Tập tục đốt tiền giấy, phải chăng người Việt đang bị “lừa” xưa nay?
Chúng ta thường đốt tiền giấy vào mỗi dịp lễ Tết hay cúng giỗ, tuy nhiên bạn có biết tập tục này bắt nguồn từ đâu và chúng có ý nghĩa như thế nào không?
Ở đây, câu hỏi đặt ra là: Thần linh và tổ tiên chúng ta có thực sự nhận được tiền giấy hay không? Hơn nữa, tiền giấy rẻ như vậy, vì sao người ta không trực tiếp đốt tiền thật cho thành tâm thành ý?
Câu chuyện chết đi sống lại của Vưu tú tài, ảnh hưởng tới phong tục tập quán suốt mấy trăm năm…
Liên quan đến tập tục đốt tiền giấy cho người đã khuất, trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện, kể rằng:
Tương truyền, xưa có một tú tài tên là Vưu Văn Nhất. Họ Vưu tư chất thông minh nhưng gia cảnh lại bần hàn, vậy nên mười mấy năm dùi mài kinh sử mà chưa một lần thi đỗ cử nhân. Biết rằng bản thân không thể thay đổi cuộc đời, cũng không thể vinh quy bái tổ bằng con đường đèn sách, Vưu tú tài quyết định buông bút theo người ta học buôn bán. Cậu tới nhà họ Đại xin học nghề làm giấy. Vì thông minh hơn người nên Vưu tú tài được Đại lão gia coi trọng và truyền cho toàn bộ kỹ thuật gia truyền của mình.
Vài năm sau lão gia qua đời, Vưu tú tài đã kế thừa sự nghiệp của họ Đại. Cậu làm được rất nhiều giấy và chất lượng lại rất tốt. Nhưng tiếc là giấy sản xuất ra lại chẳng có ai dùng, cứ chất đống trong nhà mà không thể bán được. Vưu tú tài vô cùng khổ tâm, cả ngày mặt buồn rười rượi, quanh ra quẩn vào, thở dài thườn thượt. Vưu thị chẳng biết phải khuyên chồng thế nào, nên cũng đành lặng lẽ khóc thương cho số phận vợ chồng đã lận đận lại vất vả long đong.
Vưu tú tài càng nghĩ lại càng thương cho số phận của mình. Từ nhỏ mẹ cậu đã phải chạy ăn từng bữa. Thi thoảng cha không được ai thuê mướn là cả nhà lại treo miệng vài hôm. Mỗi lần nhớ lại cảnh bụng đói cồn cào, sôi lên òng ọc, đói khát mòn mỏi, cậu lại rùng mình sợ hãi. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết cậu mãi không buông. Đèn sách cả chục năm rồi, bút nghiên cũng phủ đầy bụi bặm. Khó khăn lắm, phải ăn nhờ ở đậu nhà người cậu mới học được cái nghề, tưởng rằng cuộc đời sẽ sang trang. Nào ngờ, vẫn là một con số 0 tròn trĩnh.
Suốt ngày lo nghĩ khiến miệng chàng Vưu đắng chát, cơm nuốt cũng không trôi. Đã mấy ngày trời Vưu tú tài không ăn không uống mà chỉ nằm bệt một xó. Người cậu gầy rộc trông thấy, vợ bưng cơm canh tới tận giường nhưng Vưu tú tài chỉ lắc đầu mà quay mặt vào tường.
Ba ngày sau, trong nhà Vưu tú tài đột nhiên có tiếng người kêu khóc, thì ra chàng Vưu vừa nhắm mắt xuôi tay. Hàng xóm láng giềng nghe được tin dữ đều tới giúp Vưu thị lo liệu tang sự cho chồng.
Lúc ấy Vưu thị nước mắt giàn giụa, vừa khóc vừa kể lể rằng: “Nhà cháu gia cảnh nghèo hèn, chẳng có gì để chôn cùng anh ấy cả. Thôi thì sẵn có đống giấy này, phiền mọi người đốt giấy đi mai táng cho anh ấy vậy!”
Phải chăng số tiền giấy đốt đi sẽ cứu được Vưu tú tài?
Thế là hàng xóm luân phiên túc trực ngày đêm và đốt tiền giấy trước linh cữu của tú tài. Đến ngày thứ 3 thì đột nhiên Vưu tú tài phá cửa quan tài ngồi dậy, miệng không ngừng hét lớn: “Mau đốt tiền giấy đi! Mau đốt tiền giấy đi!” Ai nấy đều cho rằng hồn ma tú tài hiện về quậy phá nên sợ hãi chạy nháo nhác.
Tú tài thều thào: “Mọi người đừng sợ, tôi vẫn còn sống thật mà, là Diêm vương thả tôi về.” Lúc ấy mọi người mới định thần lại, rón rén lại gần. Ai cũng thấy kỳ lạ bèn vây quanh chàng Vưu, thi nhau hỏi rõ nguồn cơn.
Vưu tú tài nói: “May nhờ mọi người đốt tiền giấy này mà cứu được tôi. Khi Diêm Vương xem xét sổ Nam Tào đã phán tôi phải làm khổ sai, kéo cối đá khổng lồ dưới âm phủ. Nhưng sau khi số tiền giấy này được đốt đi, xuống tới âm tào địa phủ đã biến thành tiền thực. Tôi dùng tiền đó chuộc tội với Diêm Vương nên mới được thả cho về”.
Người nhà nghe xong, ai nấy đều vui mừng vác thêm vài bao giấy ra đốt sạch bong. Sau đó chuyện Vưu tú tài chết đi sống lại truyền đi khắp nơi, cũng có người bán tín bán nghi.
Vậy, sự thật của tiền giấy cõi âm là gì?
Một lão viên ngoại có quyền có tiền đã tìm đến tú tài và nói với cậu rằng: “Nhà ta chôn bạc theo người mất, chẳng phải đáng giá hơn tiền giấy của nhà ngươi hay sao?”
Vưu tú tài đáp lại: “Viên ngoại ngài không biết đấy thôi, tiền bạc này chỉ con người thế gian mới dùng được, tuyệt đối không thể mang xuống địa ngục được đâu. Không tin viên ngoại có thể cho mở nắp quan tài tổ tiên lên, xem số ngân lượng chôn theo có còn nguyên vẹn không. Ta đảm bảo là chẳng mất một đồng nào.”
Viên ngoại nghe xong cũng gật gù cho rằng Vưu tú tài có lý. Từ đó số người mua giấy của họ Vưu đột nhiên nhiều lên, ai nấy cũng kéo đến mua tiền giấy về đốt cho ông bà ông vải được mồ yên mả đẹp. Có người còn mua giấy vẽ cả mỹ nữ, lầu son, gác tía, kiệu vàng, ngựa tốt, đốt cả thảy cho tổ tiên tha hồ hưởng phúc, rồi về phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc. Từ đó nhà Vưu tú tài làm được bao nhiêu giấy đều bán sạch bong, chẳng mấy chốc cuộc đời hai vợ chồng đã sang trang như mong ước.
Nhưng kỳ thực, không hề có chuyện Vưu tú tài sống lại nhờ được đốt tiền giấy xuống âm gian. Vợ tú tài thấy chồng mòn mỏi, không biết phải làm sao, trong lúc quẫn trí đã nảy ra “sáng kiến” và bàn bạc với chồng, dựng nên vở kịch chết đi sống lại phía trên.
Nhưng từ đó phong tục đốt tiền giấy và vàng mã cho người chết lại lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay.
Trong Phật giáo không hề ghi chép về việc đốt tiền giấy
Kỳ thực, trong các kinh điển của Phật giáo không hề nói tới việc đốt tiền giấy cho người thân quá cố, cũng không cho rằng tiền giấy đốt đi thì người đã khuất có thể nhận được và sử dụng nó ở cõi âm.
Trong văn hóa truyền thống Á Đông, con người khi chết đi sẽ trở thành hồn ma. Nhưng Phật giáo lại cho rằng, ma cũng là một trong 6 loại sinh mệnh trong lục đạo luân hồi. Con người trăm tuổi lâm chung sẽ tiến nhập vào sáu nẻo luân hồi, gồm cõi Trời, cõi Thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục.
Tuỳ theo nghiệp lực đời trước mà quyết định sinh mệnh đó đầu thai vào cõi nào. Điều này thì ngay cả bản thân sinh mệnh ấy cũng không thể tự mình quyết định được. Còn cõi ngạ quỷ là một trong ba cõi ác.
Sau khi chết, nếu đầu thai thành ngạ quỷ thì người ấy sẽ phải sống rất thê thảm, từng phút từng giây đều bị nhục hình giày vò để trả hết sợ nghiệp đã tạo trên thế gian. Vậy nên Thần Phật và các tín đồ tôn giáo mới dốc lòng dốc sức khuyên con người hướng thiện, tích đức khi còn sống trên dương gian.
Phật không coi trọng hình thức tại thế gian mà chỉ nhìn nhâm tâm của con người
Có câu nói rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Linh nghiệm hay không không phải nằm ở việc bạn đốt bao nhiều tiền giấy hay dâng lên bao nhiêu mâm cao cỗ đầy, mà quan trọng là bạn có một trái tim thành kính, hướng thiện, và luôn biết nghĩ tới người khác hay không.
Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng kiền thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều xấu ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.
Hiểu Mai biên dịch/Daikynguyenvn