Nước mắt mặn đắng của người mẹ: Chăm 2 con đứa dở, đứa dại, ngày ngày phải nhìn con bị xích chân đến rướm máu
Thả ra là con đi, rồi lại đánh người nên không còn cách nào khác là bà phải xích rồi lại “đánh vật” để chăm con. Đó là thằng lớn, còn con gái thì bỏ đi cả đêm mò đủ các thứ bẩn thỉu ở dưới bùn trát lên đầy người trong vô thức.
Lặng người rồi có lúc lại cảm thấy rờn rợn, chúng tôi có mặt tại gia đình bà Nguyễn Thị Nhanh sau câu chuyện của chú Phạm Ngọc Phú – trưởng thôn Thọ Chương (ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) kể lại. 70 tuổi, bà chẳng còn khỏe mạnh nữa, mái đầu đã gần bạc trắng với đôi mắt đã đục mờ vì bao nước mắt đã đổ. Lấy chiếc áo mặc cho con gái khỏi lạnh, bà lại với chiếc khăn lau mặt cho con trai… rồi đến công việc đút cơm, lau dọn vệ sinh bà đều phải làm suốt bao nhiêu năm qua.
“Giá như chúng nó được bình thường như người ta thì tôi đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Đằng này, cả 2 đứa nó đều không biết gì cô ạ. Thằng đứng trong góc kia là Nguyễn Văn Luyên, cứ thả ra là nó đi, có lần nó đi bộ gần lên đến Hà Nội, cả xóm làng đi tìm mãi mới thấy. Còn cô này là Nguyễn Thị Luy, suốt ngày nó đi mò ở dưới ao rồi bôi trát đầy bùn đất lên mặt lên mũi thôi”.
Buồn lắm, bà kể rồi lại rơm rớm nước mắt. Già rồi, ở cái tuổi đã “gần đất, xa trời” mà bà chẳng giây phút nào được yên. Ông nhà đã mất, 1 tay bà chăm lo cho 2 đứa con dở dại từ bữa ăn, giấc ngủ… rồi lại canh cánh lo tương lai của đứa cháu Nguyễn Văn Vĩnh (9 tuổi). Cậu bé không có cha, mẹ của em là chị Nguyễn Thị Quyên, con gái lớn của bà cũng chầm chậm, chẳng biết làm gì.
“Hoàn cảnh gia đình bà Nhanh ở đây chúng tôi ai cũng biết cả cô ạ. Thương bà lắm, tuổi cao mà vẫn phải lo cho mấy đứa con còn vất vả hơn là chăm con mọn. Việc chú Luyên phải xích thế kia, chúng tôi đều nắm bắt được vì bà không có cách nào giữ chân con ở nhà nên đành phải làm thế. Hiện tại hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn nên chúng tôi rất mong được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ cho bà”.
Không giấu được sự lo lắng và sốt ruột trước hoàn cảnh gia đình bà, chú Phạm Ngọc Phú – Trưởng thôn Thọ Chương chia sẻ với chúng tôi, đồng thời cho biết về phía chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà nhưng ở vùng quê nghèo, chủ yếu chỉ động viên nhau về mặt tinh thần, còn vật chất thì thiếu trước, hụt sau, chẳng đỡ đần được.
Việc anh Luyên bị xích, rồi có lúc lên cơn anh đòi đi, cố dứt cả xích ra nhưng không được, thành ra chỗ chân xích bị chà sát rớm cả máu. Nhìn con như vậy, hơn ai hết, bà đau đớn đến quặn thắt nhưng vẫn tự dặn lòng phải cứng rắn không được thả ra vì chỉ cần trong tích tắc là anh đã chạy đi gây sự rồi. Buộc phải nhốt con, bà nào có muốn … Nhưng tình thế không thể nào làm khác được, vậy nhưng bà vẫn tự dằn vặt và trách mình.
“Ở đây chúng tôi chứng kiến hết, thương mấy đứa con bà nó bệnh tật là thế nhưng thương bà nhiều hơn. Có những đêm, thằng con nó hét, nó đòi ra, rồi lại thấy bà ngồi khóc, có lần bà còn chắp tay lạy nó xin nó đi ngủ mà nó nào có hiểu gì đâu… Đúng là cảnh ngược đời cô ạ. Mẹ già thế này vẫn phải phục vụ con từng ly, từng tý một”- Một người hàng xóm của bà Nhanh cho hay.
Chẳng còn nhớ nổi bao lần đi tìm con, bao lần thót tim như “sắp chết” bởi đêm xuống rồi mà chẳng thấy con đâu. Bà bảo chúng bệnh là thế nhưng nếu có mệnh hệ gì bà cũng không sống nổi bởi nó là con, là máu mủ, khúc ruột của mình. Nhưng bà già rồi… biết còn sức khỏe chăm con đến khi nào, mà buông tay thì không thể?
Mấy hôm nay trời lạnh, những chỗ xướt xát ở cổ chân con cũng thâm đen lại khiến cho bà lại càng nóng ruột. Khẽ nhắm mắt vào, bà chỉ ước nó đừng đòi đi đâu cả để bà không phải van, phải lạy, phải khổ sở, đáng thương nữa. Những lúc ấy, bất lực, bà chỉ còn cách ngồi khóc, hay thắp lên bàn thờ chồng nén hương xin ông phù hộ cho các con để bà sống còn được chăm sóc chúng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:Bà Nguyễn Thị Nhanh (thôn Thọ Chương, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).Số ĐT: 0886.363.822 (Số ĐT của chú Phú- trưởng thôn)
Theo Dân trí