Những nhân chứng sống kể chuyện chạm mặt rùa ‘thần’ khổng lồ dưới dòng Hương Giang
Hiện vẫn còn khá nhiều người dân sống gần khu vực điện Hòn Chén (Thừa Thiên – Huế) còn nhớ như in những lần chạm mặt rùa ‘thần’ khổng lồ sống dưới dòng Hương Giang.
Chạm mặt rùa ‘thần’ khổng lồ
Trong dân gian ở Thừa Thiên – Huế hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều huyền tích kể về sự tồn tại của một cụ rùa ‘thần’ sinh sống dưới dòng Hương Giang và thường được gắn với nhiều câu chuyện, với đời sống tâm linh của địa phương.
Video: Các nhân chứng sống kể chuyện giáp mặt rùa ‘thần’ khổng lồ trên sông Hương
Thực hư những câu chuyện đó ra sao có lẽ không ai có thể chứng minh được. Tuy nhiên, câu chuyện về cá thể rùa khổng lồ sống dưới dòng Hương Giang thực sự khiến tôi tò mò và quyết tâm tìm những nhân chứng sống từng giáp mặt cá thể rùa này.
Để tìm hiểu, tôi đã tìm về những ngôi làng nằm sát sông Hương và khu di tích điện Hòn Chén (nằm trên núi Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cách trung tâm TP. Huế hơn 10 kilomet.
Nhiều người dân sống gần khu vực điện Hòn Chén khẳng định với tôi về sự tồn tại của một cá thể rùa khổng lồ từng sinh sống dưới dòng sông Hương và có khá nhiều người từng ít nhất một lần chứng kiến cá thể rùa này nổi lên mặt nước.
Ông Nguyễn Văn Thắng – người có hơn 30 năm làm nghề lái đò trước điện Hòn Chén cũng khẳng định về sự tồn tại của một cá thể rùa khổng lồ dưới sông Hương. Theo ông, vào những năm 1999 ông thấy rùa thần nổi lên mặt nước với chu kỳ 2 – 3 lần/ngày.
“Mỗi khi cụ nổi nhiều loại cá nhảy lên khỏi mặt nước, sau đó nước từ từ dâng lên khiến thuyền bè dập dình theo sóng nước. Cụ to lắm, dài cỡ khoảng 4 mét. Tuy nhiên, sau trận lũ lịch sử năm 1999 đến nay thì không thấy cụ nổi nữa”, ông Thắng nói.
Ông Lên Văn Tựu (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng khẳng định ông đã từng nhìn thấy rùa thần nổi. Tuy nhiên, ông Tựu không nhìn thấy rõ mà chỉ thấy rong rêu nổi lên nổi xuống và một bóng đen to và dài lờ mờ dưới mặt nước. Ông Tựu còn phỏng đoán rằng, có thể sau trận lụt lịch sử năm 1999 nước lũ đã cuốn cụ rùa khổng lồ đi nơi khác.
Tuy nhiên, cụ Trần Văn Tý (73 tuổi, sống gần điện Hòn Chén) lại thông tin rằng, cách đây 3 – 4 năm cụ và nhiều người vẫn còn đôi ba lần nhìn thấy cụ rùa nổi.
Theo cụ Tý, trong cuộc đời cụ đã từng 4 lần nhìn thấy cụ rùa nổi: “Những lần trước do thời gian đã lâu tôi không nhớ nhưng lần gần đây nhất khoảng 3 năm trước. Khi ấy vào dịp tháng 7 âm lịch, khoảng 10h sáng, tôi không thấy nguyên hình chỉ thấy đầu cụ nổi lên, xung quanh xuất hiện vòng tròn cỡ 4m nổi lên bọt trắng. Cụ ngoi lên mặt nước được tầm 5 phút rồi cụ lặn xuống dưới”.
Theo lời chị Trần Thị Tứ (30 tuổi) – người sống ven sông cạnh Điện Hòn Chén cho hay: “Cụ rùa nổi gần đây nhất là khoảng 3 đến 4 năm trước, lúc đó tôi cùng nhiều người dân trong thôn Hải Cát 2 đã tận mắt chứng kiến cụ rùa nổi lên to bằng cái nong. Nhiều người đã lấy điện thoại để chụp ảnh lại, nhưng cụ nổi được 30 đến 40 giây nên không ai chụp được”.
Rùa ‘thần’ nổi cảnh báo lũ?
Nói đến những giai thoại về sự linh thiêng của rùa thần sống dưới sông Hương mà người dân đất cố đô vẫn còn lưu truyền thì có lẽ nên bắt đầu từ địa danh điện Hòn Chén. Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Dân gian vẫn thường gọi là Hòn Chén vì nó có liên quan đến giai thoại về vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc.
Tương truyền rằng, điện Hòn Chén xưa có tên Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”. Chuyện kể rằng, trong một lần lên điện Hòn Chén, vua Minh Mạng đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương. Tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa có kích thước khổng lồ nổi lên mặt nước ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.
Thời vua Đồng Khánh (1886 – 1888), điện Hòn Chén được đổi tên là Huệ Nam Điện với ý nghĩa mang lại ân huệ cho vua nước Nam. Ông vua này cũng đã từng tự nguyện biến mình thành một trong thất thánh ở điện Huệ Nam. Không những thế, vai vế của ông cũng chỉ là em út trong 7 vị đó.
Đây được xem như một việc làm mà xưa nay chưa thấy xảy ra đối với các vua chúa của Việt Nam. Cùng với việc phong thánh cho mình, vua Đồng Khánh đã sắc phong thượng đẳng thần cho Thánh mẫu Thiên y A Na và trung đẳng thần cho những vị khác.
Hiện nay, điện Huệ Nam đã trở về với tên gọi thuở sơ khai là điện Hòn Chén. Cùng với đó, quanh câu chuyện rùa trả lại chén ngọc đã có rất nhiều những huyền tích được thêu dệt và được truyền miệng suốt hàng trăm năm. Một trong số đó là chuyện cụ rùa có khả năng cảnh báo lũ lụt cho dân chúng đề phòng.
Theo cụ Trần Văn Tý, người xưa kể lại cụ rùa trước kia sống dưới chùa Thiên Mụ, sau đó di chuyển lên sống trước mặt điện Hòn Chén. Điều đặc biệt, cụ chỉ nổi những ngày lễ diễn ra tại điện Hòn Chén và theo người dân, mỗi lần cụ rùa nổi là có một điềm dữ sắp sửa xảy ra.
Minh chứng là, năm 1999, cụ rùa nổi cũng là năm xảy ra trận lũ lớn làm thiệt hại rất lớn về người và của tại Thừa Thiên – Huế nói riêng và những người sống gần di tích điện Hòn Chén nói riêng.
Năm 2006, cụ rùa lại nổi lên, người ta cho hay cụ nổi lên ứng báo. Không ngờ sau đó có bão thật. Lần này mọi người rút kinh nghiệm đã chuẩn bị kĩ càng nên trong trận bão này người dân không bị thiệt hại gì nhiều.
Theo VTCN