Ứa nước mắt chứng kiến những mảnh đời còn lại đằng sau bản án hiếp dâm 21 năm tù
Đều đặn ngày hai buổi, một người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm xuất hiện tại các khu chợ trong thôn, cúi mặt oằn lưng kéo chiếc xe cải tiến đi gom rác mang đến bãi tập kết. Mỗi tháng, chị được trả 700 ngàn đồng, tằn tiện lo rau cháo cho bốn đứa con. Hai con gái đầu của chị dù ở độ tuổi 20 nhưng ngờ nghệch, bệnh tật, hai đứa con út còn quá nhỏ, chưa đầy 10 tuổi. Đó là số phận đầy chua xót của người vợ và các con kẻ tội phạm đang thi hành bản án hiếp dâm 21 năm tù.
Cuối năm 2012, tại một phiên xử kín, Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ra bản án hình sự đối với bị cáo Lê Văn Cảnh (42 tuổi), mức án 21 năm tù giam với tội danh hiếp dâm trẻ em. Bị cáo không có khả năng kháng án nên việc thi hành án được tiến hành ngay sau khi bản án được tuyên.
Người dân trong vùng hả hê với quyết định của tòa. Khắp nơi bàn tán sôi nổi, kể nhau nghe những mẩu chuyện rùng mình. Cả miền quê yên ả bỗng nhiên xao động.
Thời gian trôi qua, kẻ gây án thụ án rồi theo cách nào đó, tìm kiếm một cuộc sống khác trong tù. Mọi người dần thôi không nhắc về vụ án. Nhưng chỉ cần hỏi người phụ nữ đang ngày ngày đi gom rác ở chợ cùng hai đứa con gái thấp béo, đang phát phì vì bệnh tật, người ta lại ồ lên: “Đấy là vợ thằng Cảnh, đang đi tù vì tội hiếp dâm”.
Bước chân vào trong, mùi hôi nồng xộc lên khiến chúng tôi rùng mình. Căn nhà rộng chưa đầy 20m2 ngổn ngang đồ đạc. Một chiếc giường, một chiếc sập kê song song với nhau. Cả hai đều cũ nát, chăn chiếu, quần áo và vài thứ đồ chơi vương vãi.Tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Lịnh (sinh năm 1967), trú tại thôn Đông Cận, xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc (Hải Dương) theo lời giới thiệu của cô Thi, người giáo viên trường làng. Đó là ngôi nhà ba gian cũ kỹ, tối om dù đang giữa trưa. Cô Thi chỉ sang căn nhà nhỏ vuông vức bên trái giải thích: “Mấy mẹ con hiện đang ở nhà tình nghĩa được người ta xây cho”.
Nhìn quanh nhà, ngoài chiếc tivi đời cũ thì không có gì đáng giá. Chị Lịnh khẽ lên tiếng: “Cái tivi đó bố cháu mua từ hồi chưa đi, tính đến giờ cũng được 5, 7 năm rồi, có bán cũng chẳng được bao tiền”.
Chị Lịnh hơn chồng 3 tuổi, cả hai vốn là người cùng làng. Lập gia đình ở tuổi muộn màng so với bạn bè, vợ chồng chị lấy nhau chỉ với vài sào ruộng.Bằng chất giọng ngọng nghịu xen lẫn sự ngần ngại, chị kể cho chúng tôi câu chuyện đời mình.
Năm 1998, con gái đầu được 4 tuổi, chị tiếp tục sinh con thứ hai. Đau lòng thay, các cháu càng lớn càng có ngờ nghệch, chậm chạp. Đặc biệt, bé thứ hai dường như không nhận thức được mọi người xung quanh, lúc nào cũng cười, ai bảo gì cũng không hiểu.
“Có lần nó bị người ta lừa định đưa đi đâu đó, may mà cứu kịp. Từ bận ấy về sau là sợ người lạ”, chị Lịnh kể. Con gái lớn năm nay đã 23 tuổi, tuy đỡ đần được việc nhà nhưng không khôn ngoan bằng người ngoài, không thể đi làm công nhân, đành ở nhà cùng mẹ kéo xe rác.
Hai đứa đầu không khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chị Lịnh quyết định sinh thêm con mong sau này có chỗ nương tựa. Đùng một cái, đầu năm 2012, vừa sinh con gái út được 10 ngày, chị Lịnh sững sờ khi thấy chồng bị công an đưa đi điều tra về tội hiếp dâm trẻ em.Năm 2007, chị sinh con trai thứ ba trong cảnh khó khăn. Những mong cuộc sống vất vả, người chồng sẽ chí thú làm ăn, nhưng chồng chị không những không lo đỡ đần vợ con, lại hay quát mắng, thỉnh thoảng bỏ nhà đi đâu đó. Chị có hỏi chuyện, góp ý thì chồng chị gạt đi, dọa đánh vợ. Đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền nuôi gia đình, cộng thêm sức khỏe kém, chị không còn hơi sức để ý đến chồng mình.
Hóa ra, những tin đồn phong phanh của người làng bấy lâu nay là đúng. Quá đau đớn, tủi nhục, chị chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc thương phận mình. Cả cuộc đời người phụ nữ nghèo đầu tắt mặt tối chưa có nổi giây phút thảnh thơi, nay lại gánh món nợ miệng đời.
“Ông ấy còn bảo tôi bán thóc lấy tiền lo án. Bán thóc thì được mấy đồng, còn bốn đứa con thì làm thế nào? Vay mượn thì người ta cũng không cho vay”, chị cúi mặt ôm đứa bé vào lòng. Dù sự việc đã xảy ra cách đây 5 năm, mỗi khi nhớ lại, người phụ nữ khốn khổ vẫn chưa hết buồn tủi.
“Cũng may xã tạo điều kiện cho mẹ con đi rác (thu gom rác ở chợ – PV), cộng thêm hai đứa lớn được trợ cấp mỗi đứa 400 ngàn nên mỗi tháng, mấy mẹ con bà cháu cũng có 1,5 triệu để sống qua ngày”.Chồng vào tù, cả nhà xấu hổ, không dám nhìn ai. Bước chân ra khỏi cửa, chị như có cảm giác hàng chục đôi mắt đổ dồn vào mình. Có những lúc chị Lịnh nghĩ, cuộc đời coi như xong. Thế nhưng còn những đứa con thơ vẫn đang kêu đói hàng ngày, còn mẹ chồng già yếu cần nương tựa. Chị lại nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục đi làm thuê mướn kiếm cơm cho cả nhà.
Chồng đi tù được hơn 3 năm, mẹ chồng chị qua đời, một tay chị lo hậu sự trong căn nhà cũ nát. Thấy thương hoàn cảnh, một công ty sản xuất gần nhà đã xây tặng mẹ con chị căn nhà cấp 4 tránh nắng mưa.
Hàng ngày, cứ xế trưa và chiều, ba mẹ con lại đẩy chiếc xe cải tiến màu xanh ra các khu chợ trong thôn, cặm cụi gom rác. Bữa ăn chủ yếu là ít rau, đậu phụ, có hôm được người dì sống gần đó mang cho ít thức ăn mặn.
Họ hàng xung quanh vốn không khá giả, cũng không giúp được gì nhiều. Em Nguyễn Thị Lữ (sinh năm 1998), con gái thứ hai của chị bị u mỡ ở bụng, khối u quá lớn, muốn mổ phải có 12 triệu đồng nhưng số tiền quá lớn nhà chị không biết kiếm đâu ra. Ngay cả bản thân chị Lịnh do sinh nhiều con, lại lao động nặng nhọc nên sức khỏe ngày càng yếu. Con út mới chớm tuổi lên 5, con trai thứ ba vẫn đang trong độ tuổi đến trường. Liệu tương lai những đứa trẻ sẽ ra sao nếu một ngày mẹ không còn sức bao bọc, chở che?
Ông Lê Văn Thương, Chủ tịch xã Tân Tiến cho biết, hoàn cảnh của gia đình chị Phạm Thị Lịnh rất khó khăn. Dù xã đã giúp đỡ và động viên gia đình hàng năm nhưng do nhà đông con, lại chỉ có mình chị Lịnh là lao động chính nên luôn trong tình trạng thiếu thốn, vất vả.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Chị Phạm Thị Lịnh, thôn Đông Cận, xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Theo Vietnamnet