Đã gần 40 năm trôi qua, người đàn ông ấy vẫn lặng lẽ đẩy chiếc xe chè đến bán tại góc đường Mai Thị Lựu giao với Nguyễn Thủ, Sài Gòn. Chú luôn niềm nở, cười tươi với tất cả mọi người, nhưng ít ai biết rằng đằng sau nụ cười ấy là một chuyện đời đầy thương cảm!
Chú Ba “độc thủ chè”
Chú Ba tên thật là Võ Văn Thể (69 tuổi), người ta thường trìu mến gọi chú là “độc thủ chè” hoặc là “Dương Quá”, bởi vì chú chỉ có một tay nhưng vẫn bán chè “ngon lành” như ai. Chú cười suốt, bán chè cũng cười, dọn dẹp cũng cười, nụ cười luôn thường trực trên môi bất kể đắt khách hay ế hàng.
Ai từng một lần được thưởng thức chè của chú đều phải ngỡ ngàng bởi hương vị ngọt thanh, mát lịm không nơi nào có được, ăn đến miếng cuối cùng mà vẫn còn tiếc tiếc, có cảm giác vừa lạ lại vừa quen, rất khó tả.
Khách hàng của chú Ba hầu hết đều là những người “ăn chè nhiều thành quen”, họ coi chú như người thân trong nhà, không phải chỉ vì chè rất ngon mà còn bởi chú rất thân thiện và dễ mến. Mọi người đến ăn chè luôn thấy vui vẻ thoải mái, ăn xong cũng không muốn đứng dậy ra về, mà chỉ cần mấy ngày không đến quán ăn là nhớ không chịu nổi nên đành phải ghé qua.
Nhìn nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi chú Ba, ít ai biết được cuộc đời người đàn ông đó cơ cực như thế nào. Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ dẫn chú và chị gái vào Sài Gòn mưu sinh. Bao nhiêu năm nay, xe chè đã nuôi sống chú cùng hai phụ nữ là người mẹ già yếu (85 tuổi) và người chị góa chồng (63 tuổi). Cuộc sống mưu sinh chốn phồn thị vốn chẳng dễ dàng gì mà chú Ba lại bị một cánh tay không lành lặn nên khó khăn cứ tiếp nối khó khăn.
Chú Ba kể, hồi chú 29 tuổi, trước ngày giải phóng có 3 ngày, chú bị mảnh pháo văng trúng vào người, thế là mất đi cánh tay phải từ đó. Tai họa bất ngờ ập đến, chú cũng sốc và đau khổ lắm, nhưng nhìn mẹ và chị cứ suy sụp theo vết thương của mình, chú lại dặn lòng phải cố gắng vượt qua để chăm sóc cho hai người phụ nữ yếu đuối. Kể từ đấy, chú Ba quyết tâm rèn luyện cánh tay còn lại. Những ngày đầu tập luyện rất vất vả, chỉ làm quen với những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, mặc quần áo cũng đã khó khăn rồi, huống hồ còn phải kiếm tiền. Nhiều lúc nản lòng, chú ngồi nhìn cánh tay tàn tật mà thấy trống trải lạ lùng. Nhưng rồi, chú lại động viên mình rằng không có gì là không thể, miễn là mình biết cố gắng.
Ngày qua ngày, cứ mỗi khi chán nản chú lại tự nhủ cố thêm một chút, một chút. Dần dần, chú Ba đã làm quen được với thân thể khiếm khuyết của mình. Chú Ba nói, trong cái khó ló cái khôn, cuối cùng chú cũng tìm được công việc để kiếm sống mưu sinh.