Hà Nội: Quán cơm chay tùy tâm của bà chủ từng bị ung thư dạ dày trước cổng viện K3: “Chuyện lòng tốt đến từ tâm”
Hàng ngày, quán cơm chay này bán hàng theo kiểu tùy tâm, khách có duyên đến, ăn bao nhiêu, thích trả bấy nhiêu tiền đều được. Vào một ngày không ấn định trong tháng, chủ quán sẽ phát cơm chay miễn phí cho tất cả bệnh nhân và người nhà ở viện K3 (Tân Triều, Hà Nội).
Quán cơm chay tùy tâm của bà chủ từng mắc bệnh ung thư dạ dày
3 năm nay, bệnh nhân ung thư và người nhà đã quen với việc tự phục vụ và trả tiền tùy tâm ở một quán cơm chay đối diện cổng viện K3 (Tân Triều, Hà Nội). Chủ của quán cơm này là một người phụ nữ theo đạo Phật, pháp danh Tịnh Hải, năm nay đã 64 tuổi.
Khi trò chuyện với chúng tôi, bà không muốn xưng tên thật, quê quán và cũng chẳng muốn đăng hình ảnh mình lên báo, MXH. Bà một mực cho rằng, những gì mình làm được còn quá nhỏ bé so với nhiều người khác. Bà không muốn được ai đó tung hô, ngợi khen hay bình phẩm, soi xét.
Quán cơm này mở ra, đơn giản đó là vì tâm nguyện của bà. Từ đáy lòng mình, người phụ nữ ấy muốn giúp bệnh nhân K và người nhà san sẻ một phần khó khăn trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Cách đây khoảng 4 năm, bà Hải tình cờ phát hiện mình bị ung thư dạ dày. Trước đó, chồng bà cũng đã mất vì căn bệnh ung thư phổi và giờ đây, con gái bà (đã lập gia đình) cũng mắc bệnh nặng phải ra nước ngoài điều trị.
Trải qua nhiều lần hóa chất, xạ trị, tận mắt nhìn thấy người thân mất đi vì ung thư cũng như việc từng chứng kiến những bệnh nhân khác lâm vào tình cảnh giống mình… tất cả đã khiến bà Hải hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau của bệnh nhân K.
Họ không chỉ phải chiến đấu về mặt thể chất mà còn tiêu hao rất nhiều tài sản và phải đấu tranh kiên trì về mặt tinh thần. Ở viện K3, có nhiều bệnh nhân điều trị ung thư dai dẳng tới mấy năm trời, gia cảnh ai nấy đều lâm vào khó khăn.
Chính vì thế, bà Hải mong muốn được san sẻ phần nào khó khăn với họ. Vậy là cách đây 3 năm, bà về quê ở ngoại thành, thu gom tài sản rồi lên Hà Nội, thuê một căn nhà gần viện K3, mở một quán cơm chay tùy tâm. Quán ăn không có nhân viên, chỉ có mình bà Hải và cậu con trai SN 1991. Bà nói vì chiều mẹ, cậu ấy đã bỏ công việc bên ngoài về phụ bà nấu ăn, rửa bát phục vụ mọi người.
Mỗi ngày, quán ăn phục vụ 2 bữa trưa, tối, đông nhất là giờ cao điểm buổi trưa, từ 11h đến 1h chiều. Mỗi ngày, nơi đây có tới mấy trăm lượt khách nhưng chỉ có 2 người làm nên khách đến ăn đều phải tự phục vụ. Họ tự lấy cơm, thức ăn rồi khi ăn xong lại tự đứng lên thu dọn, xếp đĩa gọn gàng.
Quán ăn tùy tâm nên khách cũng ăn tùy sức. Lựa sức ăn được bao nhiêu, họ gắp đồ vừa đủ, ai nấy đều cố gắng ăn hết suất của mình, tránh lãng phí và phụ tấm lòng chủ quán.
Việc thiện xuất phát từ tâm khiến nhiều người cảm động
Ăn xong bữa cơm, khách tự trả tiền vào chiếc hòm để gần cửa. Tùy vào tấm lòng mỗi người, ai trả bao nhiêu cũng được, không trả cũng không sao. Mỗi tháng, quán cơm này còn dành ra một ngày (không cố định), phát hàng trăm suất cơm chay miễn phí cho bệnh nhân và người nhà.
Làm điều thiện nhưng bà Tịnh Hải không muốn ầm ĩ. Thế nên, ngoài bệnh nhân và người nhà ở viện K3, không quá nhiều người biết đến quán cơm này. Riêng bà Hải lại coi đó là duyên. Ai biết đến quán, ai đến đây ăn cơm hay trò chuyện với bà, tất cả đều là duyên.
“Tôi nói với tất cả bệnh nhân rằng quán cơm này tôi mở tùy tâm, do tâm nguyện của tôi và tôi sẽ làm đến lúc nào còn sức khỏe, còn đủ tiền để duy trì. Nếu ngày nào khách đến đây mà thấy quán đóng cửa, họ tự hiểu hoặc là tôi bệnh nặng hoặc là tôi hết tiền, không đủ sức làm”.
Bà Tịnh Hải bảo rằng, mọi việc bà làm đều là tùy duyên, tùy tâm. Việc đến đâu hay đến đó, không nhất định sẽ phải gồng mình, mở quán cơm này mãi mãi, ép buộc con cháu phải gìn giữ nó.
Khu vực bếp nấu ăn… dù rất chật hẹp nhưng bà Tịnh Hải và những người đến giúp “gieo duyên” đều cố gắng sắp đặt gọn gàng nhất có thể. Bà Hải rất kỹ tính trong chuyện ăn chay nên việc nấu nướng, lựa chọn nguyên liệu đều rất cẩn thận.
Bà Hải cho biết mình ăn chay trường đã được 6 năm. Vì thế, quán ăn chay này chủ yếu làm đồ chay thuần, hạn chế đồ giả chay để đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe khách hàng. Trong ảnh là món đậu tương lên men.
Ngoài 2 mẹ con bà Hải, quán cơm này còn nhận được sự giúp sức của nhiều người khác. Họ là những người lao động bình thường, chợt một ngày biết đến quán ăn và việc làm tốt đẹp của bà mà đến đây, nấu nướng phụ giúp 2 mẹ con.
Chị Huyền, một người gắn bó với quán cơm hơn 1 năm nay tâm sự: “Thi thoảng mình rảnh ra lúc nào là lại đến đây phụ bác. Những người đến giúp như mình cũng theo đạo Phật và ăn chay giống bác Tịnh Hải nên rất hiểu tâm nguyện của bác”.
“Quán ăn nhỏ xíu, 2 mẹ con bác ấy đêm đêm toàn trải chiếu ngủ dưới nền nhà mà vẫn muốn làm cơm chay tùy tâm. Bệnh nhân K hầu hết đều khó khăn, chúng tôi nhiều lần đến đây ăn, chỉ bỏ được 5-10k vào hòm tùy tâm nên hiểu và rất thương bác chủ”, chị Thủy (bệnh nhân ung thư vú đến từ Thanh Hóa) tâm sự.
Đó cũng chính là lý do khiến chị, từ gần một năm nay, cứ lần nào ra Hà Nội trị bệnh đều ghé qua quán cơm của bà Tịnh Hải, vừa để ăn cơm, vừa góp sức lao động, giúp bà rửa chén đĩa hay nấu nướng phục vụ mọi người.
Bà Hải nói mình rất vui khi được giúp đỡ mọi người, từ khi mở quán cơm tùy tâm và phát cơm miễn phí này, bà cảm thấy rất vui. Mỗi ngày tuy làm việc nặng nhọc nhưng sức khỏe của bà lại khá hơn trước rất nhiều.
“Tôi chỉ hy vọng mở quán cơm này được lâu lâu một chút để giúp được nhiều người, phát được nhiều suất cơm miễn phí hơn”, bà Tịnh Hải nói thêm.
Theo Emdep