Giải mã LỜI NGUYỀN ngôi chùa cổ không có vị sư nào ở được tại Nam Định

Chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định là một ngôi chùa bề thế, có niên đại đến vài trăm năm, ở miền Bắc thì đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất. Thế nhưng trong vài thế kỷ qua, lại chẳng có vị sư nào có thể ở lại đây.

Chuyện rằng, khi thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân chúng nơi đây không mấy mặn mà chuyện khói nhang nên Đức Thánh Tổ nổi giận. Trong một đêm mưa gió bão bùng, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, cho tất cả tượng Phật vào đó, rồi ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình.

Chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định có niên đại hàng trăm năm

Đến giữa sông, ngài ngoảnh cổ lại và nói một lời nguyền rằng sẽ không có vị sư nào đến ở ngôi chùa trên. Câu nói ấy cứ tồn tại theo miệng nhân thế cho đến bây giờ, nó làm cho ngôi chùa càng tăng thêm tính dã sử.

Thế nhưng có một sự thật kèm theo là sau này, vị sư nào, chủ trì nào đến ở cũng sinh bệnh tật, có vị chết bất đắc kỳ tử, có người sợ “lời nguyền” nên sớm bỏ đi. Cho đến bây giờ cũng chẳng sư nào ở ngôi chùa này, làm cho tích chuyện thêm phần kỳ bí.

Gác chuông trong chùa

Ngôi chùa bề thế đó, có độ tuổi đến vài trăm năm, rêu phong và cổ kính nhất nhì miền Bắc, thế nhưng lại không có bóng dáng của áo thâm. Chùa không có sư ở, có vẻ lạ ở trên đời ấy là chùa Keo Hành Thiện, thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định. Bây giờ, rất nhiều người đến đây thăm quan, có cả các nhà khoa học trong và ngoài nước, họ đến đây mong được lễ thánh thì ít mà tìm hiểu thực hư lời nguyền huyền thoại thì nhiều hơn.

Trong ngôi chùa không sư ấy lại có một người làm thủ từ đã trải qua hơn 20 đời cha truyền con nối làm việc không công để trông nom chùa, bây giờ công việc của ông lại thêm khâu tiếp những vị khách du lịch hiếu kỳ.

Chúng tôi đến thăm chùa không sư vào tờ mờ sáng, khi chưa có khách hành hương. Nhìn ngắm ngôi chùa trong sương sớm, lại ngược thời gian nghe huyền thoại, chợt xao lòng. Ông Thủ từ từ trong xóm nhỏ đi ra, chậm rãi mở cánh cửa lim nặng nề. Một không gian chùa qua 400 năm đang được “cách ly” với bên ngoài bỗng vỡ òa trong chốc lát, tượng Phật, màu ngói rệu rã rêu phong như làm sửng sốt cho những người lạ đến đây.

Như đoán biết thắc mắc của chúng tôi, ông Thủ từ nói: “Kể từ khi ngôi chùa này có mặt trên doi đất hình con cá chép này thì tổ tiên nhà ông là những Thủ từ di truyền từ đời này qua đời khác, nhưng khi có việc làng, trùng tu hay lễ hội thì ông lại bàn giao cho làng sử dụng. Lúc hội làng sắp mở, làng bắt đầu cắt cử đội bảo vệ chùa, chọn ông chủ lễ phải là người “đức cao vọng trọng”, chưa có tì vết gì trong đời sống.

Thường người được chọn là bậc cao niên, hai ông bà còn song toàn, phải thượng thọ, được ăn yến lão. Khi hội làng vừa xong, lại bàn giao ngôi chùa này cho ông Thủ từ. Nên mọi lịch sử, biến đổi của chùa đều do Thủ từ ghi chép lại trong cuốn “Hành thiện xã chí”.

Ông Thủ từ cho biết thêm: “Từ ngày tôi lớn lên đã thế! Bố tôi kế nghiệp của ông tôi, ông tôi kế nghiệp của cố… đã qua 20 đời nhà tôi làm nghề Thủ từ. Ngay khi sinh ra, truyền thống gia đình phải được giao dự cặn kẽ về Phật giáo cũng như đạo đức, nên trong làng, ai ai cũng kính trọng họ nhà tôi. Và đến đời tôi, cũng như các bậc tiền bối đi trước, phải ghi chép đầy đủ mọi cái diễn ra. Nên cũng từ đó, ngôi chùa có bao nhiêu bí mật đều nằm trong cuốn “Hành thiện xã chí” cả, nhưng số người được tiếp cận tính đến nay thì rất hiếm”.

Trong suốt mấy thế kỷ, không có vị sư nào ở lại được ngôi chùa này

Trong cuốn “Hành thiện xã chí” còn ghi, cách đây mấy trăm năm, chùa đã từng có rất nhiều vị sư hành khất đến, ở được một thời gian, thấy trong người khó ở, lại khăn gói ra từ bởi nhiều điều không ngộ ra giáo lý, trong người có một cái gì đó rối rắm như tờ vò mà ra đi không giải thích được.

Còn qua ông Thủ từ cho biết: “Cách đây vài năm, có một vị sư khăn gói từ Thái Bình lên, quyết tâm xin ở lại tu đạo và cũng là nghiên cứu, hóa giải lời nguyền nhưng rồi cũng phải ra đi. Lúc đó, ông bảo tôi là bị nhức đầu, suy nhược thần kinh, không đủ khả năng để tịnh cái tam, phải đi mới yên ổn”(?).

Trong quá trính tìm hiểu về chùa không sư, chúng tôi đã tiếp xúc nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tư liệu, sách báo về ngôi chùa này. Trong cuốn “Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục yếu tập” có ghi, chùa Hành Thiện do thánh Không Lộ Thiền sư (1016- 1094) xây cất mà nên.

Thiền sư Không Lộ xuất thân trong một gia đình họ Dương, làm ngề ngư phủ, lớn lên ông xuất gia theo thiền sư Lôi Hà Trạch. Truyền thuyết còn kể lại rằng, khi viên tịch, ông hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên khúc gỗ trầm hương biến thành tượng.

Thánh tượng này còn được lưu giữ trong hậu cung, quanh năm khóa kín cửa, không cho ai được thấy dung nhan của ngài. Cứ phải qua 12 năm, một chủ lễ và 4 viên chấp sự được cử để làm lễ trang hoàng tượng thánh. Nên rất nhiều du khách đến chùa muốn xem “mặt ngài” cũng phải đợi 12 năm mới có dịp (?).

Nghiên cứu thêm về lịch sử của chùa: Chùa Hành Thiện mang dấu tích của chùa Keo ở làng Dũng Nhân, Giao Thủy, Nam Định. Vì năm 1061, Không Lộ Thiền sư dựng chùa Nghiêm Quang bên hữu ngạn sông Hồng, theo thời gian, chùa bị nước làm cho sói mòn.

Đến 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi tất cả các dấu tích của ngôi chùa. Dân làng Keo phải rời bỏ quê cha đất tổ, một lần nữa vượt sông đến định cư ở phía Đông Bắc tả ngặn sông Hồng (Về sau, dựng nên chùa Keo Thái Bình). Còn một phần xuống Xuân Trường, Nam Định, dựng chùa Hành Thiện và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Tuy nhiên còn có biết bao nhiêu điều kỳ bí mà du khách, người dân muốn biết về ngôi chùa không sư. Nhất là hiện tượng vì sao ngôi chùa có quy mô lớn, lịch sử lâu đời, quang cảnh rất rêu phong vậy mà lại không có sư sãi trú ngụ.

Chúng tôi cũng đã tìm hỏi khắp nơi, cố gắng vén một chút về bức màn bí ẩn này, thế nhưng đến nay cũng chỉ biết được về lịch sử ngôi chùa: Vì song hành cùng chùa Keo Thái Bình, chùa Hành Thiện ít được người ta khai thác về mặt tâm linh cũng như truyền giáo lý nhà phật, ấy vậy nên đến nay chỉ dùng vào hoạt động du lịch nhiều hơn là truyền đạo.

Chùa là một trong hai ngôi chùa gắn với tên tuổi của nhà sư Không Lộ. Ông có công truyền bá rộng rãi đạo Phật trong dân gian. Khởi nguồn về mô hình của Chùa Hành Thiện được tính từ hồi 1062, người ta di dân đến xây mô hình chùa ở làng Dũng Nhuệ – Giao Thủy. Sau đó về đất Hành Thiện vào năm 1588, sang Thái Bình năm 1611.

Về mặt quy mô chùa Keo Thái Bình lớn hơn chùa Keo Hành Thiện, bề thế hơn nhưng cấu trúc lại sao chép nhau hầu như nguyên vẹn. Cả hai chùa đều dựng bằng gỗ lim, kết với nhau bằng mộng tre, mộng vược và mang cấu trức thời Tiền Lê, thời kỳ Phật giáo phát triển thịnh vượng nhất ở nước ta.

Còn về vấn đề sao các sư không sống được ở chùa, trong một số sách, trong đó có cuốn “Hành Thiện xã chí” của gia tộc Thủ từ cũng có đề cập đến: “Có thể, do không quen với thổ nhưỡng, chướng khí… Mà cụ thể là cơ địa con người, nhà sư đạo cao cũng là người, thì không hợp chất đất, nguồn nước… là phải, sinh ra ốm đau, bệnh tật, ở lâu có sư bị “viên tịch”. Như vậy, mới có chuyện sinh ra các sư đến lưu trú, hành đạo, tu đạo trong chùa sẽ bị ốm, bệnh, chết… rồi bỏ đi chăng? Về cơ sở lý thuyết này, đến nay vẫn chưa có nhà khoa học, tổ chức nào nghiên cứu cụ thể, sát với thực tế, vẫn đề “lời nguyền” trong truyền thuyết làm cho câu chuyện về “chùa không sư” thêm phần huyền bí.

Dẫu chùa không sư, không vãi, không tiếng mõ vang âm nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại với thời gian. Du khách đến đây vẫn tìm thấy những giá trị lịch sử văn hóa của một công trình kiến trúc Phật giáo lâu đời.

ST.