Phật dạy về tình yêu: Yêu nhau chứ đừng nhốt nhau vào “tù”
Yêu nhau thì phải “chịu”, mà muốn chịu được thì cần có cái để “đựng”. Chịu rồi mà không có cái đựng, trước sau gì tình yêu ấy cũng biến mất, quan trọng là mỗi người đựng nó như thế nào. Nghe lời Phật dạy về tình yêu để có thể duy trì hạnh phúc lâu bền theo thời gian.
1. Đức Phật cho ta 4 túi để đựng tình yêu
Lời Phật dạy về tình yêu, đã xác định yêu là phải “chịu”, mà muốn chịu được thì cần có cái mà “đựng”. Chịu rồi mà không có cái đựng, sớm muộn gì tình yêu ấy cũng biến mất. Vậy việc mỗi người đựng nó thế nào vô cùng quan trọng. Nhưng bằng cách nào đây?
Đức Phật cho chúng ta 4 túi để đựng tình yêu, đó chính là “từ, bi, hỷ, xả”. Cũng chính tinh thần từ, bi, hỷ, xả là một trong 5 lý do khiến Phật Giáo trở thành tôn giáo phổ biến. Ở đây, chúng ta sẽ mạn bàn về túi đựng tình yêu thứ nhất, đó là “từ”.
Theo quan điểm Phật giáo, “từ” là sự hiến tặng tình yêu cho người mình yêu mà không cần phải suy nghĩ gì cả. Từ bi là “vũ khí” vạn năng, mạnh mẽ gấp nhiều lần đao kiếm.
Chắc hẳn mọi người đã từng nghe thấy những lời nói như: “người không yêu ta, không hết lòng với ta, người không tận tụy với ta”. Nhưng đã bao giờ các bạn nghe người ta nói “ta yêu người hết mình, ta sẵn sàng cho tình yêu của ta” hay không?
Vì thế, cái cách con người ta yêu nhau đó là người ta chỉ nghĩ mình được yêu bao nhiêu chứ không phải là yêu như thế nào. Đó là cách nhìn nhận về tình yêu rất sai lầm.
Yêu thương không phải là sự đòi hỏi, hưởng thụ, mà nó là sự hiến tặng. Khi bạn yêu thương ai đó thực sự, bạn phải làm cho người đó hạnh phúc mỗi ngày, đó mới là tình yêu đích thực.
Khi bạn khiến người ta hạnh phúc, bạn cũng sẽ hạnh phúc muôn phần. Cho nên mới có câu: “Bàn tay tặng hoa hồng tự nó thơm trước”.
2. Yêu nhau chứ không phải giam cầm hay bỏ tù nhau
Không ít người trong chúng ta từng có cách nghĩ, tình yêu chính là sự sở hữu. Khi yêu, các cặp đôi thường giả định “anh là của em, em là của anh” và thậm chí có cả những ca từ của bài hát nói rằng “chúng ta là của nhau, chúng ta thuộc về nhau”…
Vậy là đã rõ, khi yêu ai đó, bạn tìm cách để chiếm hữu người ta, thậm chí có những người đánh đồng tình yêu và sự chiếm hữu đến mức độ nếu như có ai đó yêu mình mà không có sở hữu mình thì hình như là người ta không yêu mình.
Và rồi người ta tự nguyện bỏ tù nhau, bằng cách nào? “Anh đã ăn cơm chưa, đang làm gì đấy”, “em đi đâu đấy, đang ở cạnh ai, khi nào về”… Tức là người ta bỏ tù nhau trong từng lời nói, hành động, và suy nghĩ.
Bạn có biết cách người ta yêu một con chim không? Khi bạn yêu một con chim, có phải bạn sẽ nhốt nó vào lồng, cho nó thật nhiều gạo thóc và nước uống không?
Câu trả lời dứt khoát là “Không”. Khi yêu một con chim, bạn phải thả nó bay về với bầu trời tự do, đó mới gọi là một tình yêu không có vị kỷ.
Cho nên, như Hòa thượng Thích Nhất Hạnh có nói một câu rất hay: “Tình yêu của bạn phải làm cho người bạn yêu cảm thấy tự do”.
Nếu bạn yêu ai đó mà bạn không làm cho người đó cảm thấy tự do, tức là bạn đang bỏ tù người ta rồi đó. Bạn bỏ từ người ta, mà lại nói rằng yêu người ta, thì đó là một nhận định sai lầm.
Các bạn đã bao giờ vẽ hình trái tim chưa? Và khi hình trái tim quay ngược trở lại, thì nó có hình mũi tên. Cũng vậy, khi mà con tim của bạn nó đảo lộn, nó mất sự thăng bằng, thì dấu hiệu của sự thương đau cũng có mặt.
Cho nên, khi bạn yêu mà bạn để trái tim bạn đảo lộn thì chắc chắn bạn sẽ bị khổ đau trong tình yêu, đó là một điều chắc chắn. Nên khi bạn phát hiện trái tim bạn có dấu hiệu mất thăng bằng, bạn phải tìm cách để mà giữ cho nó được yên ổn.
Ghi chú: Bài viết tham khảo tài liệu trong buổi tọa đàm của Đại Đức Thích Tâm Nguyên trong một khóa tu thành dành cho người trẻ.