Vì sao Phật Tổ Như Lai có sức mạnh phi thường, cảm hóa chúng sinh?

Phật Tổ Như Lai – người sáng lập và truyền bá Phật giáo đã dùng sức mạnh gì để cảm hóa hàng triệu triệu người qua hàng thế kỉ? Có thứ phép thuật diệu kì nào có thể biến chuyển số mệnh của con người và khiến họ trở thành tín đồ trung thành?

Phật trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là trí tuệ, giác ngộ; không phải là trí tuệ và hiểu biết mà là giác ngộ. Tức là có trí để khai mở, ngộ ra nhiều điều chứ không phải có trí chỉ để biết. Trí đánh thức những giác quan, mở mang tầm hiểu biết và quan trọng hơn là dùng trí để ngộ đạo, ngộ đời, tự phát triển bản thân ở tầm cao hơn.

Đối với sức mạnh của Phật Tổ Như Lai, nhiều người cho rằng Ngài có thể nghe thấu những lời cầu khấn của chúng sinh, cứu khổ cứu nạn, thay đổi sướng khổ. Không sai, nhưng không có nghĩa Ngài là thần tiên, cầu gì được nấy. Đức Phật không thay đổi bất cứ điều gì ở chúng sinh, Ngài chỉ truyền trí tuệ để con người tự giác ngộ và thay đổi chính mình mà thôi.

Ảnh minh họa

Chính sức mạnh này giúp Đức Phật ngộ thành đạo, nhập cõi Niết Bàn, cũng chính sức mạnh này là động lực để Ngài thu nhận đệ tử, đi khắp nơi truyền giáo và cũng chính sức mạnh này đã lôi cuốn chúng sinh tin tưởng và hướng Phật, học theo trí tuệ của Phật, tìm tới cuộc sống an yên an lạc.

Trong Phật giáo chia thành 3 loại trí tuệ: nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí. Mỗi loại trí thể hiện sức mạnh ở một phương diện, mang tới cho con người sự giác ngộ khác nhau. Thế giới rộng lớn, sự hiểu biết của con người chỉ là hạt cát, càng rèn luyện về trí càng thấy mình bé nhỏ và thiếu sót.

Nhất thiết trí tức là đi tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ, tìm hiểu sự hình thành của tất cả vật chất, sự vật hiện tượng của vũ trụ. Có gốc thì mới có ngọn, con người là một phần của vũ trụ, hiểu về vũ trụ sẽ hiểu về chính mình và biết làm thế nào để sinh tồn tốt nhất ở trong đó. Đây là trí tuệ chung, mong muốn hiểu biết tất cả để sinh tồn.

Đạo chủng trí tức là những con đường tu tập khác nhau, vì sao sinh ra tâm ma, làm thế nào có công đức vô lượng, quá trình hình thành những con người khác nhau là do đưa đẩy của những cách rèn luyện trí khác nhau. Có người dùng trí để làm việc thiện, thành người tốt nhưng cũng có người lợi dụng trí để làm điều ác, thành người xấu.

Nhất thiết chủng trí tức là thông đạt tất cả các loại trí tuệ, có thể dùng sự hiểu biết của vũ trụ mà tìm ra phương hướng tu tập, hiểu thế giới nên rõ căn nguyên của sướng khổ, cố gắng loại bỏ những điều phiền não của đời người và không bị mê hoặc bởi những thứ lầm lỗi, thoát khỏi vô minh.

Phật Tổ Như Lai có đủ cả 3 loại trí, vì thế mà Ngài có sức mạnh cảm hóa chúng sinh, dùng trí của mình trợ giúp những người khác khai mở trí. Bản thân Ngài đã chứng minh và tích cực tha thiết mong chúng sinh có thể trải qua 3 tầng hiểu biết: tầng thứ nhất chính mình giác ngộ, đó là biết mình; tầng thứ hai có thể trợ giúp người khác giác ngộ, đó là biết người; tầng thứ 3 viên mãn giác ngộ, thấu hiểu hết lẽ ở đời, đạt đến cảnh giới vô ngã vô thường.

Các vị tiểu La Hán tự mình giác ngộ nhưng chưa phát tâm giúp người, chưa chủ động nhân rộng trí mới chỉ đạt tầng thứ nhất. Bồ Tát tự giác giúp đỡ chúng sinh, hi vọng tất cả đều giác ngộ, cơ duyên thành thục, đạt tới tầng thứ hai và dần tiến tới cảnh giới viên mãn giác ngộ. Người đạt tới tầng thứ ba, hiểu rõ nhân tình thế thái, được ca ngợi toàn trí toàn năng chính là Đức Phật.

Ảnh minh họa

Đức Phật cho thấy trí tuệ viên mãn là có thật, hiểu biết tới tận cùng của đức và ý nghĩa, tác dụng của nó chúng sinh đều có thể thấy rõ. Trong mỗi người ai cũng có Phật tính và bất cứ ai cũng có cơ hội thành Phật, trí tuệ bên trong con người là trí tuệ đóng, nhiệm vụ của mỗi người là khai mở để phát triển nó.

Nói cách khác, Phật giáo đề cao tính bình đẳng của chúng sinh, người và Phật đều có xuất phát điểm như nhau, không có gì khác biệt. Điểm để phân biệt hai đối tượng này chính là trí tuệ, chúng sinh với trí tuệ hạn hẹp và Phật với trí tuệ rộng lớn, Phật sẽ là người dẫn dắt và thúc đẩy chúng sinh tiến gần hơn tới các tầng trí tuệ cao hơn.

Sức mạnh của Phật Tổ Như Lai không phải thánh thần có phép thuật, Ngài là người như tất cả chúng ta nhưng đã tìm ra con đường tiến tới trí tuệ và rèn luyện bản thân để đạt tới cảnh giới cao. Vì vậy, người tín Phật chân chính không phải người ngày đêm quỳ dưới tượng Phật cầu xin mà là người hiểu rõ ý nghĩa của đạo, noi theo gương Phật để học tập và tu tập chính mình, cung dưỡng tam thánh, học đạo tu đời theo Phật, Bồ Tát để hưởng phúc.

Theo Lịch ngày tốt