Chuyện một gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Run rẩy đột nhập “khu vườn kỳ bí” (kỳ 2)
Sau nhiều năm sống ẩn dật trong ngôi nhà tăm tối chìm khuất dưới tán cây xám xịt, 2 người con của bà Thành xuất hiện với hình ảnh rách rưới, nước da xám xịt đen đúa. Lời ăn tiếng nói của họ ma mị đến khó hiểu…
LTS: Đây là có lẽ là một trường hợp quá đỗi lạ lùng và cần sự lý giải cũng như quan tâm của chính quyền và các cơ quan khoa học. Từ một gia đình bình thường, vốn là công nhân sản xuất giỏi, con cái ngoan ngoãn, học hành tiến tới nhưng đột nhiên gia đình này đã tuyệt giao với thế giới bên ngoài, hơn chục năm trời chỉ ở trong ngôi nhà lúp xúp ẩn mình dưới tán cây rậm rịt.
Người trong xóm tò mò lai vãng thì sợ hãi bởi bị xua đuổi, thậm chí không dám tới gần khu nhà đó vì sợ hầm bẫy và những lời đồn thổi rợn người…
Bị cưỡng chế đi chữa bệnh vì sợ chết trong nhà
NhưPV đã thông tin, từ một gia đình khá giả ở xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa), cả gia đình bà Thành bỗng thay đổi với những việc làm kỳ lạ, khó hiểu. Vào năm 2001, bà Thành bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưới cày về treo lên cây và chôn trong vườn.
Bà Thành còn mua rất nhiều lốp xe về đốt ra đề lấy dây thép quấn lại thành từng cuộn giống như cuộn chỉ khổng lồ, mua nhiều cây sắt về giăng khắp vườn nhà. Bà Thành cũng cho dựng lên 8 ngôi nhà bé xíu và dùng các dây thép nối các nhà với nhau rất khó hiểu…
Con đường dẫn vào nhà bà Thành và nhân vật bí ẩn xuất hiện:
Sau cái chết hãi hùng, bí ẩn của Nguyễn Văn Tâm (con trai thứ hai của bà Thành), theo như lời bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ Trạm Bảo vệ rừng Thành Vân thì ban cán bộ lâm trường đã quyết định cưỡng chế, bắt gia đình bà Thành đi viện. Khi đó, nhiều người nghĩ, nếu không được cứu chữa kịp thời thì hậu quả không biết sẽ khủng khiếp tới đâu.
“Ngày đó các con bà Thành yếu lắm. Ăn uống không đủ chất (chỉ uống nước dừa và ăn đậu phụ- PV), đặc biệt là kiêng muối nên ai cũng phù nề, mệt mỏi. Không cấp cứu ngay thì khéo mà mất mạng như thằng Tâm ấy chứ”, bà Dung nhớ lại.
Cũng theo bà Dung, đi viện được vài ngày thì bà Thành và các con nằng nặc đòi về. Thuốc men bác sĩ cấp bà Thành tuyệt đối không dùng. “Bác sĩ cấp thuốc nhưng bà ấy có chịu uống đâu! Bà ấy bảo bà ấy không bị bệnh gì nên nhất quyết không chịu uống thuốc”, bà Dung nhớ lại.
Bất lực với sự “cứng đầu” của bà Thành các tổ chức đoàn thể, chính quyền ở Thành Vân cũng đành buông xuôi. Cũng từ dạo ấy, gia đình bà Thành gần như đóng cửa tuyệt giao với thế giới bên ngoài.
Run rẩy đột nhập “khu vườn kỳ bí”
Người dân ở Thành Vân cho biết, họa hoằn lắm họ mới gặp thấy ông Thái, chồng bà Thành đi ra ngoài trên chiếc xe đạp cũ. Các thành viên còn lại thì dường như biệt tích biệt tăm.
Như đã nói, ở Thành Vân có mỗi vợ chồng bà Dung là có thể tiếp cận “khu vườn kỳ quái”. Vợ chồng bà vào dịp lễ tết đều mang quà đến cho nhà bà Thành. Tuy nhiên, dù cảm ơn tấm lòng của hai vợ chồng bà Dung nhưng các con bà Thành cũng chỉ cho hai người “đứng ở vòng ngoài”. Không ai được vào trong nhà dù thân thiết đến đâu, ấy là nguyên tắc của gia đình kỳ quái này.
Với mong muốn được vào tận nhà xem cuộc sống của gia đình bà Thành ra sao, bà Dung đã nhận lời đưa chúng tôi đi. Trước khi quyết định bước chân vào “khu vườn kỳ bí” này, như đã nói, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều cảnh báo từ những người dân trong vùng.
Có người bảo, bà Thành đã cho xây dựng hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt bao quanh vườn. Ngoài ra, các thành viên trong nhà bà Thành thường xuyên trốn trong các lùm cây nghe ngóng. Nếu có ai đột nhập vào khu vườn nhà mình, họ lập tức xuất hiện với dao, gậy trên tay…
Bởi sự nguy hiểm có thể đến mọi lúc, mọi nơi nên khi biết chúng tôi vào nhà bà Thành, bà Bùi Thị Mười – Bí thư huyện Thạch Thành đã 3 lần gọi điện cho phóng viên để dặn dò: “Các anh phải hết sức cẩn thận, phải thấy thật an toàn rồi mới được vào. Nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng tuyệt đối không được vào trong đó”.
Lo sợ bất trắc có thể xẩy ra, bà Mười đã chỉ đạo công an xã Thành Vân và đích thân Chủ tịch UBND xã – ông Lê Văn Dũng hỗ trợ phóng viên. Ngoài ra, một số cán bộ trạm quản lý và bảo vệ rừng Thành Vân cũng được “điều động” đi cùng để “yểm trợ” phía sau.
Cuối chiều, trời thâm u, khu vườn nhà bà Thành càng thêm phần lạnh lẽo. Trước khi quyết định đặt chân vào vườn từ ruộng mía bên cạnh, cả đoàn đã cố tình nói chuyện huyên náo như cố tình cho các thành viên trong nhà bà Thành nghe tiếng. Không những thế bà Dung còn cất tiếng gọi. Gọi hết tên các thành viên trong nhà nhưng đáp lại chỉ là tiếng lá cây xào xạc.
Không thấy ai trả lời, nhưng bà Dung vẫn quyết định dẫn chúng tôi vào nhà bà Thành bằng lối ngõ chính. Lối này tuy xa nhưng ít cây cối hơn.
“Chị Thành ơi, em Dung, em vào thăm chị đây”, vừa đi bà Dung vừa lớn tiếng gọi như muốn để các thành viên trong nhà bà Thành biết là người quen đến. “Người lạ đến thì chẳng biết thế nào đâu!”.
Giáp mặt “lính canh vườn” ăn mặc kỳ dị
Càng vào sâu trong ngõ cảnh vật càng thêm phần u tịch. Muỗi như vãi trấu, o o bên tai. Bất cứ tiếng động nào ở những khóm cây, bụi cỏ gần đó cũng khiến chúng tôi giật mình thon thót. Khi đoàn đến gần ngôi nhà tranh nhỏ xíu đầu tiên trong tổng cộng 8 căn nhà, đang mải ngó nghiêng thì bỗng tiếng thét “dừng lại” làm cả đoàn giật nảy.
Ngay sau tiếng quát ấy, một bóng người từ trong lùm cây lúp xúp gần đó thình lình bước ra, chặn ngang lối đi. Nhìn cách ăn mặc kỳ lạ của người ấy, kẻ yếu tim có lẽ sẽ chết ngất.
Người ấy đội chiếc nón tự làm bằng bạt, che gần kín mặt, nghe giọng ồm ồm, chúng tôi không thể nhận biết là nữ hay nam. Tuy nhiên, sững lại một hồi, bà Dung nhận ra đó là Thanh, con gái đầu của bà Thành.
Khác với những gì chúng tôi hình dung, ngoài bộ dạng rách rưới và đội chiếc nón lụp xụp khác thường, cùng màu da xám xịt do sống trong bóng tối nhiều năm, Thanh ăn nói có đầu có cuối. Thanh xưng cháu, gọi bà Dung bằng dì rất lễ phép. Tuy nhiên, khi bà Dung định bước thêm thì Thanh nghiêm giọng: “Chưa có lệnh, không ai được vào!”.
Dù bà Dung ra sức thuyết phục nhưng Thanh cương quyết không cho ai bước qua dây sắt chặn ngang lối vào khu vườn bên trong. Khi trong đoàn có người định rướn vào thì Thanh giơ cây gậy trên tay ra chặn lại hệt như người lính gác ngày xưa canh chừng cửa quan.
“Mẹ cháu đâu rồi, dì muốn gặp mẹ cháu, lâu lắm rồi dì chưa thấy mặt, cho dì vào nhé, chỉ một mình dì thôi!”, bà Dung khẩn thiết. Tuy nhiên, trước sự van nài của bà Dung, mặt Thanh vẫn chẳng hề biến sắc. “Không, chưa có lệnh thì không ai được vào, kể cả dì. Ở đâu cũng phải có phép tắc, dì không vào được đâu!”, Thanh nói chắc nịch.
Biết không thay đổi được tình hình, bà Dung đã lớn tiếng gọi tên bà Thành. Như những lần trước, tiếng gọi ấy chìm vào thinh không. Như đã nói, từ sau cái chết bí ẩn của Tâm, con trai thứ hai của bà Thành thì đã có nhiều lời đồn thổi về sự sống chết của các thành viên trong gia đình kỳ quái này. Bởi thế, khi không vào được nhà, gọi không thấy ai thưa, trong đoàn chúng tôi đã dấy lên nghi vấn có lẽ nào chuyện tồi tệ năm xưa lại lặp với gia đình bí ẩn này?
(Còn nữa)