Suốt 20 năm ròng mưu sinh trên vỉa hè, cụ bà 80 tuổi một tay nuôi chồng và hai con bệnh nặng

Sài Gòn hoa lệ, khiến bao người phải choáng ngợp là thế nhưng ẩn sau dáng vẻ ấy ít người biết được rằng vẫn còn những mảnh đời, số phận kém may mắn.  Họ vẫn đang cố gắng nỗ lực từng ngày, thậm chí đã quên mất cuộc sống hoàng nháng nơi thị thành.

Xã hội là vậy, sự khác biệt về các giai tầng quả là một rào cản đối với mỗi người dân nghèo. Trên góc đường Vĩnh Viễn – Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM), đã 20 năm nay, bà Cao Thị Thủy (76 tuổi, quê Tiền Giang) kiếm sống bằng việc rã linh kiện những tivi hỏng và phân loại chúng để bán.

Người phụ nữ miệt mài với công việc của mình

Khuôn mặt không hề mệt mỏi, bà làm việc say mê giống như một người thợ có chuyên môn. Tuy vất vả, phải dầm mưa dãi nắng, bà vẫn hài lòng với công việc hiện tại. Có lẽ, bà cũng đã trải qua nhiều bôn ba, nhọc nhằn trong cuộc đời rồi, nên không còn sợ cái khổ nữa.

Trước đây hai vợ chồng bà rời quê ở Tiền Giang lên thành phố để bán tạp hóa, bán cơm rồi mở tiệm đồ điện tử nhưng đều thua lỗ nặng. Cơ duyên này đến với bà khi có người gợi ý mua bán tivi cũ. Hồi ấy đoạn đường Nhật Tảo, Vĩnh Viễn nhiều người làm nghề này nhưng đến nay chỉ còn vài người, trong đó bà Thủy là “gạo cội” nhất.

Trên vỉa hè Sài Gòn bà nhanh chóng tháo rời những phụ kiện điện tử mà không phải ai cũng làm được

Việc tháo gỡ một bộ linh kiện điện tử không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Ban đầu bà không hiểu gì về máy móc, được các con chỉ cách kiểm tra, tháo dỡ linh kiện. Nhưng giờ đây bà có thể tự tay tháo lắp thiết bị, đọc hiểu được chức năng của bo mạch, phân loại các đời và hãng tivi…

Sự cần mẫn chịu khó trong công việc của bà thật đáng nể phục, vào cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi dưỡng lão thì bà Thủy vẫn hàng ngày đều ra vỉa hè từ 10h sáng, ngồi đến chiều để thu mua, tháo dỡ linh kiện tivi. Công việc có vẻ thuận lợi và may mắn khi ngày nào cũng đều có nhiều người đến bán tivi hỏng, đa phần là đời cũ, với giá thu mua cao nhất 150.000 đồng một cái. Trung bình mỗi ngày bà thu mua và rã linh kiện khoảng 15-20 cái.

Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn miệt mài với công việc của mình

Nghề này cũng chứa đựng nhiều yếu tố may mắn vì bà không biết tivi họ hỏng nhiều hay ít. Người bán lại không cho bà mở ra tại chỗ. Phần đáng giá nhất vẫn là bo mạch, cặp loa, dây đồng, nhưng nếu bo mạch bị cháy thì coi như bà lỗ gần nửa số tiền.

Mỗi cặp loa bà bán lại với giá khoảng 20.000 đồng, bo mạch khoảng 40.000-60.000 đồng, vỏ tivi thì 4.000 đồng/một ký. Trong đó, chỉ có loa với bo mạch là nhiều người mua nhất. Và tính ra mỗi cái tivi khi rã ra chỉ lời được 20 nghìn.

Bà làm việc không ngừng nghỉ

Sự cần mẫn, chăm chỉ của một người phụ nữ đã gần bước sang tuổi 80 phản ánh rõ nét hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo vì miếng cơm manh áo, lo cho gia đình mà quên cả bản thân mình. Bà Thủy ngoài việc kiếm tiền không chỉ để nuôi sống bản thân, bà vẫn còn chăm lo cho cả gia đình, hiện bà ở với chồng và hai con trai. Trong đó, cậu con trai út tên Huỳnh Phương Tâm (31 tuổi), bị bệnh thần kinh dạng nhẹ, đến nay chưa lập gia đình, cậu con kế út Huỳnh Phương Thái (35 tuổi) bị chứng tâm thần phân liệt suốt 15 năm nay. Tự tay bà phải lo ăn uống, tắm rửa cho con.

Bà một tay lo liệu việc gia đình sau khi chồng gặp tai nạn và bị tai biến

Bất hạnh hơn, chồng bà tuổi đã cao, sau một tai nạn thì bị di chứng ở chân nên không còn đi làm được nữa. Cuộc sống của bà Thủy không có ai cùng chung tay gánh vác.

Thật không may hai con của bà tâm trí cũng không được bình thường

Hiện nay với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/1 tháng từ nghề “đập tivi”, bà phải chi tiêu khéo lắm mới đủ chăm sóc cho cả gia đình. Điều bà lo lắng nhất là khi công trình cạnh chỗ làm xây xong thì bà buộc phải rời đi. Đến lúc ấy, bà tính nếu không biết đi đâu, có lẽ bà sẽ về quê bán rau sống qua ngày.

Rồi ngày mai, bà sẽ không biết phải đi đâu về đâu…

Cuộc sống bận rộn phù hoa của Sài Gòn làm yên lòng biết bao con người Việt, nhưng lẩn khuất đâu đó trong ánh sáng của danh vọng vẫn có những tình cảnh đáng thương mà không mấy ai biết đến. Tuy nhiên, sống ở đời, giàu nghèo không nói lên tất cả. Nhìn nụ cười mãn nguyện của bà Thủy khi làm việc và khi chăm sóc gia đình, chẳng ai nghĩ cái nghèo khiến bà gục ngã. Có lẽ, niềm vui khi được hy sinh cho gia đình đã là ánh sáng đẹp nhất cuộc đời bà.

Với bà có lẽ được hy sinh cho gia đình đã là ánh sáng đẹp nhất cuộc đời bà.

Vậy mới hiểu, để sống tốt, chúng ta không bắt buộc phải có nhà lầu xe hơi, phải dư dả tiền bạc. Khi thực hiện việc gì, điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm. Nếu tâm trong sáng, lương thiện, thì khó khăn nào, thử thách nào cũng không phải là điều bất hạnh. Ngược lại, nó chỉ khiến phẩm chất tốt đẹp của một con người được tỏa sáng.