Chàng trai trẻ tâm phục khẩu phục khi nghe lời Phật dạy, đừng cố ý gây khó dễ Đức Phật
Chàng trai trẻ với tâm cầu Phật nhưng đầy nghi hoặc, lại cố ý gây khó dễ với Đức Phật. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Phật khiến anh phải tâm phục khẩu phục không nói nên lời.
Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài không ngừng đi đến các nơi giáo hóa chúng sinh. Có một khoảng thời gian Ngài đi đến vùng ngoại ô của thành Xá Vệ, xây một tòa tinh xá rất đơn giản ở đó. Những chàng trai trẻ có tâm hướng Phật đều tranh nhau đến nghe Ngài thuyết Pháp.
Thời đó, có một số người cho rằng: Tôn giáo truyền thống của Ấn Độ là Bà La Môn giáo cao quý, người dân cả nước đều nên thành tâm kính ngưỡng mới phải; bây giờ lại có thêm một Pháp môn khác, quả thật khiến người ta rất khó tiếp thụ.
Bắt nguồn từ tâm lý không phục trong tâm này, họ liền ôm giữ thái độ gây khó dễ, thường đưa ra một số câu hỏi để làm khó Đức Phật.
Một ngày nọ, có một chàng trai trẻ đến hỏi Đức Phật: “Điều con được học là số học, điều được dạy cũng là số học. Số học có công thức, cần phải dựa vào cách dạy quy củ để suy đoán. Xin hỏi Phật Đà, lúc mà Ngài dạy đệ tử phải chăng cũng là tuân theo thứ tự của ‘Đạo’ chăng?”.
Đức Phật trả lời: “Ta dạy dỗ đệ tử cũng là dựa theo nguyên tắc của ‘Đạo’, cũng theo quy tắc của ‘Lý’. Ví như, nếu như muốn thuần phục một con ngựa thì cần phải giống như một người thuần phục ngựa vậy. Cần phải huấn luyện cho ngựa biết được phương hướng chính xác, sau này ngựa đi đường mới đi đúng hướng được”.
Chàng trai trẻ lại hỏi rằng: “Cảnh giới Niết Bàn mà Ngài giảng, có thật là một nơi trở về tốt đẹp đến thế hay không? Còn nữa, những người xuất gia theo Ngài, tiếp nhận dạy bảo của Ngài, có ai đã đạt đến loại cảnh giới đó chưa? Có ai đã từng tiếp nhận lời dạy của Ngài mà vẫn không đạt đến cảnh giới Niết Bàn đó không?”.
Đức Phật trả lời: “Xác thực là có cảnh giới Niết Bàn, đây là một loại cảnh giới tĩnh lặng của tâm hồn, thể xác và tinh thần đều được giải thoát. Còn về việc có người đã đạt đến loại cảnh giới này hay không, ta tin rằng người nào dụng công tinh tấn thì nhất định có thể đạt đến được. Còn về những người mà chưa đạt đến thì đương nhiên cũng có; người mà không dụng tâm, biếng nhác không tinh tấn, đương nhiên không thể đạt đến loại cảnh giới này được!”.
Chàng trai trẻ liền nói: “Đức Thế tôn, Ngài là bậc thầy của cõi người và cõi trời, tại sao những người đi theo Ngài, có người thì có thể đạt đến được, có người thì lại không thể đây?”.
Đức Phật trả lời: “Chàng trai trẻ, ta hỏi cậu, ví như có người đến hỏi cậu: Con đường đến nước Xá Vệ phải đi như thế nào? Cậu chỉ dẫn cho anh ta một con đường đi đến nước Xá Vệ, nhưng nếu như người này đi sai đường và không thể nào đến được, thì cậu làm thế nào đây?”.
Chàng trai trẻ nói: “Anh ta đến hỏi đường, con đã tận tâm chỉ rõ phương hướng đường đi rồi. Nếu như anh ta không để tâm mà lại đi sang con đường khác, thì đó là do bản thân anh ta không dụng tâm. Con chỉ là một người chỉ dẫn, cũng không thể làm khác được”.
Đức Phật nói: “Đúng vậy! Cùng đạo lý này, ta cũng là tận tâm chỉ dẫn cho chúng đệ tử. Còn về họ có thể chuyên tâm lắng nghe, có thể ra sức thực hành đúng đắn trong ‘Đạo’ hay không, với bổn phận của mình, ta chỉ là một người chỉ đường trên con đường tu hành, một người hướng dẫn tu Phật mà thôi”.
Khi này, chàng trai trẻ kia mới yên lặng, thực sự tâm phục không còn biết nói thêm gì nữa.
Phải chăng, nhiều người trong chúng ta cũng giống như chàng trai trong câu chuyện trên, đều đang ngờ vực về một thế giới mà mắt mình không nhìn thấy được, tay không sờ tới được, để rồi từ đó mà chối bỏ sự tồn tại của Thần Phật.
Tuy nhiên, những cảnh giới thù thắng thiêng liêng, không phải là nơi mà con người trần tục với đầy rẫy những ham muốn và nghi ngờ mà có thể chứng kiến. Chỉ khi người ta bước đi trên con đường tu hành chân chính thì mới có thể cảm thấy được vậy!
Theo daikynguyenvn.com