Phật dạy Phụ nữ muốn xinh đẹp thì đừng sát sinh
Trong Phật giáo nhà Phật đã đưa ra năm giới luật để các Phật tử tuân theo. Trong đó, không sát sinh đứng đầu tiên trong ngũ giới.
Không giết hại đối tượng “hữu tình chúng sinh”
Giới luật là chữ của Trung Quốc. Giới là điều không nên làm. Luật là điều nên làm. Như vậy, giới là sự gìn giữ của mỗi người, luật là hoạt động của đoàn thể. Trong Phật giáo có ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
Và trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp, đức Phật đã để lại nhiều kinh điển, nhưng nội dung tất cả đều không ngoài ba điều: Không làm điều ác; siêng làm việc lành; tự ngưng dứt dòng vọng tưởng liên tục của ý thức. Trong đó hai điều đầu tiên là hai điều bao gồm hầu hết giới luật của nhà Phật. Trên ý nghĩa cơ bản, giới được đặt trên nền tảng từ bi, thương xót đến tất cả muôn loài, không làm những gì có hại cho mình, cho chúng sinh, hoặc cả hai.
Đối với giới không sát sinh quy định, phàm ai là đệ tử của Phật thì đều không được giết hại mạng sống của đồng loại hay những sinh linh có sự sống. Ngài tuyên thuyết rằng: “Người Phật tử không được hoặc tự mình giết, hoặc bảo người khác giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà không cứu, nhẫn đến dùng bùa chú để giết,… phàm tất cả các loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng”.
Đối tượng chúng sinh trong giới cấm thứ nhất của đạo Phật là hữu tình chúng sinh, tức là những chúng sinh có hệ thần kinh, có tình cảm, biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng,… Chúng sinh ở đây bao gồm từ con người cho tới các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước. Từ những con vật lớn như voi, hổ đến các động vật nhỏ như kiến, sâu, côn trùng,…
Theo đạo Phật, phàm là loài có hệ thần kinh, có tri giác thì đều phải được tôn trọng, bình đẳng, do đó Phật tử không những không thể sát hại mà còn phải tôn trọng và bảo vệ. Dù là loài vật cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi trường trên trái đất, nơi mà con người đang ở. Bản chất của động vật (bao gồm cả con người), dù là loài nào đi chăng nữa thì cũng đều ham sống, sợ chết. Giết hại chúng sinh tức là gây ra sự đau đớn về thân thể và sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm.
Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi một bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng sẽ có những phản ứng tự vệ, ít nhất phát ra những nỗi đau đớn, oán hờn. Vậy tại sao chúng ta làm đau đớn hay hủy hoại mạng sống của chúng, trong khi chính chúng ra muốn sống và không muốn ai hành hạ.
Vì sao không nên sát sinh?
Không sát sinh, mục đích của Đức phật hy vọng các đệ tử thực hiện tốt lời Ngài dạy để làm tăng công đức. Công đức này được khởi phát đều là do tâm nuôi dưỡng. Người sống trong thế giới hiện tại, không ai có uy lực tuyệt đối tránh được bị tai họa.
Chính vì thế mà Đức Phật đề ra sự thọ trì ngũ giới và nếu như càng nhiều người thọ trì ngũ giới thì nhân loại sẽ bớt đi một phần tại họa. Nếu chúng ta làm được điều này sẽ luôn thấy tâm được nhẹ nhàng, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng. Và ngay từ thời đức Phật, Phật đã nhấn mạnh ngũ giới làm giới đức căn bản cho các đệ tử tại gia khi bắt đầu bước chân trên con đường học đạo.
Điều quan trọng, ngũ giới của Phật giáo có thể mở rộng tâm đồng cảm đến tất cả chúng sinh. Thọ trì ngũ giới có thể ban cho nhân loại sự vô úy (không sợ), cũng tăng cho tất cả chúng sinh sự vô úy. Nếu nhân loại đều thọ trì tại ngũ giới, chẳng những nhân loại được hòa bình, an lạc, mà tất cả chúng sinh cũng giải trừ được tai họa do người gây ra.
Đạo Phật khuyên chúng ta không nên sát sinh cũng vì:
• Tôn trọng sự công bằng. Phật dạy: “ Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết”.
• Tôn trọng Phật tánh bình đẳng. Mỗi loài tuy khác nhau, nhưng vẫn đồng một Phật tánh. Phật tánh đã bình đẳng thì không thể viện lý do gì để nói rằng Phật tánh ở người giá trị hơn ở vật, ở giai cấp này, màu da này giá trị hơn giai cấp, màu da kia.
• Nuôi dưỡng lòng từ bi. Lòng từ bi của Đức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử của Ngài sát sinh, bất cứ trong trường hợp nào. Nên người có tâm từ bi hay lòng nhân hậu đều không nỡ giết hại người hay loài vật.
• Tránh nhân quả báo ứng oán thù. Phật dạy: “Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi”.
Nói về giới không sát sinh, vua Trần Nhân Tông, người sau này được tôn là Phật hoàng của nước ta đã viết trong Khóa Hư Lục như sau: “ Phàm các loài sinh ra từ trứng, thai, ẩm, hóa, tính vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác, hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau.
Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vẩy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đối đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Người giết nó, nó giết người, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mãi tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau”.
Hậu quả của việc phạm Giới sát sinh
Theo nhà Phật, mọi việc con người làm đều có luật nhân quả, chính vì vậy nếu các phật tử phạm vào giới sát sinh sẽ gây ra những hậu quả, thậm chí còn bị tổn phước. Theo lời Phật dạy, hậu quả của việc sát sinh bao gồm: Thân thể bị khuyết tật hay bị dị dạng; khuân mặt xấu xí; người xanh xao yếu ớt; đầu óc trì trệ; dễ bị hoảng sợ khi đối diện với nguy hiểm; bị người khác sát hại hoặc chết yểu; chịu nhiều bệnh tật; có ít bạn bè; phải xa cách người mình yêu thương.
Đấy là điều Ngài căn cứ theo quy luật nhân quả để nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận trọng mọi hành vi thân làm, miệng nói và ý thức suy tư mà đạo Phật gọi là ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nghiệp là hành động sẽ đưa đến kết quả tốt hay xấu. Do đó nếu chúng ta làm những điều ác thì chúng ta sẽ bị quả xấu, mà thường hay gọi là nghiệp báo.
Theo quan điểm của nhà Phật thì những tai họa, tật nguyền hay hình dáng của chúng sanh mà ngày nay chúng ra thấy khác nhau đều có nguyên nhân nếu không xảy ra trong đời hiện đại thì cũng đã được tạo ra trong khoảng thời gian của vô lượng kiếp quá khứ. Do sức mạnh của nghiệp, nghiệp lực thúc đẩy những hành động thiện hay bất thiện đã tồn trữ nhiều đời từ kiếp trong quá khứ đó hiện hành, tạo ra những kết quả mà ngày nay chúng ta đang gặp.
Nói tóm lại, sát sinh nghĩa là giết hại, dùng bạo lực chấm dứt sự sống của những sinh vật cũng thiết tha muốn sống như mình. Nếu đã khởi tâm muốn giết đưa tới thực hiện thì tất cả các hành động sát sanh, bất luận loại nào, tuy có nặng nhẹ khác nhau cũng đều phạm tội.
Theo Xuangiao