Đắk Lắk: Tâm sự của cô giáo bán cháo để bám nghề, thấp thỏm lo mất việc
Với mức lương 1 triệu đồng/tháng, để bám trụ với nghề giáo, chị Dung hàng ngày phải dậy từ 4h sáng nấu cháo mang đi bán, đến chiều lại mang giáo án đến lớp dạy.
Chị Hồ Thị Dung (giáo viên hợp đồng bộ môn Ngữ văn, trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được UBND huyện ký Quyết định hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế (chờ xét tuyển hoặc thi tuyển vào biên chế) vào năm 2012 với hệ số lương 2,34.
Đến năm 2016, chị Dung bị hạ lương xuống còn 1 triệu đồng/tháng “vì không có kinh phí”.
Trước đồng lương bèo bọt, gia đình không có ruộng vườn, đất đai, chồng chị Dung phải làm thuê đủ mọi việc để mưu sinh.
Bên cạnh đó, hai con nhỏ của chị đang tuổi chập chững tập đi nên cuộc sống của gia đình chị Dung rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Thế nhưng, với hy vọng sẽ được xét duyệt vào biên chế và giữ “chân” đi dạy ở trường, chị Dung phải cố gắng bám trường bám lớp để tiếp tục nuôi nghề.
“Hàng ngày, tôi phải dậy từ 4h sáng để nấu cháo mang đi bán, đến chiều mới mang giáo án đến trường dạy. Mọi người không biết hỏi tôi, vì sao làm đủ mọi nghề, nhưng họ có biết lương của tôi chỉ có 1 triệu đồng. Ngoài hai con nhỏ đang tuổi chập chững tập đi, hàng tháng vợ chồng tôi phải trợ cấp cho cha mẹ già, khiến cuộc sống vô cùng khốn khó”, chị Dung khóc nghẹn khi nói với PV.
VIDEO:
Không riêng chị Dung, theo tìm hiểu của PV, trong tổng số gần 600 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk, có những thầy, cô giáo đã có thâm niên công tác giảng dạy tại các trường trên địa bàn từ 5-8 năm. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, nếu bị chấm dứt hợp đồng họ sẽ càng thêm khó khăn.
Trước đó, vào chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã có cuộc họp thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên trên tổng gần 600 giáo viên đang giảng dạy tại các cấp THCS, tiểu học, mầm non.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức xét tuyển biên chế và lấy 83 chỉ tiêu. Như vậy, đồng nghĩa với việc, gần 500 giáo viên đối diện nguy cơ thất nghiệp trong thời gian tới.
Sau khi ra thông báo , nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk bức xúc kéo đến UBND huyện để khiếu nại. Đến sáng 12/3, UBND huyện đã ra thông báo tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên trên.
Nhiều giáo viên chung nỗi lo toan, thấp thỏm.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, từ năm 2011 – 2016, huyện Krông Pắk liên tục ký hợp đồng lao động đối với các giáo viên ở các cấp mầm non, tiểu học và THCS.
Sau đó, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên.
Liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã bị kỷ luật. Riêng ông Y Suôn Byă – Chủ tịch huyện Krông Păk, Tỉnh ủy đang kiểm tra, làm rõ các sai phạm.
Theo Người Đưa Tin