Cha mẹ vì con cái mà làm trâu làm ngựa, nhưng…lại đang làm hại con mình mà không hề hay biết !?

Cha mẹ vẫn thường vì con cái mà “làm trâu làm ngựa” nhưng cuối cùng lại là đang làm hại chúng. Không kể bạn đã làm cha mẹ hay chưa, đều nên đọc thử bài viết này…

Cha mẹ quá nuông chiều con chính là đang làm hại chúng. (Ảnh: Internet)

Câu chuyện thứ nhất

Cha mẹ K kinh doanh tiệm mì, làm ăn cũng khá. Nhìn thấy con trai tốt nghiệp đại học, sau khi trở về, không tìm được công việc tốt gì, nên đề nghị với anh: “Mở quán ăn cũng dễ kiếm tiền, con hãy lấy tiệm mì có sẵn của nhà ta mở một quán điểm tâm sáng đi”.

Cậu con trai chê tiệm mì cũ kỹ, trang trí không được đẹp mắt, cho rằng cửa tiệm của người trẻ tuổi mở cần phải có phong cách riêng. Hai vợ chồng già vì tiền đồ của con trai, đã bỏ ra một món tiền thuê một cửa hàng bán điểm tâm sáng cho con ở gần đó.

Cậu con trai vì để trang trí cửa tiệm đã tốn hơn tỷ đồng, phí trang trí cũng do hai vợ chồng già chi trả. Không đến ba tháng, cậu con trai đã lớn tiếng than “không thể làm tiếp được nữa“. Mở quán điểm tâm cần phải dậy trước 4 giờ sáng, anh thường cùng với bạn bè đến hộp đêm, buổi sáng căn bản không thể dậy sớm mở tiệm được. Bởi làm ăn bữa đực bữa cái, nên không thể giữ được nhiều khách quen, anh đau đớn muốn đóng cửa tiệm.

Cha mẹ không nỡ để cho bao nhiêu mồ hôi tiền bạc bỏ ra đều đổ sông đổ biển, nên hai người sáng sớm dậy bán đồ ăn sáng thay con, buổi trưa và buổi tối còn phải nấu mì. Được một thời gian người cha già đã phải nhập viện vì lao lực quá độ, cuối cùng đành phải nén nỗi đau mà đóng cửa tiệm.

Con trai nói rằng anh muốn làm công việc tự do hơn, hai ông bà lại tậu một chiếc xe taxi. Sau khi lái xe được nửa năm, chỉ đổi lại một chồng giấy phạt chưa đóng tiền, ngay cả xe cũng không còn. Nguyên do là vì cậu con trai trong khi chờ đợi sắp xếp ca làm, đã học dự đoán với các tài xế khác. Đánh thắng thì tự cảm thấy không cần phải đi đón khách, đánh thua thì lại không có tâm trạng lái xe, cuối cùng chiếc xe cũng phải đem đi thế chấp.

Hai vợ chồng cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi trong nước mắt: “Chúng tôi trước đây rất khổ, mong sao sau này nó có được một cuộc sống thoải mái hơn một chút, vậy nên đã cố gắng để cho nó được ăn học nhiều một chút, vợ chồng chúng tôi cũng cố gắng trải thảm cho nó trên con đường sự nghiệp, nhưng sao nó lại biến thành như vậy chứ?”.

Câu chuyện thứ hai

Ông T, thân là giám đốc của ngân hàng, sau khi con gái tốt nghiệp đại học, đã dùng thân phận của mình sắp xếp cho cô con gái làm chuyên viên quản lý tài vụ. Con gái sau khi làm ở công ty, mỗi ngày đều thích chưng diện, nghiện đi vào các cửa hàng mua sắm thời thượng, ông T lấy đó làm niềm kiêu hãnh. Ông cho rằng, con gái trong nhà, mua sắm thêm chút đồ hiệu thì có sao đâu!

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Nhưng một ngày kia, trong lúc hiếu kỳ ông đã lén mở thẻ thanh toán tín dụng của con gái, và rồi ông gần như chết lặng khi phát hiện số tiền con gái nợ ngân hàng lên đến cả chục tỷ đồng. Cái đầu của một doanh nhân nhạy bén như ông đã thử làm phép tính, làm sao có thể như vậy được, lợi tức tuần hoàn của thẻ tín dụng có lãi suất rất cao.

Hỏi kỹ con gái, mới phát hiện thẻ mà ông nhìn thấy mới chỉ là một trong số 5 thẻ khác nữa. Thiếu nợ tổng cộng đến cả 60 tỷ đồng.

Ông nói với con gái: “Ba sẽ giúp con trả trước, vậy thì mỗi tháng con cần phải trích tiền lương trả cho ba, hơn nữa còn cần phải bù thêm lợi tức với lãi suất thấp nhất do ngân hàng công bố”. Ông nghĩ, như vậy hẳn là “nhất tiễn hạ song điêu” rồi.

Không lâu sau ông lại phát hiện, con gái liên tục làm cháy ba thẻ tín dụng nữa, ông than rằng mình sớm muộn cũng sẽ bị thói mua sắm hàng hiệu của con gái chọc cho phát điên.

Rất nhiều bậc cha mẹ từ nhỏ đã phải sống trong hoàn cảnh cực khổ, vậy nên hy vọng có thể cung cấp cho con cái hết thảy những gì tốt nhất về mặt vật chất, suy nghĩ cho tương lai của chúng, tuy nhiên, lại dưỡng dục chúng thành những kẻ ăn bám. Đây đã là một vấn đề rất phổ biến ở phần lớn các nước như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan.

Wendy Mogel, một nhà tâm lý học người Mỹ đã nói: “Các bậc phụ huynh nhất mực mong muốn con cái mình hơn hẳn những đứa trẻ khác, nhưng lại không dạy cho chúng biết trở thành những đứa trẻ tốt như thế nào, kết quả những đứa trẻ này đều bị chiều hư. Chúng rất coi trọng cảm giác của mình, nhưng lại tỏ ra lạnh lùng vô cảm đối với cảm nhận của người khác“.

Một nhà tâm lý học khác cũng từng nói: “Những tổn thương do cưng chiều quá độ và yêu cầu hoàn hảo đối với con cái cũng chẳng khác gì ngược đãi tinh thần, mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho chúng”.

Các bậc cha mẹ làm trâu làm ngựa, thật sự cần phải suy nghĩ lý trí một chút

Điều gì nên giúp, điều gì không nên, cuộc đời mỗi người không ai thay đổi được. Khi chúng làm việc sai lầm, nếu như có biện pháp nhẫn nhịn, tạm thời khoanh tay đứng nhìn, chứ không phải là vội vàng bước ra giúp đỡ hay đánh chửi trách phạt, thì có lẽ cuộc đời của chúng sẽ tăng thêm phần dẻo dai hơn.

Trong quá trình phấn đấu tự lực cánh sinh, chúng sẽ học được rằng “cho đi” cũng mang lại một cảm giác vui sướng giống như “có được” vậy.

Chỉ có cuộc đời do chính mình theo đuổi, mới là cuộc đời của bản thân mình. Bàn tay của cha mẹ, chỉ là cánh tay hỗ trợ nhất thời mà thôi. Những người có tuổi thường hay nói, chúng ta cần phải hướng lòng bàn tay xuống dưới, chứ không phải hướng lên trên. Hạnh phúc là cho đi chứ không phải là nhận lại, giáo dục con cái cũng là như vậy.

Theo Tinhhoa