Vì sao mùa Xuân trong đạo Phật được gọi là Xuân Di Lặc?

Xuân Di Lặc là khái niệm khá quen thuộc trong đạo Phật nhưng ít ai hiểu được ý nghĩa cao đẹp hàm chứa trong những từ ngữ đẹp đẽ ấy.

Ngày mùng một Tết Nguyên Đán hằng năm, chúng ta cùng gia đình, thường hay đi chùa, lễ Phật tụng kinh, chí tâm cầu nguyện, chư Phật mười phương, thùy từ gia hộ, nhà cửa bình yên, gia đạo hạnh phúc, đồng thời chúng ta cũng gửi đến nhau những lời cầu chúc một năm tốt đẹp, vạn sự như ý, nhưng không phải ai cũng hiểu được vì sao gọi là Xuân Di Lặc.

Ảnh internet

Mùa Xuân trong đạo Phật được gọi là xuân Di Lặc vì chư Tổ chọn ngày bắt đầu năm mới (mùng một Tết Nguyên Đán) là ngày vía đức Di Lặc và Phật Tử mang ý nghĩa “Xuân Hoan Hỷ”, “Xuân Hy Vọng”, hay “Xuân Hạnh Phúc”.

Lễ Giao thừa đón mừng Xuân mới đồng thời cũng là lễ kỷ niệm Phật Di Lặc đản sinh. (Theo Cố HT.Thích Thiện Siêu – Pháp Thoại Đầu Xuân).

Mặt khác, Ngài Di Lặc là vị Phật đương lai tượng trưng cho hạnh hoan hỷ, vui vẻ, hỷ xả, bao dung và tha thứ. Đây cũng là ước nguyện đầu Xuân của những người con Phật, nguyện cầu và mong ước một mùa xuân an vui, hạnh phúc.

Vì vậy, người con Phật mừng xuân, ngoài việc vui đón xuân mới thông thường còn mang ý nghĩa kỷ niệm Phật Di Lặc đản sanh và nỗ lực tu học, chuyển hoá tự thân để luôn hoan hỷ, vui vẻ, tha thứ và bao dung như Ngài, nên gọi là xuân Di Lặc.

Chúng ta thường tụng: Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Nghĩa là theo kinh điển Phật giáo, Bồ-tát Di-lặc sẽ thành một vị Phật trong tương lai. Như vậy, lễ vía đức Bồ-tát Di-lặc ngày đầu năm, đối với mọi người, mang ý nghĩa hy vọng được vạn sự kiết tường, vạn sự như ý trong năm mới.

Ý nghĩa mùa Xuân Di Lặc

Vấn đề hình tượng Ngài Di Lặc, thực ra Ngài là vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ hiện đang trú tại nội viện của cung trời Đâu Suất.

Ảnh internet

Ngài là một vị Phật đương lai, cố nhiên có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như những vị Phật khác.

Tượng Phật Di Lặc mà chúng ta đang thờ với cái bụng lớn, miệng cười và tay cầm một túi đãy lớn là phỏng theo một hóa thân của Ngài Di Lặc làm Bố Đại hòa thượng (vị Hòa thượng mang túi đãy lớn) ở Trung Quốc.

Sinh thời, không ai biết Ngài là hoá thân của Phật Di Lặc. Mọi người chỉ biết một Bố Đại hoà thượng ăn mặc xuyền xoàng, tay mang túi vải lớn, lúc nào cũng cười tươi, thường xuyên phân phát bánh kẹo và vui đùa với trẻ con.

Ngài hành đạo tuỳ duyên, hoan hỷ và tự tại. Trước khi viên tịch, Ngài để lại một bài kệ:

“Di Lặc chơn Di Lặc
Thiên bách ức hoá thân
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân thường phất thức”.

(Nghĩa là: Di Lặc đúng thật là Di Lặc đây, hoá thân trăm ngàn ức, thường chỉ dạy cho mọi người, mà mọi người không biết được).

Lúc bấy giờ người ta mới biết Ngài là hoá thân của Phật Di Lặc và tạc tượng để thờ.

Như vậy, tượng Phật Di Lặc mà chúng ta đang thờ hiện nay là hình tượng của Bố Đại hòa thượng, một hóa thân của Phật Di Lặc, do đó không giống với tượng của các đức Phật khác.

Từ sự nhận thức về hành trạng và đạo lý của Đức Di Lặc, tín đồ Phật giáo đón Xuân, đến chùa lễ Phật, làm các hạnh lành, phát nguyện tu tập, tiêu trừ phiền não, tai ương hoạn nạn cá nhân, gia đình và cầu quốc thái dân an. Đây là quan niệm lành mạnh phù hợp với con đường xây dựng hạnh phúc của nhân loại.

Ở trong thời đại mà khoa học thịnh hành, con người xu hướng vật chất mãnh liệt, giá trị đạo lý bị vùi dập bởi lương tâm ô nhiễm của chúng sanh. Từ đó giữa người với người, đoàn thể với đoàn thể, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia này với quốc gia khác phát sanh mâu thuẫn và oan trái dẫn đến sự đấu tranh kiên cố. Người học Phật phải nhận thức rằng Phật Giáo luôn lấy từ bi và trí tuệ để giải hóa sầu hận trong nhân gian.

Đón Xuân Di Lặc, không phải đến chùa chỉ cầu sự phúc lộc cho đời sống cá nhân, như cầu về tiền tài, danh vọng mà phải phát tâm rộng lớn học theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Lặc. Đó là tấm lòng gắn bó với tha nhân, nuôi lớn lòng từ tâm và sự nhẫn nại, nỗ lực rèn luyện tâm linh, truyền bá giáo lý cho vào lòng nhân loại, giúp đời bớt khổ. Mọi người phải hằng phát tâm kết duyên lành với Tam Bảo, nuôi lớn chí nguyện Cầu Giác Ngộ. Đón xuân Di Lặc như thế mới tiếp nhận được nguồn pháp lạc trong giáo lý Phật đà.