Câu chuyện 7 quả lê và lòng tự tôn của người nghèo: Càng giàu có càng nên đọc một lần
“7 quả lê, 10 quả trứng” là một câu chuyện đáng để đọc và suy ngẫm về tấm lòng biết trân trọng và nâng niu sự tự tôn của người nghèo.
Hai vợ chồng tôi cùng là giáo viên dạy học tại một trường học trọng điểm của thành phố, chúng tôi sống trong khu nhà tập thể của giáo viên trong trường. Hôm đó khi trời vừa chập tối, một em học sinh của chồng tôi đến gọi cửa, đi cùng em là người đàn ông trung niên dáng gầy gò và làn da ngăm rám nắng.
Cô bé thưa: “Thưa cô, em là Tiểu Chân học sinh lớp thầy An, hôm nay em và bố ghé qua thăm thầy, thầy có nhà không ạ?”
Tôi đáp: “À thầy đang ở trong, mời bố con vào nhà”.
Hai bố con cô bé rụt rè bước vào, qua hỏi chuyện tôi mới được biết nhà Tiểu Chân cách trường hơn 40 km, hôm nay bố đạp xe từ quê lên thăm con gái nên nhân tiện ghé qua thăm thầy. Bố Tiểu Chân nói: “Tiện ra thăm cháu nên tôi ghé qua thăm thầy giáo”. Nói đoạn ông đưa tay kéo cái túi vải ở trên vai xuống để lên bàn: “Tôi ở quê không có gì, chỉ có hơn chục quả trứng gà, gà nhà mới đẻ, mong thầy cô nhận giúp”.
Mấy quả trứng được gói bằng giấy để trong chiếc túi vải chứa đầy vỏ trấu, nhìn qua cũng biết là ông đã chuẩn bị rất cẩn thận nên trứng mới còn nguyên vẹn trên đoạn đường xa như vậy.
Thấy thương hai bố con Tiểu Chân, tôi ngỏ ý mời hai người cùng ở lại làm bánh, nhưng bố cô bé nhất định từ chối. Phải đến khi tôi nói rằng việc gặp gỡ trực tiếp phụ huynh của các em là điều đáng quý đối với mỗi người làm nhà giáo chúng tôi, vì như vậy sẽ giúp chúng tôi có cơ hội trao đổi trực tiếp với phụ huynh về những mong mỏi và hoàn cảnh của mỗi em.
Cuối cùng thì họ cũng chịu ở lại, chồng tôi và bố Tiểu Chân ngồi trên phòng khách nói chuyện, anh kể với bố Tiểu Chân về việc học hành của cô bé. Còn tôi cùng em xuống bếp làm bánh, cô bé vẫn còn hơi ngại nhưng trông khuôn mặt có vẻ rất vui.
Bữa ăn nhẹ kết thúc trong tiếng cười vui vẻ, bố con Tiểu Chân xin phép ra về và tôi cũng không quên nói lời cảm ơn lần nữa về túi trứng.
Khi chỉ còn lại hai vợ chồng, chồng tôi tỏ ra ngạc nhiên và hỏi: “Trước nay vợ chồng mình chẳng phải vẫn quy định sẽ không nhận quà của phụ huynh, tại sao hôm nay vì 10 trứng gà mà em lại phá vỡ quy tắc này?”
Tôi trả lời rằng tôi đã rất xúc động trước món quà của hai bố con họ, nó làm tôi nhớ lại một câu chuyện hơn 20 năm về trước….
Năm tôi lên 10 tuổi, gia đình ông bà nội và các chú tôi đều ở xa. Bố tôi muốn gọi một cuộc điện thoại cho chú, nhưng phải đi cách nhà 5 km thì mới có bưu điện.
Chiều hôm đó, tôi theo bố ra bưu điện thị trấn, sau lưng đeo 7 quả lê hái trong vườn nhà, đó là những cây lê mà bố tôi tự tay vun trồng chăm sóc. Hai chị em tôi ngày nào cũng chăm chỉ ra tưới cây, hy vọng cây mau lớn để có trái ăn. Sau 3 năm vất vả, cuối cùng cũng đến ngày thu trái, nhưng tất cả chỉ được có 7 quả lê, số lê thu được bố nói là cần đem đi có việc. Nhỏ em tôi vì tiếc quá mà lăn ra khóc, rốt cuộc thì ngày nào chúng tôi cũng đã lo lắng cho mấy trái lê chỉ mong đến hôm nay. Thấy em khóc, bố tôi cũng thương nhưng không biết nói sao, đành quát: “Bố cần dùng đến chỗ lê này”.
Dù đi từ chiều sớm, nhưng vì chiếc xe đạp bị hỏng và đường hôm trước mới mưa xong còn rất trơn ướt, nên đến tối bố con tôi mới lên đến thị trấn huyện. Lúc này, bưu điện cũng đã hết giờ làm việc, bố tôi nói đừng lo, người quản lý là bà cô họ hàng nhà tôi và dặn tôi gọi bằng cô.
Đến nơi bố gọi cửa hỏi cho gọi điện thoại, chỉ nghe tiếng cô “Ừ” một cách lạnh lùng rồi để đó. Quay ra bố bảo tôi hai bố con mình đợi ở ngoài vì nhà cô đang ăn cơm.
Một lúc sau cô đi ra, miệng vẫn còn ngậm tăm, ngó qua ô cửa, giọng cô sang sảng: “Đưa số điện thoại cho tôi rồi đợi ở đây. Tôi đi gọi thử xem được hay không”.
Trông dáng hình gầy gò và khuôn mặt lo lắng của bố mà tôi thương quá, cô ấy nói vậy có khác nào đang chửi bố đâu. Tôi cũng không có cơ hội để mà chào người cô họ của mình, và có lẽ cô ấy cũng chẳng thèm nhìn đến sự xuất hiện của một đứa trẻ như tôi.
5 phút sau cô ấy lại quay ra và nói bằng cái giọng sang sảng lúc nãy: “Gọi được rồi, cũng nói rõ mọi chuyện rồi, phí gọi điện thoại là 9,5 xu”. Bố vội vàng tìm tiền ở trong chiếc túi, cũng không quên dặn tôi lấy mấy quả lê ra biếu cô. Bỗng cô quát lớn làm tôi giật mình: “Không, không cần! Nhà tôi thứ này không thiếu, hai người vào chuồng lợn mà xem, lợn ăn cũng không hết!”
Bao nhiêu ấm ức, buồn tủi trong lòng tôi cứ thế theo nước mắt trào ra. Tôi thương bố, thương em, thương cho cái gia cảnh nhà tôi, thương cho cả mấy quả lê nữa… Bố con tôi đã làm gì sai hay chỉ tại gia cảnh nhà tôi nghèo nên bị đối xử như vậy? Cuộc đời tôi cũng từ đó bị ám ảnh bởi cái chỉ tay của bà cô, nó chẳng khác nào một sợi dây vô hình quấn quanh tôi mãi….
Tôi quay sang phía chồng, ánh mắt anh đượm buồn, anh hiểu tại sao tôi đã hành xử như vậy, bởi nó sẽ còn mãi trong tâm hồn một cô học trò non nớt.
Con người sinh ra ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, chẳng ai đong đếm được nỗi khổ của người này nhiều hơn hay người kia ít hơn. Nhưng tôi biết rằng ai cũng xứng đáng được tôn trọng bởi suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều là con người, đều có trái tim và biết yêu thương. Không ai nên bị đối xử bất công, không ai nên bị tổn thương và cũng không ai nên bị đau khổ. Tôi cho rằng nếu có thể hiểu được ý nghĩa của những điều này, chúng ta sẽ tự biết cảm thông, quý trọng và yêu mến người khác hơn.
Theo daikynguyen