Lớp học 3 chạy: “Chạy mưa, chạy rắn và chạy ăn từng bữa” khiến ai biết đến cũng rơi lệ!
Mong muốn được học con chữ, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ để đến lớp, thế nhưng các em lại ngày ngày phải đối mặt với những nỗi sợ mới và luôn ở trong tư thế “Chạy”. Có thế mới biết, cuộc sống của thầy trò nơi đây khó khăn và khắc nghiệt như thế nào.
Ở đây, khổ nhất mỗi lúc trời mưa to. Nước ao ngập kéo theo bùn đất tràn vào phòng học, mái thì dột nên học sinh và thầy cô buộc phải nghỉ học. Nhiều khi, thương các con mà chúng tôi chưa biết cách khắc phục như thế nào, cô Kim Khuyên, hiệu trưởng Trường tiểu học Mùn Chung cho biết.
Chúng tôi đến thăm điểm trường mầm non Ta Lếch, thuộc trường mầm non Mùn Chung sau khi vượt quãng đường dài từ Hà Nội lên huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. So với các điểm trường ở vùng cao này, điểm trường Ta Lếch tương đối thuận lợi khi nằm sát ngay dọc đường tỉnh lộ. Vậy nhưng, sự hoang tàn, ảm đạm của điểm trường cũng không khác mấy với những điểm trường vùng sâu vùng xa hẻo lánh, cách biệt trong núi rừng mà chúng tôi đã từng đến.
Trường có 3 phòng học với 75 em học sinh, chia làm 3 lớp theo độ tuổi (gồm 26 cháu lớp 3 tuổi, 26 cháu lớp 4 tuổi và 23 cháu lớp 5 tuổi). Phòng học được thưng tạm bằng những ván gỗ mục nát, hoặc bằng vách nứa. 2 phòng học nền đất, chỉ duy nhất một phòng học được đổ xi măng để lấy chỗ cho các em ngủ trưa. Mái lợp bờ rô xi măng, và sẽ không có gì đáng nói khi phần lớn các tấm này đều thủng lỗ chỗ, có chỗ vỡ toác cả mảng lớn thấy cả trời xanh.
“Trường xây dựng từ năm 2007 nên xuống cấp trầm trọng lắm rồi. Mỗi khi trời mưa thì nước từ mái không phải là dột nữa mà chảy tự nhiên xuống nền nhà, chưa kể nước từ ao tràn vào kéo theo bùn đất nên không thể học được. Cứ mưa là cô và trò phải nghỉ học”, cô Lò Thị Khim, phụ trách điểm trường mầm non Ta Lếch chia sẻ.
Chúng tôi dạo một vòng quan sát các lớp học, đặc biệt dừng lại ở căn phòng dành làm phòng trọ cho giáo viên nghỉ trưa. Một lớp bùn đất dày đặc vẫn in dấu tích đó chưa ai quét dọn. “Bùn đất theo nước mưa cứ tràn vào suốt. Do đang nghỉ hè nên chúng em chưa vệ sinh lại anh ạ. Bọn em làm giáo viên khổ mấy cũng chịu được, chỉ thương các em học sinh mà thôi”, cô Khim nói thêm.
Cô Khim kể, vì lớp học ở gần ao hồ với cỏ cây rậm rạp, nên rắn rết cũng thường xuyên bò vào lớp học. “Có hôm gặp rắn độc bò vào lúc học sinh ngủ trưa, bọn em sợ chết khiếp nhưng mạnh ai nấy bế học sinh mà chạy thục mạng ra sân. Nhờ mà có cháu nào bị rắn cắn thì chắc giải tán điểm trường luôn quá”.
Bỗng dưng chúng tôi cứ suy nghĩ, liệu gọi đây là lớp học hay không khi những điều kiện tối thiểu, đơn giản nhất cũng không có. Các em đến trường để học, nhưng là học cái gì khi trường chẳng ra trường, lớp chẳng ra lớp. Hay đơn giản các em đến trường là để có một bữa ăn, có một chỗ chơi, ít nhất là tốt hơn so với ở nhà ?!
“Mỗi ngày, các em phải đóng 6.000 đồng tiền ăn trưa và ăn chiều. Suất trưa là 4.000 đồng, suất chiều 2.000 đồng. Số tiền có vẻ đơn giản thế thôi mà có nhiều em, bố mẹ còn không có tiền để đóng cho con nên ăn ké của bạn”, cô Kim Khuyên cho biết. Tôi lại không thể hình dung với 6.000 đồng chia làm hai bữa thì khẩu phần ăn của các em sẽ là gì. Cô Kim Khuyên giải đáp: “Buổi trưa thì chủ yếu là cơm với đậu phụ, thêm tý canh rau, thi thoảng mới có thịt. Buổi chiều các em chủ yếu ăn bún với nước hầm xương”.
Cái bát bún với giá 2.000 đồng đó, tôi dường như hiểu là bún chan nước có gia vị, chứ với 2.000 đồng để có kèm thịt thật khó cho các cô giáo khi phải “liệu cơm gắp mắm” cho học sinh của mình.
Chúng tôi nhìn những cô bé, cậu bé ngây thơ trong những bộ đồ nhem nhuốc, có em còn không có cả dép để đi mà đến trường chỉ với đôi chân trần, bỗng dưng thấy thương chúng chi lạ. Cái màu da ấy, những bộ áo quần cáu bẩn ấy, ở dưới một mái trường xơ xác, đìu hiu ấy cứ sống, vui chơi và học hành trong sự lặng lẽ bao nhiêu năm nay không ai đoái hoài. Tại sao lại thế ? Thật khó để tìm ra câu trả lời…
Lớp học đơn sơ nơi núi rừng:
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Điểm trường Ta Lếch, thuộc trường mầm non Mùn Chung, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Hoặc : Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490. Email: quynhanai@dantri.com.vn