Xót thương cậu sinh viên nghèo hiếu học, mồ côi cha mẹ từ sớm giờ lại khốn đốn vì bệnh suy thận mãn

Trong căn phòng trọ nhỏ thó, Na cẩn thận lấy túi dịch treo lên khung cửa sổ. Na đặt dây vào ổ bụng, nước dịch từ từ chảy ra. Hai mắt Na nhắm nghiền, thở thều thào vì mệt và đói… Hiện Na không thể đi làm thêm, không tiền trang trải việc học hành và chữa bệnh.

Cậu sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nêu trên là em Lâm Văn Na – sinh viên năm cuối ngành kế toán trường ĐH An Giang. Lúc Na vừa lọt lòng, cha Na lâm bệnh rồi qua đời. Từ đó, hai mẹ con em Na đùm bọc nhau sống bằng nghề bán vé số dạo. Dù hoàn cảnh khó khăn, mẹ Na quyết tâm cho Na ăn học đàng hoàng. Na không phụ lòng mẹ, trong suốt 12 năm học, Na luôn là học sinh ngoan hiền, học khá, giỏi.

Khi Na vừa bước sang học kỳ 2, lớp 12 (trường THPT Quốc Thái, xã Quốc Thái, huyện An Phú), mẹ Na mắc bệnh lao nặng rồi đột ngột qua đời. Na đau đớn tột cùng vì người thân yêu nhất trên đời cũng bỏ Na ra đi. Thời gian đó, Na ngã quỵ, sớm nghĩ đến chuyện bỏ học nhưng vì người thân, bạn bè và thầy cô hết lòng động viên, chia sẻ với Na. nên em lấy lại niềm tin, tập trung ôn tập thi đỗ tốt nghiệp và thi đỗ luôn ngành kế toán trường ĐH An Giang.

Sau 20 ngày nằm viện, em Lâm Văn Na về lại TP Long Xuyên, thuê căn phòng có chiều ngang chưa tới 1,7m để ở và tiếp tục việc học hành

Trong thời gian học đại học, Na làm đủ thứ nghề trang trải tiền học phí, như: chạy bàn quán cà phê, phục vụ các nhà hàng di động… Trong sinh hoạt hàng ngày, Na tiết kiệm từng miếng ăn đến quyển vở nhưng cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn bộn bề.

Nhờ hướng dẫn của thầy cô, Na làm hồ sơ sinh viên mồ côi nên 2 năm đầu được miễn học phí. Nhưng đến năm học thứ 3, do chính sách thay đổi, sinh viên mồ côi như Na phải bổ sung giấy chứng tử của cha mẹ, nhưng do cha Na chết đã lâu, Na không bổ sung được giấy chứng tử nên Na không được miễn học phí nữa.

Để duy trì sự sống, mỗi ngày Na chuyền dịch 4 lần và công việc này Na tự làm lấy

Dù làm thêm, tiết kiệm đủ đường nhưng vẫn không đủ tiền lo cái bụng và chuyện học hành đủ đầy như bạn bè. Bởi thế, Na đã học đến năm cuối nhưng đến nay, Na chưa có cái máy tính để học và cảm phục hơn là suốt 3 năm học qua, Na cuốc bộ ngày 2 buổi lên giảng đường.

Để tiếp tục nuôi ước mơ ĐH, Na xoay sở bằng cách tranh thủ những giờ nghỉ học đi làm thêm, vì tiền vây ngân hàng chính sách dành cho sinh viên mồ côi như Na chỉ được 2,9 triệu đồng/học kỳ, trong khi tiền học phí đến 3,5 triệu đồng/học kỳ. Trong lúc, Na đang lên kế hoạch đối phó chuyện “cơm áo gạo tiền” cho năm học cuối, Na chết lặng khi phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận mãn. Và để kéo dài sự sống, Na phải chuyền dịch ngày 4 lần.

Để tiết kiệm, Na chỉ dám thuê căn phòng nhỏ thó như thế này. Tuy nhiên, mỗi lần muốn nghỉ ngơi, Na phải leo lên cầu thang thế này

Na nói: “Cuộc đời em sao thấy bất hạnh quá anh ơi. Vừa lọt lòng, cha đã ra đi mãi mãi, đến khi lớn lên, đúng lúc em cần điểm tựa, lời động viên cho việc học hành căng thẳng thì mẹ em lại bỏ em. Em cứ tướng đau khổ bấy nhiêu đó đủ rồi, ai ngờ khi em đang chuẩn bị dồn hết sức cho năm học cuối để lấy tấm bằng đại học cho cha mẹ ở suối vàng vui cười thì em phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Hiện nay sự sống của em phụ thuộc vào các túi dịch kia, mỗi ngày em phải chuyền 4 lần và chuyền đến hết đời của em!

Theo Na, khoảng giữa tháng 6/2017, Na thấy mình hay bị ớn lạnh, nhức đầu và Na đến một bệnh viện TP Hồ Chí Minh khám bệnh, bác sĩ cho Na nhập viện cấp cứu, tiến hành lọc máu, truyền dịch, vì các bác sĩ phát hiện em bị suy thận mãn, tràn dịch màng tim. Na nằm lại bệnh viện 20 ngày, sau khi sức khỏe Na ổn định, các bác sĩ hướng dẫn cách chuyền dịch rồi cho Na xuất viện về nhà.

Theo Na, nếu có máy chuyền dịch thì mỗi ngày Na chỉ cần chuyền một lần, tuy nhiên giá chiếc máy cả trăm triệu đồng nên Na không dám suy nghĩ tới

Thầy Lê Minh Giang – Giáo viên dạy Văn, trường THPT Quốc Thái chia sẻ: Mẹ em Na mất đúng vào thời gian thi tốt nghiệp 12, Na vượt qua nỗi đau, tiếp tục đi bán vé số, tập trung ôn tập thi đỗ 12, đồng thời năm đó em thi đỗ luôn đại học. Thầy cô, bạn bè vui mừng và hy vọng em Na sẽ có một tương lai tươi sáng hơn sau bao nhiêu bất hạnh dồn dập đến với em. Nhưng nào ngờ, đúng lúc em đang chuẩn bị mọi thứ cho ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học… thì em phát hiện mình mắc chứng bệnh suy thận mãn. Bây giờ sức khỏe em kém, không thể đi làm thêm, bản thân lại côi cút một mình, lấy tiền đâu chữa bệnh, lấy tiền đâu đi học tiếp?

Côi cút một mình, từ chuyện chuyền dịch đến giặt giũ quần áo… Na phải cố gắng làm lấy

Dù hoàn cảnh như thế, bệnh tình không sao chữa khỏi nhưng Na rất lạc quan. Sau khi xuất viện, Na về TP Long Xuyên, thuê một căn phòng trọ gần trường để tiếp tục hoàn thành chương trình học. Na hy vọng, sau khi lấy tấm bằng đại học, Na xin được việc làm, lấy tiền nuôi thân và điều trị bệnh.

Hiện nay, sau 15 ngày Na đến bệnh viện Đa khoa An Giang tái khám và lấy thuốc và nước dịch. Mỗi ngày, Na thay dịch 4 lần, mỗi lần hơn 30 phút, tất cả mọi việc chuyền dịch, tự tay em Na làm lấy. Do Na là hộ nghèo nên tiền thuốc và nước dịch phần lớn đều được bảo hiểm y tế thanh toán.

Giấy chuyển viện và đơn xác nhận của chính quyền địa phương về hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật của Na

Trong căn phòng trọ có chiều ngang chưa tới 1,7m, Na lần mò lấy túi dịch và cẩn thận treo lên cửa sổ. Nga ngồi xuống ghế, lấy dây chuyền dịch gắn vào ổ bụng (đã mở phúc mạc ra da), nước dịch từ từ chảy ra. Lúc này, hai mắt Na nhắm nghiền lại, một phần vì mệt và một phần vì đói…

Trong không gian yên tĩnh đó, bỗng đâu câu hát trong bài Mừng tuổi mẹ vang lên làm Na não nuột: “mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước, biết người nào lo!” Và chúng tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt non chẹt cậu sinh viên mồ côi, bệnh tật đáng thương Lâm Văn Na.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Em Lâm Văn Na – Lớp DH15 KT1, Khoa Kinh tế quản trị kinh doanh, trường ĐH An Giang. ĐT: 01699.677.067 hoặc số nhà 11 – ấp Bún Bình Thiên, xã Quốc Thái, huyện An Phú, Tỉnh An Giang

Theo Dân trí