Nhớ: Đừng bao giờ nói xấu người khác và cũng đừng quan tâm ai đó nói xấu mình
Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, con người luôn phải phấn đấu học hỏi, trau dồi và sửa sai suốt cả cuộc đời. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, đừng đánh giá họ khi bạn chưa thực sự hiểu và cũng đừng quan tâm ai đó nói xấu mình!
Ở đời luôn có luật nhân quả, đừng bao giờ nói xấu hay làm chuyện hại người. Bạn hãm hại người khác thì sẽ có người hãm hại lại bạn. Bạn lừa dối người khác cũng có người khác lừa dối bạn. Đó là điều chắc chắn!
Không phải ngẫu nhiên mà từ thời xưa ông bà ta đã có câu nói “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn nói chưa bao giờ là một việc dễ dàng cả, nó là một thứ nghệ thuật mà người ta cần rèn giũa mỗi ngày. Trước khi nói phải cân nhắc đắn đo xem điều mình nói ra lợi và hại như thế nào, thiệt và hơn thứ thế nào. Có những lời tuyệt đối không bao giờ được phép nói ra nếu không muốn gây thiệt thòi cho chính mình và cho người khác.
Đừng ác khẩu, nói xấu người khác
Cùng đọc câu chuyện dưới đây và suy ngẫm:
“Ngày xưa, trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, liền đến một nhà Bà-la-môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con.
Sư Chất nghe thế không chịu tin, lại đi tìm một ông thầy tướng số khác, cao tay ấn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn xin bốc quẻ. Lạ thay, vị thầy tướng này vốn được mọi người tôn kính và khen ngợi là bói linh như thần, lại cũng làm cho Sư Chất thất vọng.
Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích-ca Mâu-ni, tự nghĩ:
– Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?
Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng tinh xá Kỳ Viên mà đi. Cung kính đảnh lễ đức Phật xong, ông chắp tay bạch:
– Bạch đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo. Con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin đức Phật khai thị.
Đức Phật trả lời:
– Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.
Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật, rồi thỉnh cầu:
– Cầu xin Thế Tôn và chư tăng cho phép chúng con được cúng dường vào trưa mai, để chúng con được kết thêm thiện duyên và trồng chủng tử vào ruộng phước của Như Lai.
Đức Phật nhận lời rồi, Sư Chất hoan hỉ quay về chuẩn bị đàn trai. Hôm sau ông dẫn đầu gia nhân, chân thành cúng dường những món ăn thức uống ngon lành đẹp mắt nhất.
Đức Phật nhận cúng dường xong, thuyết một thời pháp rồi dẫn tăng chúng quay về tinh xá. Đi được nửa đường, đức Phật và tăng chúng ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông nghỉ ngơi. Bỗng từ trên cây, một con khỉ nhảy xuống xin mượn bình bát của đức Phật. Nó ôm bình bát chạy đi thật xa rồi quay về, trong bình bát chứa đầy mật ngọt. Nó dùng hai tay kính cẩn dâng bình bát lên đức Phật, Ngài nhận lấy và chia cho chư tăng dùng để con khỉ được nhiều phúc đức. Con khỉ thấy thế mừng rỡ nhảy nhót.
Không lâu sau nó đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất.
Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.
Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:
– Lúc con chưa ra đời, đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chặn con một cách vô lý.
Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến tinh xá Kỳ Viên xin xuất gia với đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.
Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì để uống. Tỳ-kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.
Về tới tinh xá, một vị tỳ-kheo đi tìm đức Phật xin thỉnh giáo:
– Bạch Thế Tôn, trong quá khứ tỳ-kheo Mật Thắng đã tu phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?
Đức Phật trả lời:
– Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, nên sau khi chết rồi nó được sinh ra làm người, và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được đường và mật bất cứ lúc nào và ở đâu.
Đức Phật nói xong, vị tỳ-kheo nọ hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa làm thân khỉ?
Lúc ấy xung quanh đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:
– Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xảy ra cách đây 500 kiếp về trước, thời đức Như Lai Ca-diếp còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ-kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ-kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ-kheo kia giống hệt như con khỉ. Nhưng sau đó thầy ấy tự biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ-kheo mà mình đã chế nhạo. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, tuy nhiên nhờ thắng duyên biết sám hối nên kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A-la-hán một cách mau chóng.
Nghe đức Phật giảng xong, các vị tỳ-kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.
Bởi vì luật nhân quả không bỏ sót bất cứ một người nào.”
Những lời ái ngữ có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi tâm trạng buồn bã của mọi người. Và nếu khuyến tấn đúng thời điểm, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương.Từ đó, dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi và những việc làm bất thiện.
Ngược lại lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta phải ăn năn hối hận cả cuộc đời. Trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
Ác khẩu, ác ngữ là những lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa, là những lời lẽ thiếu văn minh, đạo đức trong giao tiếp. Tuy nhiên nói nặng lời hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ. Nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô.
Những lời nói cay độc gây tổn thương tới người đối diện cũng vô tình gây họa cho chính bản thân mình, điều này không phải ai cũng biết.
Đừng quan tâm ai đó nói xấu mình!
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi mà giá trị của một con người được nhìn nhận thông qua địa vị xã hội hay thậm chí có thể bị lu mờ trong quan điểm của những người khác. Việc ai thích ai, ai hại ai, ai đang làm gì dần trở thành những đề tài được bàn tán sôi nổi hàng ngày. Tuy nhiên, nếu người ta đang bàn tán về bạn thì sao? Chắc hẳn điều ấy chẳng hề làm bạn hạnh phúc, và tất nhiên, nó cũng không hề quan trọng như bạn nghĩ. Dưới đây là những lý do giải thích cho điều đó:
1. Không ai biết rõ về bạn hơn chính bản thân bạn.
Chúng ta vẫn thường hay kiêu ngạo mà cho rằng có thể phán xét phẩm chất, tính cách của một người chỉ sau vài giây gặp mặt. Sự thật là những sự đánh giá vội vàng ấy chẳng bao giờ đúng cả. Hơn bất kỳ ai trên thế giới này, chỉ có bạn biết rõ mình là ai, bạn thích gì, có điểm mạnh, yếu ở chỗ nào. Phải, mọi người đều có quyền nhanh chóng đưa ra những nhận định về con người bạn, nhưng đâu phải tất cả đều đúng, vì thế đừng lo lắng về bản thân bạn chỉ vì những lời nói của người khác.
2. Chẳng ai muốn nghĩ xấu về mình
Chúng ta ai cũng muốn trở nên hoản hảo để tự tin hơn vào bản thân mình. Vì vậy, thay vì nhìn nhận và đối mặt với những khuyết điểm của bản thân để khắc phục nó, chúng ta thường có xu hướng nghĩ xấu về người khác để thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Hơn nữa, những ai luôn muốn dìm hàng người khác thực ra lại là những kẻ đang muốn che giấu sự tự ti trong con người mình. Đó là một việc làm chẳng hề tốt đẹp, do đó ngay từ đầu, bạn không nên bận tâm nhiều đến họ.
3. Bạn sẽ luôn phải làm hài lòng người khác
Bạn có muốn sống một cuộc đời toàn nỗi lo âu? Một cuộc đời mà bạn luôn luôn cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu khi nghe ai đó nhận xét không tốt hay lăng mạ mình? Chắc chẳng ai trong chúng ta muốn thế, vì nếu bạn muốn sống một cuộc đời như vậy thì bạn chỉ là kẻ ba phải, a dua mà thôi. Bạn sẽ trở thành một “Mr.Niceguy” luôn phải sẵn lòng nhận lấy sự chà đạp của mọi người vì bạn sợ mình sẽ làm mất lòng họ. Nhưng nếu bên ngoài bạn là một “Mr.Niceguy” thì bên trọng bạn lại chỉ là “Mr.Sadguy” mà thôi, trong khi bạn xứng đáng được sống tốt hơn thế cơ mà.
4. Những người ghét bạn ở khắp mọi nơi
Những người thành công thường không quan tâm đến những gì người khác nói về mình. Bởi vì những kẻ muốn phá hoại bạn luôn có mặt ở khắp mọi nơi, và để đạt được điều mình muốn bạn có thể sẽ làm họ nổi giận. Nếu bạn đang cố kiếm tìm những người hoàn toàn hài lòng với bản thân bạn thì sau đó bạn cũng sẽ gặp thất bại thôi. Đằng nào cũng sẽ bị ai đó ghét bỏ, sao không tự tiến tới thành công thay vì cố gắng chiều lòng người khác?
5. Đơn giản là bạn không có thời gian cho những chuyện tầm phào
Thành công có nghĩa là trở thành con người mạnh mẽ nhất, hoàn hảo nhất mà bạn có thể trở thành. Muốn vậy, bạn phải phát triển những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của bản thân mình. Tuy nhiên, liệu bạn có thể làm điều ấy được không khi cứ lãng phí thời gian để ngẫm nghĩ những ý kiến của người khác về mình. Nếu muốn thành công, bạn phải biết tiết kiệm từng giây phút của cuộc đời, vì thế hãy tập trung vào việc cải thiện bản thân thay vì cải thiện suy nghĩ của người khác.
6. Sự tự tin không được xây dựng từ những suy nghĩ của người khác về bạn
Không có mấy người cho rằng họ tự tin vào bản thân là nhờ những sự phán xét tiêu cực của người đời. Những người tự tin là những người nhận ra họ nên phớt lờ những phán xét đó hơn là quan tâm chúng. Họ biết mình có khuyết điểm gì và hiểu chỉ có mình mới có thể cải thiện nó chứ không phải là người khác.
7. Chỉ có những ai thiếu hiểu biết mới đi chỉ trích người khác
Trong cuốn sách nổi tiếng “Đắc nhân tâm”, tác giả Dale Carnegie đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc không chỉ trích người khác đối với thành công của mỗi người. Trước khi trở thành Tổng thống, Abraham Lincoln đã là đối tượng bị các tờ báo địa phương chỉ trích thậm tệ và nó gần như đẩy ông vào một cuộc chiến. Tuy nhiên ông đã không hề chỉ trích lại những gì người ta nói về mình, phải chăng thái độ bình tĩnh ấy đã giúp ông trở thành một tổng thổng vĩ đại của nước Mỹ?
8. Nếu bạn nghe theo những gì họ nói, bạn sẽ trở thành một người khác.
Nếu bạn luôn lo lắng về bản thân chỉ vì những lời nhận xét tiêu cực của người khác thì rất có thể, cuối cùng, bạn sẽ tin những lời phán xét ấy là thật. Bạn sẽ trở thành một người mà trước đây bạn từng ghét bỏ chỉ vì không có quyết tâm để phớt lờ những lời phán xét kia. Đừng trở thành một phiên bản lỗi của bản thân vì không ai hiểu rõ bạn hơn chính bạn đâu.
9. Bạn có thể sẽ nói xấu người khác giống như họ.
Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, vì vậy suy nghĩ của người khác cũng có thể dễ dàng thống trị tâm trí của bạn. Nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ làm theo những thói quen xấu của họ một cách tự nhiên. Cụ thể, bạn sẽ tự động chế nhạo hay hình thành những ý kiến tiêu cực về người khác để che giấu những khuyết điểm của bản thân mình. Đây chính là một chu trình với một vòng tròn được lặp đi lặp lại.
10. Bạn sẽ phải hối tiếc
Trong cuốn sách “5 điều con người hối tiếc nhất trước khi chết” của Bronnie Ware, tác giả đã nhớ về các mối quan hệ trong những năm tháng mình còn sống khi hấp hối để ghi lại 5 điều hối tiếc của con người. Bạn có đoán được điều nào là điều hối tiếc nhất không, đó chính là lắng nghe quá nhiều những điều người khác nói về mình đấy.