Nhật kí những ngày ở bệnh viện- bài học từ vị Bồ Tát tu thiền
Sau khi làm xong thủ thuật nong mạch vành, ông xã tôi được đưa về theo dõi 24 giờ ở Phòng cấp cứu Khoa Tim Mạch Can Thiệp.
Vào đây rồi bạn mới cảm nhận được lời dạy của Phật không sai “Mạng người chỉ trong một hơi thở, hít vào thở ra không được thì đã qua đời khác mất rồi”.
Hình như con người khi gặp khó khăn trắc trở, đồng bệnh tương lân thì biết thương nhau hơn là lúc giàu sang phú quý. Ở nơi này, những thân nhân quan tâm lẫn nhau, quan tâm người bệnh của nhau, chia sẻ những gì có thể được từ vật chất đến tinh thần rất chân thành. Tiếng máy đo điện tim chạy cả đêm kèm theo tiếng rên rỉ của những bệnh nhân cảm thấy khó thở, đau đớn, người gắn đầy thiết bị hỗ trợ. Lâu lâu có bệnh nhân ngừng thở, khiến cho các bác sĩ, y tá điều dưỡng đều tập trung lại hô hấp nhân tạo…v.v….
Mục kích những cảnh tượng này hoài khiến cho bạn cảm thấy đời người ngắn ngủi, vô thường và bị chi phối bởi sanh, lão, bệnh, tử không có cách gì thoát khỏi. Cho dù bạn có giàu sang, quyền lực, địa vị cỡ nào…hễ vào đây rồi thì mọi thứ đều là Không. Nói thật, vào đây nhìn mọi người rồi tôi chỉ tự nhủ rằng mình phải niệm Phật, niệm Phật và niệm Phật chớ chẳng biết phải làm gì, chẳng còn con đường nào để nương tựa cả, sự sống quá mong manh.
24 giờ sau đó, chồng tôi do sức khoẻ và nhịp tim đều đặn nên được chuyển sang phòng Hồi sức dưỡng bệnh. Phòng này ra vào tự do hơn, đều là những bệnh nhân từ phòng cấp cứu có dấu hiệu khoẻ chuyển sang, nếu ổn nữa thì được cho về nhà. Và cũng nhờ lưu trú nơi đây vài ngày, tôi mới có duyên gặp những vị Bồ tát thị hiện khiến bản thân phải ghi nhớ học tập, càng phải tin sâu hơn về pháp môn mà mình đang tu học.
Có một ông cụ cùng phòng tên N.V.K 90 tuổi, da dẻ hồng hào nằm trên giường bệnh. Gia đình ông khá giả và con cái vô cùng hiếu thuận, chăm sóc thân phụ rất chu đáo tận tình. Không những vậy, cô con gái còn tán thán cha mình rằng: “Ông cụ tu Thiền, xưa giờ sống thanh liêm, sống có đạo đức từ khi còn là hiệu trưởng, chữ nghĩa kinh sách thông đạt, ít nói, chưa hề sát sinh, thọ bát quan trai ngày ăn một bữa trước ngọ đã hơn 40 năm rồi. Ông sống hiền lành, không hề quát nạt con cháu nhưng họ rất kính trọng và sợ”.
Tóm lại, có thể nói ông cụ là người trì giới tinh nghiêm, đức hạnh rất tốt. Hiện tại, ông bị bệnh già, viêm phổi, tim mạch…. nên không thể tự vệ sinh hoặc sinh hoạt cá nhân, mọi việc đều phải nhờ đến con cháu thay phiên nhau giúp. Hàng ngày, người con phải đổ sữa trực tiếp vào dạ dày cha mình thông qua ống dẫn để duy trì sự sống, sau đó vỗ vỗ vào lưng cho ông đỡ ho đỡ sặc. Những giờ còn lại thì ông cụ chỉ nằm, nhắm nghiền mắt, ít khi nào tỉnh. Thấy ông nằm như vậy hoài nên có một hôm tôi bước lại gần và chắp tay: “A Di Đà Phật. Ông cụ ơi, ông tỉnh lại đi, ông cụ tu Thiền chắc cụ có biết bài này: Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên, Đói đến thì ăn mệt ngủ liền, Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”.
Bài “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông, tôi thấy thích hợp với hết thảy những người tu hành nên có ấn tượng khá sâu đậm. Tôi vừa đọc xong thì ông cụ mở to mắt ra nhìn tôi, rồi chớp chớp đôi mắt. Ông tỉnh lại vài phút có lẽ do nghe tôi đọc bài thơ quen mà ông đã từng đọc lúc xưa, có nghĩa là ông vẫn còn nghe thấy, nhưng chỉ thoáng chốc như vậy rồi lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ mê, khó có thể làm cho ông tỉnh hoàn toàn được.
Tôi phải tán thán về đức hạnh của ông cụ, ông sống hiền lành, rất tốt nên có phước báo lớn, khiến cho xung quanh ông đều là những con cháu hiếu thuận. Tôi chợt ước gì ông niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương, người như ông mà niệm Phật thì cơ hội vãng sanh khá cao. Thật sự tôi thấy tiếc quá! Thời mạt pháp này nếu như chúng ta tu học mà không nhờ Phật lực gia trì, nương theo nguyện lực của A Di Đà Phật thì dễ gì mà liễu thoát sanh tử, ra khỏi tam giới? Đành phải theo nghiệp hoặc trói buộc mà lưu lạc tiếp trong vòng sanh tử vô tận.
A Di Đà Phật. Các bạn ạ, chúng ta rất may mắn biết được pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, chứ thực sự trong cuộc sống và cũng ngay ở bệnh viện này chẳng có mấy ai tin vào Phật pháp, huống gì biết và tin thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Đa số người bước vào tu học Phật đi chùa, tụng kinh, trì chú, niệm Phật cũng chỉ để cầu danh lợi, tiền tài, sức khoẻ ….v.v…thật uổng phí vô cùng, nói như các vị Tổ sư dạy “Chúng ta niệm Phật mà cầu những thứ hư vọng của thế gian thì cũng giống như đem hạt ngọc châu mani quý giá để đổi lấy một cục kẹo, cục đường, rất không tương xứng”.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Diệu Âm Lệ Hiếu