Xót thương người đàn bà 20 năm không dám đi viện, ngày đêm leo dốc nuôi con tật nguyền (P.1)

20 năm nuôi con bị tật nguyền không có xương sọ, bà Vũ Thị Cường (60 tuổi, tổ 4 khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) đã “trốn viện” nhiều lần mặc dù bà mắc rất nhiều bệnh tật.

Đi khắp nơi bán nước vối nuôi con

Căn nhà trọ (Tổ 4 khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) của mẹ con bà Cường nép mình trên một quả đồi ở bên kia cầu Bãi Cháy. Nhiều người định mua căn nhà này rồi lại bỏ cuộc ngay từ lần đầu tiên đến xem nhà vì đường vào nhà quá dài và dốc. Vậy mà mẹ con bà Cường đã chọn nơi này vì giá thuê nhà rất rẻ.

Con dốc vào nhà bà Cường rất dài và trơn tuột. Ảnh: Thu Hà

Ngày chúng tôi đến thăm nhà bà, Hạ Long mưa tầm tã. Nước từ trên đồi xối xả dội xuống khiến con dốc trở nên trơn trượt. Vậy mà bà Cường vẫn tự đi bộ xuống tận chân đồi đón chúng tôi.

Bà đặt tên cho con dốc này là “dốc bất khuất”. Trước đây, mỗi lần leo dốc, bà Cường mệt thở không ra hơi, phải ngồi nghỉ ba lần mới lên được đến nhà.

Bà bị bệnh huyết áp, sỏi thận kẹt ở vị trí nguy hiểm nhiều năm nay nên cứ leo dốc là bà đau thắt bụng. Con dốc bất khuất, cheo leo tựa như cuộc đời của người đàn bà này.

Con dốc vào nhà là thử thách lớn trong tình cảnh bà Cường ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Thu Hà

Năm 16 tuổi, bà Cường vào Kon Tum đi thanh niên xung phong. Sau 2 năm, bà lại trở ra Bắc làm công nhân cầu đường. Cuộc đời đưa đẩy bà dạt sang Quảng Ninh. Đến nay, bà gắn bó với mảnh đất này đã hơn 30 năm.

Bà buôn bán đủ thứ để kiếm sống, ai đặt gì bà đánh chuyến hàng đó. Thu nhập rất khá, năm 1993, bà Cường mua được một ki ốt rộng vài mét vuông tại khu chợ Loong Tòong. Bà cũng xác định ở vậy, không lấy chồng vì con gái có thì.

Nhưng ông trời run rủi cho bà có một bờ vai để tựa vào. Bà có con với người ta cũng vì sợ miệng lưỡi thế gian định kiến “Cây khô không lộc, người độc không con”.

“Năm 1995, thấy tôi sinh ra một bé trai. Cháu bị dị tật bẩm sinh không có xương sọ, đầu mềm búng như sợi bún nên ông ấy chạy làng. Con bị dị tật từ trong bào thai do ảnh hưởng chất độc màu da cam những ngày tôi đi thanh niên xung phong. Từ đó, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau.

Thằng bé nằm liệt giường đến năm 8 tuổi tôi mới có thể bồng con đi chữa bệnh”, bà Cường nhớ lại. Nỗi buồn lặn vào trong, nước mắt chảy ướt gối nhưng bà Cường chỉ còn cách đứng lên chiến đấu.

Bán căn ki ốt được 11 triệu đồng, bà dồn cả để chữa bệnh cho con trai. Ai mách ở đâu có thầy thuốc tốt, bà đều tìm đến. Rất may sau một hành trình chữa trị, con trai bà đã có thể đi lại được.

“Ngố” – con bà thiểu năng trí tuệ giờ chỉ biết ăn no rồi đi lang thang khắp nơi. Có nhiều hôm 12h đêm bà Cường phải soi đèn tìm con. Những hôm không tìm được, bà đành phó mặc cho số phận. Không ít lần bà Cường xích chân con lại vì sợ con đi nhỡ chẳng may xe cộ đâm phải, biết đâu mà tìm.

“Nếu nhẹ nhàng bảo thì thằng Ngố ngoan lắm, cho xích chân ngay, không phá phách, trộm cắp của ai bao giờ. Bây giờ con lớn, không phải xích chân nữa rồi. Đi chán, đói bụng là biết tự mò về nhà. Về úp hai gói mỳ ăn hoặc ăn một lúc hết hai tô cơm rồi lại đi bất khuất”, bà Cường hài hước kể.

“Mổ khẩn trương” nhưng vẫn “trốn viện”

Bao nhiêu tai ương dường như không buông tha người phụ nữ khốn khổ này. Năm 2005, bà Cường được chẩn đoán bị tiểu đường, tăng huyết áp. Vài năm sau, thêm bệnh sỏi thận phải, nang thận. Một mình bà vừa làm cha, vừa làm mẹ thắt lưng buộc bụng lo cho con có cái ăn. Bệnh chồng bệnh, bà vẫn không dám nghĩ đến việc đi bệnh viện chữa trị.

Ở bên kia cầu Bãi Cháy, người đàn bà 20 năm không dám đi bệnh viện, ngày đêm leo “dốc bất khuất” nuôi con tật nguyền vô sọ

Bà Cường mắt đỏ hoe khi kể về cuộc đời mình. Ảnh: Thu Hà

Các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã từng nhiều lần đề nghị bà Cường “mổ khẩn trương” vì bệnh trở nặng. Nhưng cả ba lần, bà đều trốn viện. Lần nào leo con dốc, bà cũng đau tím tái mặt mày. Bà chịu đựng tất cả vì con.

Ở bên kia cầu Bãi Cháy, người đàn bà 20 năm không dám đi bệnh viện, ngày đêm leo “dốc bất khuất” nuôi con tật nguyền vô sọ

“Bệnh nhân không đồng ý vào viện”, bác sĩ ghi rất rõ trong cuốn sổ khám bệnh của bà Cường. Ảnh: Thu Hà

“Chồng bỏ đi, con thiểu năng trí tuệ, mình thì bệnh tật chồng chất, nhà cửa không có, tiền bạc, nghề nghiệp cũng không. Đến dốc bên kia của cuộc đời vẫn tay trắng, nghĩ nản lòng nhiều lúc chỉ muốn chết quách đi. Nhưng sợ mình chết thì ai nuôi con, nên lại quyết tâm sống vì con, để con có chỗ dựa”, bà Cường nghẹn ngào nói.

Cứ thế, hai mẹ con bà lay lắt sống dựa vào nhau trong căn nhà nhỏ trên sườn đồi. Trong nhà, tài sản đáng giá nhất chỉ có chiếc ti vi màu cũ và hai chiếc nồi cơm điện hàng xóm “thải lại” cho bà.

Nắp nồi cơm bị kênh nên mỗi khi nấu nướng, bà phải chèn chiếc búa lên trên cho khít thì cơm mới chín. Hai tấm bằng khen trên tường đã ngả màu vàng nhưng bà vẫn nhất định mang theo trong mỗi lần chuyển nhà.

Ảnh internet
Ảnh internet

Bà Cường thật thà cho biết cả cuộc đời bà chưa bao giờ biết đến món ngon là gì. Bữa cơm chỉ có rau luộc, mấy củ lạc rang và con cá mắm.

Hôm nào may thì có khúc cá kho hàng xóm đem cho, hai mẹ con ăn dè được tận hai bữa. Bữa nào “sang” lắm thì có chút thịt má lợn rang mặn. Thịt có ít, bà cũng chẳng dám gắp. Tất cả thức ăn bà đều nhường cho đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Oằn lưng kiếm tiền nuôi con, chưa bao giờ bà được nghỉ ngơi một ngày. Một bông hồng đỏ thắm trong ngày lễ 20/10 dành cho phụ nữ càng là điều “xa xỉ” với người phụ nữ không có bến đậu này.

Theo emdep