10 thiện nghiệp Phật Thích Ca dạy, học theo để hưởng phúc báo
Phật Thích Ca hay Đức Phật là người sáng lập ra đạo Phật, lưu truyền nhiều bài thuyết giảng và để lại nhiều lời răn dạy cho ngàn đời. Thập đại thiện nghiệp mà Ngài đề ra được ghi chép trong kinh sách, là một trong những đạo lý cốt lõi của nhà Phật.
1. Không sát sinh mà từ tâm với người
Không giết hại sinh mệnh, đối xử bình đẳng, quý tiện ngang nhau, từ bi cứu thế. Chỉ cần là sinh mạng thì đều đáng quý như nhau, đều có Phật tính, nếu có thể dùng lòng nhân nghĩa, đối đãi từ tâm với nhau thì chuyện tranh đấu hận thù đều tan biến, không còn tranh chấp hãm hại. Đây là một trong những thiện nghiệp hàng đầu mà Phật Thích Ca luôn luôn hướng tới trong tất cả những bài giảng của mình. Đừng vì miếng ăn mà kết ác nghiệp, nếu có thể hãy ăn chay.
2. Không trộm cắp mà dùng lễ nghĩa
Lừa dối, ăn cắp, cướp đoạt, lấy đi vật không thuộc quyền sở hữu của mình sẽ nảy sinh dục vọng, vì lợi mà quên nghĩa. Biết lợi cho mình mà quên lợi của người khác chính là ác nghiệp. Làm người cần phải tiết kiệm hàng ngày, phụng dưỡng cha mẹ, duy trì gia đình, qua lại với bạn bè, không tranh đoạt của người khác thì ắt sẽ hạnh phúc.
3. Không tà dâm mà giữ lễ
Hành động tà dâm tức là ngoại tình, tư thông với người khác không phải bạn đời của mình, trêu ghẹo cưỡng đoạt người khác. Người phạm sắc dục sẽ mê muội, nảy sinh tham vọng, tạo thành nghiệp báo.
4. Không nói dối mà thành thực làm người
Chúng sinh lấy thành thật làm nguyên tắc, không nói lời dối trá gạt người. Nếu có thể làm được điều này thì khi chung sống với cha mẹ, anh em, bạn bè và tất cả mọi người đều xây dựng được sự tín nhiệm lẫn nhau.
5. Không hai lời mà kiềm chế thị phi
Đức Phật Thích Ca ngay từ những ngày đầu tiên sau khi hoàn thành chân tu, đi truyền giảng cho chúng đệ tử đã lưu ý tới việc không buông lời thị phi, không ly gián tình cảm của người khác. Họa từ miệng mà ra, khẩu nghiệp là nghiệp nặng có thể sinh tai bay vạ gió, buồn phiền nhiễu loạn, hại người.
6. Không ác khẩu mà ăn nói hiền hòa
Lời nói không có hình mà sắc hơn dao, làm người không nên dùng lời thô tục để hủy nhục người khác, không nguyền rủa bằng ngôn từ độc ác, không mắng người bằng từ ngữ khó nghe. Người phạm ác khẩu, kiếp sau nhận quả báo bị đầy làm súc sinh, đó là quy luật nhân quả vô cùng rõ ràng. Nên ăn hói hiền hòa, có thể tích đức hành thiện lại được người người kính yêu.
7. Không ăn nói khinh khi mà chừng mực có lễ
Lời chót lưỡi đầu môi, tùy tiện vô lễ, lời nói không đứng đắn, trêu đùa lung tung, nói cho vui miệng không chỉ vô ích đối với bản thân mà còn làm hại người khác, tạo thành nghiệp báo, chết dọa thành ác quỷ, tái sinh làm người thì vĩnh viễn hèn hạ.
8. Không tham lam mà từ tâm bố thí
Muốn thứ không phải của mình là tham – một trong ba nguyên nhân dẫn tới sự bất hạnh cùng với sân và si, Phật dạy về chữ tham, lòng tham và nỗi khổ vì tham. Người tham thì mờ mắt, làm ra những việc xấu xa đồi bại, vì tham mà sinh ra tất cả những ác nghiệp, diệt bỏ mọi thiện nghiệp. Thay vì tham, hãy mở lòng bố thí – đức hạnh cao nhất của Phật giáo. Người biết bố thí sẽ được hưởng phú quý, Phật Thích Ca khuyên chúng sinh nên từ bỏ lòng tham vị kỉ mà rộng lòng bố thí, cho đi để nhận lại.
9. Không nóng giận mà nhẫn nhịn tích phúc
Gặp chuyện không thuận dễ nóng giận, tâm hồn u ám, bạo phát tính khí, có thể dẫn tới tai sát. Bất luận làm bao nhiêu việc tốt nhưng chỉ một lần nóng nảy nhất thời cũng có thể tiêu tan tất cả, phát sinh đủ loại bất hạnh, những việc thiện công đức từng làm đều không còn. Ngược lại, lấy lòng khoan dung độ lượng, biết nhẫn nhịn, khống chế cơn nóng thì mới có thể hoàn thành đại sự.
10. Không ngu si mà trau dồi hiểu biết
Trong Phật giáo, vô minh là nguồn cơn của tất cả những sai lầm và tội lỗi, vì vô minh nên không biết thế nào là đúng thế nào là sai, không có trí tuệ nên không tin nhân quả, cố chấp lầm đường. Nếu có thể tiếp thu giáo dục Phật giáo, học hỏi để tăng cường trí tuệ và mở rộng tầm hiểu biết tự khắc sẽ hiểu lí lẽ làm người lương thiện.
10 thiện nghiệp Phật Thích Ca dạy không chỉ có giá trị về đạo mà còn có ý nghĩa với đời, con người dù không phải Phật tử đều nên tiếp thu và sửa mình theo những điều ấy. Trước hết là bản thân tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn; sau là lan tỏa tới những người xung quanh để xây dựng môi trường, cộng đồng, xã hội tích cực.
Theo Lịch ngày tốt