Phật dạy trộm cắp gánh 11 quả báo nặng nề
Trộm cắp là nghiệp cần phải tránh xa theo lời răn nhà Phật. Giới này dễ vi phạm với bất cứ ai nên nó đòi hỏi mọi người đều cẩn thận gìn giữ, đặc biệt không được tham, sân, si.
Phật tử quan niệm thế nào là trộm cắp?
Trong cuộc sống, con người có thể cố tình hoặc vô tình trộm cắp là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ bản chất của con người là tham, sân, si và trộm cắp là một hành vi xuất phát từ lòng tham của con người.
Mặc dù trộm cắp là một hành động xấu xa nhưng nếu là con của đức Phật thì mình cũng phải quán chiếu nhân duyên để thấu đạt lí sự. Nghĩa là chú ý tới mục đích của hành vi trộm cắp để đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Trong giáo lý nhà Phật thì tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời sống đều có quy luật nhân quả. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng, tức là gieo nhân nào thì sẽ gặp quả ấy.
Theo đó, bất luận là vì cái gì nếu trộm cắp hoặc do thấy lợi mà bỏ nghĩa, đều là những việc nhơ bẩn và muôn nghìn tội ác. Đức Phật không bao giờ khen ngợi việc này mà ngược lại, đức Phật luôn đưa ra những giáo lý để sách tấn chúng sinh, mong muốn chúng sinh thoát khỏi lối nhơ bẩn này.
Vì thế, hàng Phật tử tại gia nói riêng và tất cả nhân loại nói chung luôn phải vâng lời Phật dạy. Hàng ngày, chúng ta cần phải nghiêm trì giới không trộm cắp này để cho đời sống được thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc.
Người trộm cắp sẽ gánh 11 quả báo này
1. Không thể có những thứ của cải quý giá.
2. Thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…
3. Là người nghèo khổ túng thiếu của cải.
4. Không phát triển được những thứ của cải mới.
5. Khi làm ra được của cải quý giá, thì không giữ gìn được lâu dài.
6. Không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.
7. Khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà Vua tịch thu…
8. Của cải được phát triển, thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.
9. Là người không thể nào chứng đắc được pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả và Niết Bàn).
10. Là người thường nghe đến danh từ ‘không có’.
11. Là người sống không được an lạc.