Xót thương cậu bé mồ côi, ngày ngày phải ăn hạt mít thay cơm: Em chỉ ước được ăn một bữa cơm với thịt mỡ

Mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc. Bố bỏ đi biệt tích suốt nhiều năm nay. Sầu được ông bà nội đưa về chăm sóc. Ông bà già yếu, nghèo “rớt mồng tơi” suốt ngày ăn hạt mít thay cơm. Sầu than “ăn hạt mít nhiều, chán lắm, cháu thèm ăn bữa cơm với thịt mỡ mà chẳng được”.

Cậu bé mồ côi bố mẹ và số phận bất hạnh

Tráng Văn Sầu (8 tuổi, thôn Lũng Khỏe A, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tình Hà Giang) dáng người gầy gò, da đen nhẻm, ăn mặc lem luốc, chân không đi dép, cái quần rộng quá cỡ, sút cạp, được cột bằng một đoạn dây, choàng qua cổ để giữ không bị tuột.

Sầu ngồi trước hiên nhà vách nứa, đôi mắt chăm chú nhìn về phía ngoài ngõ thở dài: “Cháu đói bụng quá, đang đợi ông bà nội về luộc hạt mít ăn”.

Từ ngày cha mẹ bỏ đi, Sầu được ông bà nội cưu mang

Sầu người dân tộc Tày. Năm lên hai tuổi, người mẹ bị kẻ xấu lợi dụng, bảo đưa sang Trung Quốc làm ăn nhưng rồi bị lừa bán. Từ đó đến nay, Sầu chưa một lần gặp lại mẹ.

Có người nói mẹ Sầu bị bán vào nhà thổ phục vụ khách làng chơi. Có người nói mẹ đã lấy chồng xứ người, an nhàn hưởng thụ cuộc sống giàu sang.

Hai năm sau, bố Sầu cũng bỏ nhà đi biệt tích. Không ai biết bố đi đâu, làm gì, còn sống hay đã chết. Sầu trở thành trẻ mồ côi, lớn lên trong tình yêu nhương của ông bà nội.

Ông Tráng Minh Lộc (72 tuổi) và bà Phàng Thị Thẩy (71 tuổi, ông bà nội Sầu) được tiếng nghèo nhất, nhì bản. Họ nghèo đến nổi suốt năm phải ăn hạt mít thay cơm. Vì sức khỏe không còn nên hàng ngày họ chỉ biết lên rừng đốn củi, hái măng về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày.

“Người nhà giàu nay dùng bếp ga, bếp điện, ít khi dùng củi đun. Măng thì ngày càng hiếm, đi vào tận rừng sâu mới hái được nhiều. Vợ chồng tôi già yếu, chỉ quanh quẩn ngoài bìa rừng nên măng hái được chỉ đủ ăn. Không có tiền đong gạo, chúng tôi hàng ngày ăn hạt mít thay cơm”, ông Lộc thở dài.


Nhà Sầu nghèo đến nỗi suốt ngày ăn hạt mít thay cơm

Nhắc đến đứa cháu nội bất hạnh, ông Lộc cho biết, mẹ Sầu vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, muốn đi làm thuê kiếm tiền về nuôi con nhưng không may lại mắc lừa bọn buôn người, biệt tích suốt 6 năm nay.

Thời gian đầu cha con Sầu vẫn ở trong ngôi nhà cũ, cố gắng làm lụng đợi vợ về. Thế nhưng, càng chờ đợi thì càng mất hút khiến bố Sầu buồn chán, bỏ đi biệt tích.

Sầu vốn thiếu vắng tình cảm cha mẹ lại không đủ ăn nên không được nhanh nhẹn như đám bạn cùng lứa. Vì quá nghèo, trường học xa xôi, đồi núi, vợ chồng ông Lộc lại già yếu nên không còn sức hàng ngày đưa cháu đến trường. Sầu không biết chữ, ngày hai bữa chỉ biết quanh quẩn quanh nhà.

Chỉ mong một bữa cơm cơm với thịt mỡ

Từ nhỏ Sầu tỏ ra là một đứa trẻ an phận, ngoan ngoãn, cứ thế lớn lên như củ sắn, củ khoai. Ông bà nội vào rừng cả ngày nên để Sầu ở nhà chơi với những đứa trẻ cùng bản. Khi đói bụng Sầu tự về nhà lục cơm nguội, hạt mít, sắn ăn rồi ngồi đợi ông bà chiều đi làm về.

Cứ mỗi lần nhà họ hàng có cỗ cưới, giỗ chạp, ma chay, ông Lộc thường đưa cháu đi cùng để được ăn bữa cơm thịt no. Những lần được đi theo ông, Sầu vui lắm. Sầu ăn nhiều đến nỗi những đứa trẻ ngồi chung mâm cơm đã ăn no, đứng dậy từ lâu nhưng Sầu vẫn ngồi đó, chăm chú gắp, ăn một cách ngon lành.

Căn nhà tranh vách nứa của vợ chồng ông Lộc

Ngồi bên cạnh cháu nội bất hạnh, bà Thẩy thở dài cho biết kể từ ngày bố mẹ Sầu biệt tích, Sầu chưa bao giờ được mặc một bộ quần áo mới. Không có tiền mua quần áo cho cháu, bà Thẩy thường đi xin những bộ quần áo cũ của những đứa trẻ trong bản về cho Sầu mặc.

“Mùa hè thì mặc gì cũng được nhưng đến mùa đông, quần áo không đủ mặc, thằng Sầu ăn rồi ngồi co ro trong bếp củi. Đồ giặt lâu khô nên phải 2 đến 3 ngày nó mới có đồ thay một lần. Năm hết Tết đến, nhìn những đứa trẻ trong bản khoe quần áo mới, nhìn lại cháu mình thấy thương lắm nhưng cũng đành chấp nhận. Đến cơm, bà cháu tôi cũng không có mà ăn thì còn mơ tưởng gì đến những thứ khác”, bà Thẩy chia sẻ.

Hỏi về ước mơ của mình, Sầu không ước được gặp cha mẹ, được đến trường, được mặc những bộ quần áo mới mà chỉ ước: “Cháu ước được ăn một bữa cơm với thịt mỡ, được ăn thật no. Chỉ nghĩ đến thôi cháu đã chảy hết nước dãi vì thèm rồi”.

Theo Emdep