Xót xa tiếng kêu cứu của người mẹ dân tộc Tày: Làm sao mới cứu được con đây!
Kể từ khi phát hiện đứa con duy nhất mắc ung thư máu cấp, người mẹ ấy chưa một ngày nở được nụ cười an yên. Thương con đến quặn lòng nhưng người mẹ dân tộc Tày ấy cũng chỉ còn biết khóc…
Tôi không tài nào đọc hết nổi lá đơn kêu cứu một người mẹ vùng cao, bởi, nước mắt cứ trào ra, ướt nhòe … Trăn trở với điều mình phải làm một cái gì đó cho con, đã thôi thúc tôi thực hiện chuyến đi, về bản làng nơi con sinh sống. Vượt gần 400 cây số, qua bao nhiêu là đèo, dốc cao thăm thẳm, qua bao nhiêu là ngầm, và nhiều đoạn đường mới bị sạt lở bởi cơn mưa rừng hôm trước…Cuối cùng, sau gần một ngày, chúng tôi cũng đến được xóm Nà Đứa, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Đánh vật một hồi với con dốc cao, lầy lội trơn trượt, thì ngôi nhà sàn cũ đơn sơ,với sàn nhà làm bằng nứa của gia đình chị Sầm Thị Xuân hiện ra. Nằm trên chiếc giường cũ kê sát góc nhà, bé Hoàng Thị Thu Huệ mới 4 tuổi, đang đau đớn vật vã bởi căn bệnh ung thư máu cấp.
Ngồi bên con, Xuân làm mọi cách, hết bóp chân, bóp tay, xoa lưng… cho con, nhưng bé Huệ vẫn không chịu nín. Hẳn là con đau lắm! Hết cách, Xuân lấy địu ra rồi vừa địu con vừa hát ru con bằng thứ tiếng của dân tộc mình, chúng tôi không ai biết tiếng Tày, nhưng có lẽ là lời ru buồn lắm. Bởi, cùng với lời ru ai oán là những giọt nước mắt đau đớn của người mẹ trẻ…. Khi bé Huệ mệt lả thiếp đi trên lưng mẹ, thì Xuân mới ngồi xuống, trải lòng với chúng tôi câu chuyện bất hạnh của cuộc đời mình.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, Xuân tâm sự: “ Em mang thai 3 lần mới sinh được cháu Huệ, lần đầu thì cái thai mới hơn 3 tháng thì bị sảy, lần thứ 2 thì bị sinh non lúc thai chưa đầy 8 tháng, em bé chỉ sống được 2 ngày thì mất, …”
“ Con bé sốt cao hơn 1 tháng trời, dù bố mẹ chồng em đã lên rừng hái đủ cây thuốc về đắp và uống. Sau rồi gia đình em cho cháu xuống bệnh viện huyện Bảo Lạc nằm nửa tháng cũng không đỡ, rồi lại đưa sang bệnh viện tỉnh Cao Bằng… Viện tỉnh lại chuyển xuống Viện huyết học truyền máu TƯ, ở đây sau khi chọc tủy các sĩ bảo con em bị ung thư máu cấp…Em chẳng biết ung thư máu là cái gì cả, nhưng đợt đó suốt 2 tháng ròng rã ở viện, em thấy các bé cùng mắc ung thư máu cứ xin về nhà là chết, như vậy là con em cũng sắp phải chết phải không chị ơi!…”. Nói rồi Xuân đưa tay ôm mặt khóc nức nở…
“ Con sốt mấy hôm nay rồi, lúa còn mấy bao vừa gặt chưa khô đã gọi người đến để bán rẻ nhưng họ cũng không chịu mua. Lần trước đã lấy tiền mua nứa sửa nhà của bà ngoại rồi, giờ cũng chẳng còn chỗ nào để vay nữa cả…Biết con đau lắm nhưng giờ chẳng biết phải làm sao cả…”. Xuân tiếp lời trong hai hàng nước mắt.
Phải nhờ trưởng bản phiên dịch, bà nội bé Huệ là bác Hòa Thị Phùng mới hiểu được câu chuyện của chúng tôi, bác nói tiếng kinh còn chưa sõi: “ Nó khổ lắm…cả nhà cũng khổ…phải bán gần hết lúa rồi, trâu vay nợ nhà nước chưa trả cho nhà nước nhưng vẫn phải bán, vay cả tiền của họ ngoại…vay nhiều lắm để cho nó đi chữa đấy…giờ phải ăn cái ngô này rồi…” .Nói rồi, bác lại cắm cúi xuống chậu ngô đang tẽ dở.
Cả nhà Xuân cả thảy 5 con người trông cả vào 2 mảnh nương, gieo được 5 cân lúa giống, năm nay lại bị mất mùa nên không thu được mấy thóc. Chồng Xuân là em Hoàng Văn Hùng thi thoảng được theo người ta ra phố huyện làm thuê. Đúng hôm bé Huệ chuyển xuống Hà Nội điều trị thì Hùng bị đau ruột thừa phải mổ gấp, sau lần đó sức khỏe Hùng bị giảm, giờ lại đang mùa mưa nên chẳng có việc để đi làm thuê. Vậy nên dù thương vợ thương con lắm, nhưng Hùng cũng chẳng dám xuống viện chăm con vì nếu đi cùng lại phải mất thêm tiền xe, tiền cơm…
Bác Hoa Minh Đức, trưởng xóm Nà Đứa ái ngại cho biết : “ Nhìn nó đau thương lắm, nhưng ở đây ai cũng nghèo chả giúp được gì đâu. Qua đây tôi xin tha thiết nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm giúp cho gia đình cháu, cho nó có tiền xuống Hà Nội chữa bệnh. Nó cứ đau thế kia thì chết mất…”
Xuân địu con ra trước hiên nhìn về phía trước, chỉ thấy núi cao rừng thẳm, bé Huệ vẫn thổn thức trên lưng mẹ, bất chợt lại khóc ré lên, hòa lẫn với tiếng mưa rừng, tiếng gió rít, lẫn âm thanh rùng rợn của cơn lũ suối đang về, và tiếng chim rừng gọi bầy thảm thiết…Tất cả tạo nên một bản nhạc buồn thảm, thê lương đến não lòng…