Xót thương bé trai H’Mông 5 tuổi khuyết tật bị cha mẹ bỏ rơi, dân làng xa lánh và khát khao mong được đến trường

Mang thai ngoài ý muốn, người mẹ trẻ H’Mông thường xuyên quấn vải quanh bụng và uống đủ mọi loại thuốc để trụy thai. Tuy nhiên, cậu bé Tòng Đức Việt vẫn kiên cường phát triển và chào đời.

Bị cha mẹ bỏ rơi, dân làng xa lánh

Cậu bé 5 tuổi người dân tộc H’Mông Tòng Đức Việt (sinh sống tại bản Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La) chào đời khi mẹ em đang mang thai ở tháng thứ 7. Em là kết quả của sự tò mò về giới tính ở tuổi mới lớn của đôi nam nữ có tuổi đời còn rất trẻ. Chính vì thế mà ngay từ trong bụng mẹ, em đã bị chối bỏ không thương tiếc.

Theo lời kể của bà Bạc Thị Thơ, bà nội Việt, cha mẹ em quen nhau khi đi làm thuê ngoài thị trấn. Thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính khiến mẹ Việt có thai ngoài ý muốn. Khi mang bầu, mẹ em cố giấu không cho người ngoài biết. Cô gái trẻ dùng vải quấn bụng, uống thêm nhiều thứ thuốc để trụy thai vì sợ người khác chê cười. Thế nhưng, Việt vẫn kiên cường phát triển trong bụng mẹ.

Có người làm cùng nghi ngờ cô gái trẻ mang thai nhưng cô một mực phủ nhận. Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, cô gái lên cơn đau chuyển dạ thì mọi người mới biết và đưa đi viện. Bé Việt chào đời. Đáng thương thay, từ lúc mới chào đời mẹ đẻ đã bỏ rơi em. Bà nội là người đã nuôi dưỡng Việt trong suốt 5 năm qua.

Bé Tòng Đức Việt nay đã 5 tuổi – Ảnh: Internet

“Chúng nó còn quá trẻ, lúc bé Việt sinh ra cả hai đứa cũng đi đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con. Cả 2 vợ chồng suy nghĩ còn nông cạn lắm, làm bố làm mẹ trong sự ngỡ ngàng. Chỉ khổ hai vợ chồng tôi thôi”, bà Thơ cho biết.

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ liên tục quấn vải nịt bụng và dùng mọi loại thuốc phá bỏ nên Việt đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đã 5 tuổi nhưng em chỉ cân nặng 11 kg. Cơ thể Việt suy dinh dưỡng trầm trọng và không thể đi lại như bao đứa trẻ bình thường.

Việc đi lại đối với Việt là điều vô cùng khó khăn – Ảnh: Internet

Cách thành phố Sơn La 150 km, bản Nà Khoang nơi gia đình bà Thơ sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông. Sự phát triển kinh tế và trình độ dân trí nơi đây còn nghèo nàn, lạc hậu. Người dân trong bản quan niệm, em bé sinh ra không được khỏe mạnh sẽ mang đến điềm gở cho dân làng. Chính vì thế, dân bản luôn có cái nhìn ác cảm, xa lánh bé Việt và gia đình bà Thơ.

Mắc não úng thủy vẫn khao khát được đến trường

Không thể sống trong cảnh dè bỉu của người làng, cha bé Việt đã bỏ nhà ra đi để lại đứa con bệnh tật cho mẹ già chăm sóc. Vợ chồng bà Thơ có hai người con, 1 con trai và 1 con gái. Con gái đi lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Con trai duy nhất bỏ đi khiến gia đình bà gặp cú chấn động mạnh. Một mình nuôi cháu, bà Thơ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Ngày bé tôi dỗ thằng bé bằng cách cho ngậm ti của mình. Đầu óc nó không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác nhưng vẫn có nhận thức. Nhà tôi khó khăn nên bé cũng thiệt thòi. Chúng tôi không có tiền mua sữa, mua bỉm đâu. Mới rồi có các cô ở thành phố đến thăm, họ mua sữa cho bé uống”, bà Thơ trải lòng với PV báo Gia đình và Xã hội.

Gia đình không có tiền nên bé Việt cũng chưa một lần đi khám ở bệnh viện. Gần đây, chị Cầm Thị Hoài My (33 tuổi), một cô giáo từng đi dạy ở bản biết được hoàn cảnh đáng thương của bà cháu Việt đã vận động quyên góp để có tiền đưa em đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Trong đợt khám này, các bác sĩ đã kết luận Việt mắc căn bệnh não úng thủy.

Chị My cho biết: “Bé đã được làm phẫu thuật rồi, bé còi, chân tay teo lại. Sau khi được điều trị thì giờ bé bắt đầu ngồi được. Gia đình bé rất khó khăn, ông nội bé thì bị bệnh hen, tuổi cao nên giờ không làm được gì. Bà nội cũng ốm yếu lắm, có bệnh về cột sống nhưng hàng ngày vẫn đi làm nương. Gia đình là hộ nghèo lâu năm ở địa phương”.

Việt rất thích được bà đưa đi học – Ảnh: Internet

Đã đến tuổi đi học nên Việt đã được các cô giáo mầm non tạo điều kiện đến trường. Trước đây, thế giới của em chỉ thu hẹp trong căn nhà nhỏ bên bà nội. Từ ngày được đến lớp, cậu bé đáng thương vô cùng thích thú, say mê.

“Cháu thích đi học lắm, đi học là vui lắm. Tôi già rồi, đường từ nhà đến trường mầm non cũng cách 5km. Bé không đi được nên cõng đi đi về về mệt lắm. Chỉ mong sao có chiếc xe dạp điện cho 2 bà cháu đi lại đỡ khổ”, bà Thơ giọng bùi ngùi chia sẻ.

Mọi đóng góp giúp đỡ bé Tòng Đức Việt, quý độc giả vui lòng gửi về:Bà Bạc Thị Thơ (bà nội Việt). Địa chỉ: Bản Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La).

Theo Phụ nữ sức khỏe