh giá cao những thứ chúng ta được cho bằng những thứ chúng ta tự kiếm được”, Engel kết luận.
Theo báo Vnexpress