Xót xa cảnh gia đình 2- 3 thế hệ chen chúc trên con đò, ngày ngày lênh đênh, ước muốn được lên bờ

Khuất sau bãi cát bên con đường tỉnh lộ 4 cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên- Huế) chưa đầy 10km, xóm vạn đò Thủy Phú với khoảng 20 hộ dân, gần 120 nhân khẩu đang sống “lay lắt” trên những con đò, mong muốn một ngày được lên khỏi mặt nước.

2-3 thế hệ chen chúc trên con đò

Từ trung tâm TP Huế xuôi theo con đường tỉnh lộ 4 đi về huyện Quảng Điền chưa đầy 10km, gần đoạn hợp dòng sông Hương và sông Bồ thuộc địa phận thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, TX Hương Trà, có một xóm vạn đò với gần 120 người dân.

Xóm vạn đò Thủy Phú lấy đò làm nhà

Có mặt tại đây vào một buổi trưa oi ả, tiếp chúng tôi trên khoang thuyền cũ nát, xập xệ chưa đầy 8m2, bà Trần Thị Nỡ (55 tuổi) rầu rĩ cho biết, từ lúc xếp áo theo chồng đến nay cũng đã gần 30 năm lênh đênh sông nước, bây giờ bà Nở đang cùng chồng chung sống với 5 nhân khẩu của gia đình người con trai trên con đò bé xíu.

“Cuộc sống nơi đây vất vả lắm các chú à, 6 – 7 người mà chen chúc nhau trên con thuyền với diện tích chưa được chục mét vuông, sinh hoạt chật chội, khó khăn, nước uống không có phải đi mua, còn vệ sinh, giặt giũ phải dùng nước sông”, bà Nở thở dài.

Cách đò bà Nở một sải chân là “nhà” của hộ gia đình anh Trần Quốc (37 tuổi), chẳng thua kém gia đình bà Nở, gia đình của anh Quốc cũng có đến 6 nhân khẩu.

Không gian chưa đến 10m2 nhưng có đến 2 -3 thế hệ sinh sống

Người đầm đìa mồ hôi vì đang tranh thủ sửa soạn cho công việc bủa lưới buổi chiều, anh Quốc tiếp chuyện, sau khi lấy vợ do không có đất xây nhà nên đôi vợ chồng son cùng dắt nhau chung sống trên đò cùng với bố mẹ, đã hơn chục năm trôi qua. Con đò cũng là tài sản hồi môn của cha mẹ để lại cho anh.

“Mình cũng đã hơn nửa đời người rồi, cực khổ đã đủ, nhưng mong sao con cái sau này không phải sống giống như bố mẹ chúng” chưa dứt lời, anh Quốc đã hướng con mắt buồn rầu về phía đứa con 3 gái tuổi đang ngồi gần đó.

Con đò, con thuyền là không gian sinh hoạt của cả nhà

Không chỉ gia đình bà Nở hay anh Quốc, gần 20 hộ dân nơi xóm vạn đò Thủy Phú đều có hoàn cảnh éo le, mỗi con đò là cả một thế hệ sống lênh đênh sông nước. Với việc chài lưới trên sông kiếm từng con tôm, con tép đủ sống qua ngày. Để có được miếng đất mà “cắm dùi” với những ngư dân vạn đò Thủy Phú là một điều rất “xa xỉ” mà có nằm ngủ giữa ban ngày họ cũng chẳng dám.
Không khí bỗng nhiên trầm lắng, vợ anh Quốc ngồi cạnh tiếp lời chồng: “Sợ nhất là đến mùa mưa bão, phải đưa con cái và đồ đạc chạy lên nhà bà con trú ẩn, còn vợ chồng thì phải quay xuống đò để giữ lấy tài sản. Những khi mưa to, gió lớn thì con đò bị chao đảo, bưng bát cơm ăn cũng khó khăn”.

Chị vợ anh Quốc vừa dứt lời, thoáng một vòng nhìn quanh, đập vào mắt tôi chỉ có cái ti vi đen trắng nằm trong góc là tài sản có giá trị nhất trên con đò. Với vẻ bề ngoài “đen thui” thì cũng dễ dàng đoán được giá trị của nó.

Mong ngày lên bờ

Có mặt tại xóm vạn đò, ông Cao Thắng, trưởng thôn Thủy Phú cho biết, hiện có khoảng 24 hộ gia đình với 116 nhân khẩu, sinh sống ở nơi này cũng đã hơn 30 năm. Trung bình mỗi con đò có đến 6- 7 người, đò ít thì 4-5 người, có đò lên đến gần chục người.

Nước uống thì đi mua, còn sinh hoạt chủ yếu dùng nước sông, cả xóm cũng mới có khoảng 5-6 hộ bắt điện, còn lại cứ câu qua câu về sử dụng. Công việc của người dân nơi đây chủ yếu là bủa lưới và làm cát.

Nước uống thì đi mua, mọi sinh hoạt khác đều sử dụng nước sông

“Do đa số người dân không biết chữ nên công tác quản lý nhân khẩu rất khó khăn. Con cái sinh ra họ cũng không đi đăng kí khai sinh, hộ khẩu; thậm chí có những người 40-50 tuổi mà vẫn chưa có giấy khai sinh. Trẻ con nơi đây học hành cũng không được đến nơi đến chốn, cố gắng lắm chỉ đến lớp 9 là “gác bút, gấp sách”; phần vì kinh tế khó khăn, phần vì chỗ ở bấp bênh không cố định”, ông Thắng nói tiếp.

Với cảnh lênh đênh trên sông nước, người dân vạn đò Thủy Phú đang phải phải đối mặt muôn vàn khó khăn như thiếu điện, nước, ô nhiễm, bệnh tật, mù thông tin,… Người dân chỉ mong mỏi có nơi để định cư, ổn định cuộc sống và những “mầm non” tương lai của họ sẽ được học hành đàng hoàng hơn.

Mũi đồ cũng là nơi để sinh hoạt

“Trong các buổi tiếp dân chúng tôi đã gửi kiến nghị về việc mong muốn được lên bờ. Cách đây 4 năm, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành tái định cư cho ngư dân chúng tôi nhưng sau đó không hiểu sao bị dừng lại”, một ngư dân vạn đò ngậm ngùi

Được biết, vào năm 2012, để đưa cư dân vạn đò Thủy Phú lên bờ định cư sinh sống, chính quyền địa phương cũng đã bố trí quỹ đất với diện tích gần 1ha tại khu vực sát cầu Thanh Hà (Hương Vinh). Tuy nhiên, đã hơn 4 năm trôi qua, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tái định cư vẫn chưa được triển khai.

Người dân tận dụng mặt nước sông để chăn nuôi

Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho hay, “việc đưa bà con ở xóm vạn đò Thủy Phú lên bờ tái định cư là vấn đề lớn, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng hơn 3 tỷ đồng, vượt khả năng của xã. Hiện quy hoạch, đất đã có, lãnh đạo xã và các đơn vị liên quan cũng đã làm việc với bà con ngư dân, nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được”.

Theo nongnghiepvn