Học Phật: Trước khi niệm Nam Mô A Di Đà Phật phải tự cầu mình mới được hưởng phúc
Miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tâm lại nghĩ tới tham sân si thì quả thực chẳng mang lại bất cứ lợi ích nào. Người Việt có thói quen đi chùa cầu an, nhưng trước khi tới ban Phật lễ bái hãy giữ cho tâm được thanh tĩnh và duy trì suy nghĩ trước khi cầu người, hãy tự cầu mình.
Niệm Nam Mô A Di Đà Phật là sự bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với chư vị Phật giáo đồng thời cũng là phương pháp để giữ tâm bình an, lắng đọng khi đối diện với Phật. Câu niệm bao hàm cả ý nghĩa tâm linh và gửi gắm sự mong mỏi của chúng sinh đối với những đấng siêu nhiên.
Bản thân Phật giáo là tôn giáo hướng thiện với những triết lý về nhân sinh, đạo lý kinh điển của nhà Phật mong muốn thông qua học tập và tu hành mà chúng sinh trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Bởi thế, học Phật chính là tu thân, niệm Phật là để răn mình, trước khi đứng trước chư vị Phật Bồ Tát cầu xin thì bản thân phải tu dưỡng đủ những điều dưới đây.
1. Không bất mãn với người khác, tự kiểm điểm bản thân. Nói cách khác, câu này chính là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mình đúng người sai thì không cần bất mã, mình sai người đúng thì không có lý gì để bất mãn. Bất mãn với người khác là chuốc khổ vào mình.
2. Nếu không thể tha thứ thì tâm mãi mãi không thanh thản. Mang trong mình sự tức giận và hận thù chính là gánh nặng lớn nhất của chúng sinh.
3. Người mà chỉ bảo thủ với cái nhìn và cách suy nghĩ của chính mình thì không bao giờ thấu hiểu nỗi lòng của người khác. Không hiểu người khác sẽ sinh oán giận, oán giận làm mờ tâm trí.
4. Giết người chỉ cần một câu, cứu người lại phải trăm vạn lời nên trước khi nói hãy nghĩ cho kĩ, phần nào có thể nể tình thì nể, đừng xúc xiểm quá đáng, đừng ác nghiệt quá mức. Khẩu nghiệp là một trong những nghiệp báo nặng nhất.
5. Người nói xấu sau lưng thì vị trí của người đó là ở phía sau, người nguyền rủa mình chỉ cần mỉm cười bỏ qua. Người ta tự tạo nghiệp không liên quan đến mình, mình mắng chửi lại là mình tự tạo nghiệp.
6. Căm giận người mà mình không yêu thích chính là dành thời gian cho người đó, quá lãng phí.
7. Lòng từ bi khoan dung và thái độ ôn hòa có thể hóa giải mọi nỗi oan ức và sự bất mãn, khơi gợi sự đồng cảm và thấu hiểu từ người khác. Đao to búa lớn không bằng chân thiện từ tâm, muốn người hiểu trước tiên bản thân phải bình tĩnh giảng giải.
8. Cùng là một con người, vì sao bạn không được thanh thản? Vì trong tâm trí chỉ toàn chứa phiền não, chỗ đâu có hạnh phúc vui vẻ. Lựa chọn cách sống như thế nào, hàm chứa điều gì đều là do mình mà thôi, ai cũng chỉ có tấm thân như thế, miệng niệm A Di Đà Phật như thế, có thể thực sự thanh tĩnh hay không là ở mình, không ở Phật.
9. Những điều không đạt được đều là những điều tốt đẹp nhất, thực ra không phải vì nó đẹp mà vì bạn hiểu về nó quá ít, mộng về nó quá nhiều. Người biết nhận ra giá trị và vẻ đẹp của những điều mình có mới đích thực là hạnh phúc, điều này Phật không giúp được, đều là học Phật mà tự tu lấy cho mình.
10. Một ngày được sống là một ngày được hưởng phúc; một điều ta có là một ân huệ, nên đừng được cái này đòi cái kia, đừng tham lam vô độ. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, vì không công bằng nên rất khó khăn và vì khó khăn nên cần nghiêm túc, hướng thiện và nỗ lực để sống.
11. Hao tâm tốn sức soi mói người khác không bằng tự dành thời gian phản tỉnh chính mình, nhìn ra ưu khuyết mà bồi dưỡng. Phật học chú trọng nhất chính là tu thân, tự mình phát triển tốt cho mình, mình tốt rồi không sợ cuộc sống không tốt.
Mỗi câu niệm Phật là mỗi lần từ tâm hướng thiện, không phải là chỉ để thỉnh cầu điều này điều kia. Con người muốn gì đều phải do bản thân cố gắng, tu dưỡng trọn vẹn, Cung dưỡng tam thánh, học đạo tu đời theo Phật, Bồ Tát để hưởng phúc. Cầu Phật không phải cách, học Phật mới có ích, hi vọng rằng những điều nho nhỏ trích ra từ kho kiến thức Phật giáo mênh mông sẽ giúp bạn đọc có thêm một cách nhìn, một hướng suy nghĩ đúng đắn, có ích cho bản thân.
Theo Lịch ngày tốt