Rơi nước mắt cảnh vợ chồng già yếu nuôi con gái ung thư
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng cụ đang cố gắng gồng mình nỗ lực từng ngày để nuôi cô con gái ung thư não giai đoạn cuối. Tương lai cả gia đình ấy rồi sẽ đi đâu, về đâu…
Thân hình gầy gò, tiếng nói yếu ớt đôi khi đứt quãng vì mệt nhọc, cụ Trịnh Châu rơm rớm nước mắt kể về những ngày tháng cơ cực. Vợ chồng có với nhau hai mụn con, con trai lấy vợ gần nhà nhưng nghèo khó và còn phải đùm bọc thêm đứa con thiểu năng trí tuệ.
“Khổ lắm, trước còn có con gái chăm sóc, đỡ đần lúc ốm đau. Nhưng từ khi nó phát bệnh ung thư thì cuộc sống gần như bế tắc, cả gia đình chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp nhà nước. Cả gia đình ốm yếu, bệnh tật đi lại rất khó khăn, may nhờ có đứa con trai lâu lâu nó lại mang thức ăn lên chứ không thì chỉ chờ chết thôi”, cụ Trịnh Châu chia sẻ.
Vợ chồng cụ Trịnh Châu ở cùng con gái Trịnh Thị Nhi (SN 1966, ung thư não giai đoạn cuối) trong căn nhà cũ kỹ. Ba người ốm yếu, bệnh tật nương tựa nhau sống qua ngày.
“Từ ngày cháu nó phát bệnh, gia đình càng trở nên túng quẫn. Căn bệnh ung thư ảnh hưởng rất lớn đến trí não của nó, lúc nhớ lúc quên, đôi lúc cứ lẩm bẩm một mình. Bác sĩ bảo nó thiếu máu nghiêm trọng cần bồi bổ, nhưng cuộc sống khó khăn ăn bữa trước lại phải lo bữa sau thì lấy đâu tiền. Cháu nó cứ ốm yếu dần, đi lại khó khăn, hay chóng mặt nên cứ ngồi chút rồi lại phải nằm xuống nghỉ ngơi… Bà nhà tôi thì đau liên miên, cách đây vài hôm trượt chân té ngã phải nhập viện, nhà hai người ốm đau không làm được gì chỉ nhờ cậu con trai”, cụ Châu cho biết thêm.
Căn bệnh ung thư não khiến bà Nhi khổ sở trăm bề, đau nhức liên tục, choáng váng có thể té ngã bất cứ lúc nào. “Mỗi lần nó choáng váng không có người bên cạnh thì thể nào cũng té ngã. Hai vợ chồng sức yếu không đỡ nổi, nên lần nào cũng phải nhờ hàng xóm đến trợ giúp. Vợ chồng tôi chỉ sợ nhỡ mai chúng tôi mất đi thì ai lo cho con Nhi, ngộ nhỡ lại té ngã thì biết kêu ai, tìm ai”, ông Trịnh Châu xúc động.
Căn nhà không người coi sóc tối om, bề bộn và đang dần xuống cấp. Vài bộ quần áo nhăn nheo, cũ kỹ được vắt trên tường. Hai chiếc giường gỗ cong vênh, ẩm mốc, nhiều thanh tre gãy nát vẫn chưa được thay mới. Mỗi tháng tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi của hai vợ chồng cụ là 540 ngàn đồng, tiền trợ cấp bệnh tật của bà Nhi là 400 ngàn đồng để dành mua đồ ăn, thuốc men phòng ngừa ốm đau.
“Mỗi tháng chúng tôi được Hội chữ thập đỏ xã hỗ trợ 10 ký gạo, con trai cũng cho thêm ít để dành nấu cơm. Nếu thiếu tiền thì ăn cơm với muối, nước mắm cho qua bữa. Hai vợ chồng thì chẳng sao, chỉ sợ cháu Nhi đang đau ốm mà thôi”, cụ Châu chia sẻ.
Vật dụng “hiện đại” nhất trong nhà cũng chỉ có nồi cơm điện cùng hai cái quạt máy. Căn bếp trống hoác, lạnh ngắt kể từ lúc cụ bà nhập viện. Mỗi bữa hai cha con chỉ nấu một lon gạo. Đồ ăn bữa có, bữa không. Nhìn thân thể ốm yếu, gầy gò của hai cha con mà chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Đối với họ có bữa ăn qua ngày đã may lắm rồi, chứ nhắc chi đến chuyện xa xôi.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình cụ Trịnh Châu, bà Nguyễn Thị Năm (hàng xóm) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cụ Châu ở đây ai cũng biết, cuộc sống nghèo khó, túng bấn. Lúc trước còn có bà Nhi chăm sóc, đỡ đần lúc ốm đau nhưng từ khi bà đổ bệnh thì gia đình như rơi vào cảnh bế tắc. Trước cũng có nuôi heo, bò nhưng đều bán đi hết để chữa bệnh cho bà Nhi rồi. May có anh con trai qua lại coi sóc, nhưng anh ấy cũng nghèo, thêm có đứa con bại não nữa nên rất chật vật. Chúng tôi ai cũng thương cảm, nhưng nơi quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này thì lấy đâu ra nhiều tiền mà giúp, chỉ đỡ đần được chút ít cho hai cụ”
Hoàn cảnh khó khăn của gia đình cụ Châu
Bà Nguyễn Thị Phong (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cụ Trịnh Châu rất khó khăn, cơ cực. Hai cụ già yếu nay còn phải đùm đề thêm người con gái đau ốm, bệnh tật. Xã cũng đã tận tình giúp đỡ nhưng chẳng thấm vào đâu cả, ở đây rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Gia đình cụ thuộc diện đặc biệt khó khăn nên hễ có hỗ trợ gì chúng tôi đều ưu tiên. Hy vọng các mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ để gia đình cụ có thể chống chọi qua cơn khốn khó cuối đời”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Phong – Chủ tịch Chữ thập đỏ xã Bình Nam. ĐT: 0971108238 (gia đình cụ Châu không có điện thoại).
Theo Dân trí