Cảm phục người cha tật nguyền kém thông minh đi dọn rác kiếm tiền chữa bệnh cho con: ” Ông ấy là người cha tuyệt vời!”
Người đàn ông ấy bị tàn tật, đầu óc không minh mẫn nhưng hàng ngày vẫn dọn rác kiếm thêm thu nhập, chắt bóp từng đồng để chữa bệnh cho đứa con đang điều trị viêm não.
Trường hợp đáng thương trên là em Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1996, trú tại Cụm 3, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Nhìn cảnh chị Lành chăm sóc con điều trị tại Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương – cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội, nhiều người không khỏi xót xa khi thấy một nữ sinh trẻ, lòng đầy nhiệt huyết đang hàng ngày phải gồng mình chống lại căn bệnh u não.
Giọng nói yếu ớt, lúc được, lúc không của Hiền khiến cả phòng bệnh ai cũng nghẹn lòng: “Giờ em muốn quay lại trường để học thôi, chỉ còn một năm nữa là ra trường rồi”,Hiền tâm sự.
Ước muốn nhỏ bé là vậy mà giờ đây lại quá khó đối với cô nữ sinh này. Hỏi ra mới biết, từ trước khi mắc bệnh Hiền đã có những dự định, ấp ủ trong tương lai. Trong đó điều đau đáu nhất của Hiền là cậu em trai Nguyễn Hùng Mạnh hiện vẫn đang tuổi ăn, tuổi học mà bố mẹ thì đã già yếu. Bây giờ Hiền là chỗ dựa cả về vật chất, lẫn tinh thần cho em trai noi theo.
Chị Lành cho biết, sau khi học xong năm thứ 3, Hiền không về quê mà ở lại Hà Nội làm gia sư và kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Khoảng thời gian hè, Hiền bỗng nhiên bị sốt, đau đầu nên trở về quê. Cứ nghĩ con ốm đơn thuần, gia đình cho đi viện ở huyện điều trị, nhưng bệnh tình ngày càng nặng thêm.
Sau đó, Hiền được chuyển lên điều trị tại bệnh viện Đa khoa thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhiên, với tình trạng bệnh diễn biến xấu đi, các bác sĩ đã chuyển Hiền xuống điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bác sĩ kết luận, Hiền bị viêm não, phải ở lại viện điều trị lâu dài mới có thể hồi phục.
Chị Lành cho biết: “Bác sĩ nói cháu vẫn có khả năng hồi phục, nhưng phải điều trị lâu dài. Để lo tiền viện phí cho cháu gia đình tôi đã chạy vạy khắp nơi, vay mượn người thân. Bố cháu bị tàn tật, đầu óc không minh mẫn nhưng hàng ngày vẫn làm công việc dọn tại rác các ngõ ngách trong thôn, chắt bóp từng đồng tiền công gửi xuống lo viện phí cho con”, chị Lành kể.
Nhìn con gái với mái tóc bị cắt ngắn, nằm bất động trên giường, chị Lành hồi tưởng ước nguyện của con trong nước mắt: “Cháu bảo nhà nghèo, bố lại tàn tật nên phải cố gắng học để thành người, bù đắp công lao sinh thành, nuôi nấng của bố mẹ. Khi chỉ còn một năm nữa là ra trường thì nào ngờ bệnh tật ập đến. Nhiều đêm trông con, tôi chỉ biết khóc vì thương con…Có lẽ giấc mơ của con cũng dần khép lại tại đây”.
“Từ khi cháu bị bệnh, chỉ có một mình tôi ở viện chăm sóc. Thậm chí, đã hơn 2 tháng rồi tôi vẫn chưa được về nhà lần nào. Bố cháu ở nhà, mỗi lần gọi điện thoại về rất hay xúc động, nghe tiếng con gái khóc bố cháu và con trai út lại khóc theo. Bởi vậy, mọi sinh hoạt từ việc mua đồ ăn, bế bồng cháu đi vệ sinh đều một tay tôi lo hết. Những lúc túng thiếu muốn đi làm thêm cái gì đó để kiếm tiền, muốn về nhà nhưng lại không nỡ để con một mình”, chị Lành chia sẻ.
Nói về hoàn cảnh gia đình chị Lành cho biết, hai vợ chồng có hai người con, Hiền là con đầu, cháu trai thứ hai đang học trung học phổ thông và phải phụng dưỡng hai ông bà tuổi đã cao, bệnh tật triền miên tại quê nhà.
“Gia đình hiện đã phải vay mượn hơn 100 triệu để lo cho các cháu. Dù khó khăn, con gái đang đau ốm, nhưng tôi không nỡ để cháu thứ hai phải phải nghỉ học vì cháu rất ham học. Hơn nữa đó là tương lai của cháu. Thôi đành cố gắng vay mượn, chữa bệnh cho con, lo cho các con ăn học, sau này về làm trả nợ dần”,chị Lành ngậm ngùi nói.
Theo thethaovanhoa.vn