Kỳ lạ: Cụ ông ung thư phổi sống khỏe nhờ 16 năm trông giấc ngủ cho những người đã chết
“Ngày đó vào viện điều trị tôi không thể tự đi bộ nữa, con trai tôi phải cõng. Tóc tôi rụng hết, bản thân lúc đó cũng chuẩn bị tinh thần là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào…” – ông Đặng Văn Năm nhớ lại.
Làm quản trang theo mệnh lệnh trái tim
Những ngày đầu thu, bước vào nghĩa trang phường Trung Văn (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không gian hiu quạnh khiến chúng tôi không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh.
Lối vào là hai hàng cây xanh bao phủ. Giữa trưa, khi mặt trời lên cao, những vệt nắng khe khẽ chiếu qua vòm cây dường như giúp nơi đây trở nên ấm áp hơn.
Trong không gian hoang hoải, xung quanh hàng nghìn ngôi mộ, thấp thoáng bóng người với mái đầu lưa thưa tóc trắng, chân đi dép cao su, tập tễnh lê từng bước đang cầm chổi quét những chiếc lá khô ở lối vào. Giữa khung cảnh tĩnh mịch, nhìn cụ ông tỉ mẩn quét là chợt có cảm giác guồng quay cuộc sống như chậm lại, âm dương trở nên giao hòa.
Xong việc quét lá, ông lại tự tay dọn cỏ vun xới lại các nấm mồ của những người đã nằm xuống. 16 năm qua, ông Đặng Văn Năm (72 tuổi) thuộc phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cần mẫn chăm sóc phần mộ của những người quá cố như một lời tri ân.
“Bà đến thắp hương à? Xong việc thì ra đây uống nước chè nói chuyện nhé”, ông Năm chào hỏi khi có người dân đến nghĩa trang thăm mộ người nhà. Thấy chúng tôi hỏi thăm, ông chỉ tay đến chiếc bàn nhựa nhỏ với chiếc ghế gỗ dài, ý bảo qua đó ngồi đợi mình.
Nhanh tay rửa lại bộ ấm chén, mang phích nước nóng đã được đun sôi sẵn từ nhà kho, vừa rót chèn trà mời khách ông Năm vừa kể về cuộc đời mình. Lâu lâu cơ mặt ông lại co lại vì xúc động.
Ông là người con quê hương của “chị Hai 5 tấn”, người phụ nữ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ. Quê ông nằm ở đồng bằng sông Hồng, nơi có vựa lúa lớn nhất miền Bắc. Những năm đôi mươi, chàng trai ấy lên đường nhập ngũ, nhiệt huyết tuổi trẻ sôi sục trong ông.
Ngày ấy, ông Đặng Văn Năm là lính sửa chữa phà tự hành bảo đảm cho xe tăng qua sông an toàn. Năm 1965, ông lên đường nhập ngũ, phục vụ tại xí nghiệp Ghép 49 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Ông cùng các đồng chí, đồng đội chiến đấu suốt 18 năm dưới chân núi Thị Ve (Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, đã bao lần ông cận kề cái chết. Chứng kiến các đồng đội của mình hy sinh, chàng thanh niên Đặng Văn Năm ngày ấy đau xót vô cùng. Là một chiến sĩ công binh, ngày đêm bám sát những tuyến đường, bảo đảm cho các đoàn xe ra trận, dù hiểm nguy luôn rình rập, nhưng hằn sâu trong tâm khảm ông luôn tin vào một ngày mai đại thắng.
Kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, ông Năm may mắn sống sót trở về, rồi ông nên duyên với người con gái Tràng An. Từ ngày về đến nay, ông Năm vẫn luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của địa phương cho dù đã ở tuổi xế chiều.
Năm 2000, hơn 300 hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trung Văn họp bàn để chọn 2 hội viên làm nhiệm vụ quản trang cho phường. Vẫn nhiệt huyết như ngày nào, ông Năm xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ. Công việc đó không hề có thù lao. Bây giờ nhớ lại, ông bảo, mình xung phong làm vì nghe theo mệnh lệnh của trái tim.
“Công việc quản trang đã giúp tôi khỏe mạnh”
Cũng chính những ký ức của một thời bom đạn, hình ảnh những người đồng chí, đồng đội nằm xuống nơi chiến trường luôn khiến ông day dứt. Dẫu biết rằng, bỏ mạng nơi chiến trường là sự nghiệt ngã của chiến tranh, của số phận nhưng ông không khỏi đau lòng. Tình nguyện làm quản trang ở phường, với ông đó cũng là một cách xoa dịu những day dứt trong tâm và làm thêm nhiều điều có ích cho xã hội.
Bây giờ, ở tuổi 72, khuôn mặt của ông Năm dù hồng hào nhưng hằn sâu những vết tích của năm tháng. Khóe mắt là những vết chân chim, lông mày cũng điểm bạc, hai bên má chi chít những vết đồi mồi. Đáng ngạc nhiên hơn, nhìn gương mặt tươi sáng và nụ cười đôn hậu, vô tư của ông Năm, ít ai có thể nghĩ rằng, người cựu chiến binh già mang trong mình căn bệnh ung thư phổi 9 năm nay.
Năm 2008, sức khỏe ông Năm có những chuyển biến xấu, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi. Mới đầu, ông cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình mắc bệnh tuổi già. Nhưng, khi đi khám tại bệnh viện thì các bác sĩ cho biết, trong phổi của ông có khối u ác tính.
Những tháng ngày người cựu binh gõ hết cửa bệnh viện này đến bệnh viện kia bắt đầu. Năm 2008, ông truyền 12 lần hóa chất, trung bình cứ 21 ngày thì các bác sĩ truyền một lần. Ngày ấy, nhiều người nghĩ ông không qua khỏi khi chứng kiến người lính khỏe mạnh năm xưa giờ cơ thể chỉ còn nặng 37 kg.
Mất 1 năm điểu trị, các bác sĩ cho ông về nhà, hàng tháng con cháu đưa ông lên bệnh viện khám, lấy thuốc. Bà con trong khu nghĩ ông sẽ không thể làm quản trang nữa khi cơ thể mắc bệnh ung thư. Vậy mà, khi có thể đi lại được, ông lại bắt đầu ngày mới bằng công việc lau dọn nghĩa trang và về nhà khi trời đã nhá nhem tối.
“Ngày đó vào viện điều trị tôi không thể tự đi bộ nữa, con trai tôi phải cõng. Tóc tôi rụng hết, bản thân lúc đó cũng chuẩn bị tinh thần là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Không ai ngờ được sau 9 năm tôi khỏe mạnh như thế này, bữa nào cũng ăn 2 bát cơm. Tôi cao 1m56, cân nặng hiện tại là 60 kg”, ông Năm vui mừng cho biết.
Bây giờ, dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng, da dẻ hồng hào, ông Đặng Văn Năm khiến người đối diện không khỏi bất ngờ. Ông bảo rằng: “Tôi tin là chính công việc quản trang đã giúp tôi sống khỏe như hiện tại dù mang trong mình căn bệnh ung thư phổi. Bởi vì ở đây nhiều cây xanh, không khí trong lành, tôi ngồi đây có cảm giác như mình đang sống ở quê.
Những ngày Hà Nội nắng nóng trên 40 độ tôi ngồi dưới gốc đa này vẫn mát lắm. Hơn nữa, khi tôi làm công việc này tôi thấy tâm mình an yên, tinh thần vui vẻ”.
Ròng rã hơn 16 năm qua, cuộc sống của ông Năm dường như chỉ xoay quanh những ngôi mộ. Đã bước qua tuổi xế chiều nhưng lòng thiện nguyện của người quản trang ấy vẫn không hề lụi tắt.
Theo giadinh.net