Xót cảnh: Cai thầu ôm tiền bỏ trốn, 60 công nhân nghèo khóc cạn nước mắt
Sau thời gian làm việc tại Công ty Cổ Phần Nam Việt Phát và bị cai thầu ôm tiền bỏ trốn, 60 công nhân xây dựng tại đây mất trắng lương, sống trong cảnh thiếu thốn cùng cực.
Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn: Người bị hại lên tiếng Phụ huynh đánh cô giáo gãy mũi rồi bỏ trốn Hà Nội: Cháy cực lớn, thiêu rụi hoàn toàn xưởng giày da ở Triều Khúc chỉ trong chốc lát
Công nhân khóc ròng
Ngày 3/3, nhóm công nhân lao động gồm 60 người thuộc Công ty Cổ Phần Nam Việt Phát (TP mới Bình Dương) gửi đơn đến VTC News tố cáo việc bị cai thầu thuộc công ty này ăn chặn tiền công, hiện đã bỏ trốn không liên lạc được.
Theo đó, nhóm công nhân lao động này thực hiện thi công công trình nhà trọ (tại khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) của Công ty Cổ Phần Nam Việt Phát, do ông Đặng Ngọc Hải – chỉ huy trưởng công trình giám sát kỹ thuật, cùng cai thầu Phạm Xuân Nam chịu trách nhiệm quản lý.
Cụ thể, khoảng đầu tháng 1/2018, nhóm công nhân này được ông Phạm Xuân Nam mời về làm việc và hứa trả lương 2 tuần/lần. Mức tiền công giao động từ 240 – 400.000 đồng/người/ngày tuỳ vào hiệu quả làm việc.
“2 tuần đầu, chúng tôi được ông Nam trả lương đầy đủ, tuy nhiên từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 7 chúng tôi làm việc nhưng không được trả một đồng lương nào.
Đến hỏi chuyện, ông Nam thông báo gộp lương đến 13h ngày 10/2/2018 (tức 25 Tết) sẽ quyết toán một lần để về quê ăn Tết.
Tuy nhiên, ngày hôm đó (ngày 10/2/2018 -PV), chúng tôi đến nhận lương nhưng ông Nam không có mặt. 15h cùng ngày, chúng tôi tìm về nhà trọ của ông này thì được chủ trọ thông báo ông Nam đã trả nhà và đi đâu không biết.
Sau đó, chúng tôi tìm đến ông Đặng Ngọc Hải (chỉ huy trưởng công trình) để hỏi chuyện thì ông Hải cho biết, đã quyết toán lương đầy đủ cho ông Nam, phía công ty không liên quan đến công nhân. Như vậy, công nhân chúng tôi mất trắng hơn 230 triệu đồng” – đơn tố cáo của nhóm công nhân ghĩ rõ.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, PV VTC News đã đến công trình, nơi nhóm công nhân này làm việc. Hiện công trình vẫng dang dở, mới chỉ hoàn thiện phần móng và bắt đầu đổ trụ.
Hầu hết các công nhân này đang thiếu tiền phòng. Phía ngoài công trình, một số người đứng khóc giữa trời nắng, miệng không ngừng hô to “Trả tiền cho chúng tôi”.
Bà Tần Thị Nương (63 tuổi) bức xúc: “Chúng tôi nhất quyết không cho nhóm nào đến thi công nữa. Chúng tôi không phá nhưng nhất quyết không cho công trình tiếp tục thi công khi chưa trả lương.
2 vợ chồng tôi tuổi già, từ quê lên đây, mang vác cực nhọc dưới nắng chói chang. Có những lúc mệt xỉu tại công trường. Thế mà giờ họ không trả lương cho chúng tôi, hẹn sát Tết trả lương nhưng không thấy.
Sáng hôm đó, tôi đến gặp, ông Nam còn kêu tôi đưa số tài khoản thẻ ATM để chuyển, tôi mượn cho bằng được thẻ nhưng ông ấy có chuyển tiền đâu. Sau đó thì bặt vô âm tín.
Vợ chồng tôi năm nay đâu có Tết, không có tiền về quê, không cúng bái được ông bà tổ tiên. Ở lại đây gạo cũng không có mà ăn, không dám ăn no. Mấy người sao nỡ thất đức đi lừa gạt phận nghèo hèn như bọn tôi chứ”.
Cùng cảnh ngộ với vợ chồng bà Nương là hơn 50 công nhân khác, họ đều từ quê lên lam lũ, trông chờ vào tháng lương Tết. Thế nhưng sau gần 2 tháng làm việc cật lực lại mất trắng.
Công ty phủi trách nhiệm
Liên quan đến đơn thư tố cáo của 60 công nhân Công ty Cổ Phần Nam Việt Phát, trả lời VTC News về việc bị công nhân tố cáo, ông Đặng Ngọc Hải – Chỉ huy trưởng công trình giám sát kỹ thuật Công ty Cổ Phần Nam Việt Phát cho biết, công ty không liên quan và không có nhiệm vụ giải quyết.
Ông Hải cho biết: “Chúng tôi không trực tiếp thuê nhóm công nhân trên, người chúng tôi thuê là ông Phạm Xuân Nam. Sau khi ông Nam hoàn thành công việc yêu cầu thì chúng tôi quyết toán lương và trả cho ông Nam.
Việc trả lương của nhóm công nhân này do thẩm quyền của ông Nam vì họ được ông Nam nhận vào làm. Nhóm công nhân tìm đến công ty đòi tố cáo là vô lý. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận đơn tố cáo”.
“Người ta cố tình ăn chặn thì mình cố giải quyết cũng không được. Có thể ông Nam đã lên kế hoạch từ ban đầu, còn nhóm công nhân lại cả tin, đi làm không hề có hợp đồng. Bây giờ có tìm được ông ấy về cũng rất khó giải quyết” – ông Hải nhận định.
Tuy nhiên, khi bị 60 công nhân “ép”, ông Hải đồng ý hỗ trợ kinh phí và cùng nhóm công nhân này đi tìm ông Nam.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ tiền và cho người đi cùng nhóm công nhân về quê ông Nam để tìm ông ấy. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại rằng, nếu ông Nam đã muốn trốn thì khó mà tìm, mà tìm được chưa chắc đã giải quyết được”, ông Hải nói thêm.
Theo VTCN