Lý giải chuyện “1 ma có 3 hồn“ và “3 hồn 7 vía, 3 hồn 9 vía”
Tại sao người chết lại được gọi là ma và tổ chức đám ma, đưa ma ? Ma có bao nhiêu loại và biểu hiện ra sao? Tại sao một ma có ba hồn? Vì sao có câu ” 3 hồn 7 vía, 3 hồn 9 vía” ?
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc LH Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết, theo quan niệm dân gian về phong tục tập quán, khi người chết có phần tinh thần (không nhìn thấy bằng mắt thường) thoát ra khỏi xác, được gọi là vong hồn, thần thức hay còn gọi là ma. Quan niệm cho rằng, phần hồn của người chết vẫn lẩn quất quanh người sống đã có từ xa xưa và nó đã mang tới niềm an ủi cho nhiều người. Họ cho rằng, những người thân yêu đã qua đời vẫn luôn dõi theo hoặc bên cạnh chúng ta trong các thời điểm nguy nan.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người tin vào ma do trải nghiệm của chính bản thân hoặc họ đã “nhìn thấy” hoặc cảm nhận thấy một số tồn tại không lý giải được.
ThS Vũ Đức Huynh, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, tác giả cuốn sách “Con người với Tâm linh” phân tích, ma là quá trình chuyển dạng thức con người sang dạng thức vong hồn (hồn ma theo cách gọi dân gian). Theo tri thức tâm linh huyền bí, sự chết của con người ở cõi trần là bước vào con đường chuyển tiếp đến một cuộc sống ở nơi khác trong bao la. Tức là, con người chết không phải là hết, là biến mất vĩnh viễn.
Người chết thực sự chỉ là mất phần xác. Phần xác là thân vật lý có các cấu tố vật lý từ các nguyên tố hóa học tự nhiên chuyển đổi thành các nguyên tố sinh học từ các nguồn thực phẩm mà con người hấp thu qua sinh thực, qua hít thở không khí và qua uống nước để hình thành và phát triển. Phần xác tuân thủ quy luật phong thủy ngũ hành: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Khi con người chết thực, phần xác sẽ bắt đầu quá trình tan rữa dần cùng với thời gian nhanh hay chóng tùy thuộc vào cách an táng như địa táng, thiên táng, hỏa táng, thủy táng, hung táng có ướp xác và không ướp xác, đắp cốt (bọc xác làm tượng) và phụ thuộc vào nơi và môi trường an táng. Các cấu tố của phần xác lại trở về các nguyên tố hóa học tức “hoàn nguyên” theo quy luật của tuần hoàn.
Phần hồn, khi con người chết sẽ không bị tan rữa, nó tách khỏi phần xác bay lên không gian của cõi trần. Phần hồn thực tế lúc này vẫn là “con người”, chỉ không có phần xác và “con người” ấy chưa ý thức được mình vừa chết. Ở không gian cõi trần, trong khoảng thời gian ngắn ngủi (tối đa 72 giờ), phần hồn hay còn gọi là ma vẫn là con người tàng hình. Họ còn nhận biết mọi thứ thực ở cõi trần và cũng nhận thấy vài hiện tượng của cõi khác đang cùng tồn tại trong khoảng không gian này. Ở thời khắc này, họ có hai con đường.
Một là có thể hồi sinh trở lại kiếp người ngay với chính phần xác của mình chưa bắt đầu phân hủy nhờ có các tương tác bổ trợ mạnh mẽ do cơ duyên nào đó của môi trường không gian tác động thúc đẩy, phần hồn có thể nhập lại và con người thực sống lại. Nếu không, họ sẽ bước vào giai đoạn chuyển dạng thức thành vong hồn – chết hẳn.
Tại sao “1 ma có 3 hồn” ?
Nhiều người thắc mắc, trong mỗi con người chỉ có một phần hồn và phần xác, nhưng trong các đám ma người ta lại gọi ba hồn?
Theo ThS Vũ Đức Huynh, dân gian quan niệm từ lâu là “ba hồn” chính là do phần hồn có ba cấu tố cơ bản là: thành tố thần thức, thành tố vía và thành tố phách. Phần hồn gồm các hạt điện năng sinh học âm và dương liên kết với nhau thành mạng lưới có thể co lại và dãn rộng ra tùy trường hợp hay có thể móc thêm vào các mắt lưới mới vẫn theo nguyên dạng mẫu đã được định hình từ khi lọt vào “cửa sinh” của người phụ nữ để hình thành sinh linh mới khi có điều kiện âm (vợ), dương (chồng), giao hòa thuận hợp
Ba thành tố cơ bản của phần hồn được sắp xếp theo dạng mạng hạt vòng đứng lần lượt như sau. Thành tố vía gồm hạt điện sinh học âm và dương, có 2 phần và ở ngoài cùng; phần mạng vòng các hạt điện sinh học ở phía trong vòng thần thức. Và phần mạng vòng các hạt điện sinh học có dương ở ngoài giáp “vòng trường sinh âm tính” ở bên ngoài bao quanh cơ thể cấu tạo vòng vía là hoàn hảo vì có cả âm dương nên cấu tố vía tương đối độc lập. Nó có thể uyển chuyển tạm thời tách được khỏi phần hồn, hay tương tác dễ dàng với các sóng mang thông tin có tràn ngập bên ngoài cơ thể và trong bao la.
Thành tố thần thức chỉ gồm các hạt điện năng lượng sinh học dương liên kết với nhau thành mạng lưới vòng đứng sát vòng mạng điện tích âm của thành tố vía bên trong. Đây là thành tố trọng yếu mang chức năng “nhạc trưởng“ của phần hồn, có trọng trách dịch mã thông tin từ bên ngoài thu nhận được, nơi hình thành mọi ý tưởng và điều hành các hoạt động nhịp nhàng, cũng là nơi lưu giữ nhiều nhất các ký ức chung và riêng với hai thành tố vía và phách. Đặc biệt, nó liên thông chặt chẽ với vía và phách để tạo mọi sự hài hòa đồng bộ trong các hoạt động của con người sống.
Thành tố phách gồm toàn các hạt điện sinh học âm với cấu tạo mạng lưới vòng đứng theo chiều dài cơ thể nằm ở trong cùng. Nó nặng nhất và mang nhiều ký ức bản ngã dục vọng của con người vì nó điều hành chủ yếu mảng này.
Vì sao có câu ” 3 hồn 7 vía, 3 hồn 9 vía”?
Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành 3 hồn 7 vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành 3 hồn 9 vía.
Hồn và phách là khái niệm của Trung Quốc, đặc biệt là của Đạo giáo. Trung Quốc gọi là hồn và phách thì Việt Nam gọi là hồn và vía.
Đạo giáo quan niệm có tam hồn và thất phách. Tam hồn (ba hồn) là: Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh. Thất phách (bảy vía) là: Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, và Xú Phế .
Tuy nhiên, khái niệm hồn – phách không có ý nghĩa xác định chung chung mà khái niệm này phải được xác định trong một ngữ cảnh cụ thể.
Người Việt Nam có lẽ cho rằng thân thể người nam có bảy lỗ (thất khiếu), thân thể người nữ có chín lỗ (cửu khiếu) nên đã phát triển quan niệm rằng nam có ba hồn bảy vía, nữ có ba hồn chín vía (tương ứng với bảy lỗ và chín lỗ). Tuy nhiên, theo Trung Quốc thì nam cũng như nữ, chỉ có ba hồn và bảy phách (vía) mà thôi.
Ba hồn gồm: Sinh hồn-phần đem lại nguồn lực sống, tạo tư duy, tư tưởng, hành động cho thể xác; Giác hồn-phần giúp cơ thể nhận biết, cảm thụ, phản ứng trong môi trường sống; Linh hồn-phần quan trọng nhất, thâm sâu, linh diệu nhất trong thế giới tâm linh của con người. Theo một số tín ngưỡng, chịu ” kiếp luân hồi”, chính là phần hồn này.
Bảy vía : Theo sách cổ Xuân Vũ Dật Thưởng chép rằng, người ta mới sinh sống được 7 ngày gọi là Lạp (hay còn gọi là Cữ) sinh ra 1 vía. Đủ 7 vía thành người (49 ngày). Đủ 100 ngày thành 1 tuổi. Bé trai đủ 7 ngày, gái 9 ngày gọi là đầy cữ.
Trong sách Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn cũng viết: ” Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng Thuần Dưỡng Bà. Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày thì làm lễ cáo gia tiên, yến tiệc linh đình…”
Vì thế, khi chết, sau 7 ngày là 1 ky tang, mất đi 1 vía. Bảy lần cúng ky tang thì cúng Tuần chung thất-hết vía: 49 ngày. 100 ngày cúng Tốt khóc (thôi khóc).
Thuyết nhà Phật thì nói: vong hồn người quá cố phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày sau đó hồn mới được siêu thoát.
Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ, dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tùy theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh mà tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về…