Rằm tháng Chạp, rằm cuối của năm con gà cần đặc biệt chú ý tới những điều này trên mâm cúng

Còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Chạp, rằm cuối của năm con gà để tống tiễn năm cũ rồi đó các mẹ. Nhiều người nếu chưa biết phải chuẩn bị để cúng rằm thì tham khảo bài sau nhé!

Ảnh internet

Rằm tháng Chạp Đinh Dậu có cần làm lễ đặc biệt?

Là ngày Rằm cuối cùng của năm Đinh Dậu nên nhiều người dân Việt Nam rất coi trọng ngày này như một ngày tổng kết cho một năm và cũng là bước chuẩn bị trước ngày Tết Nguyên đán cận kề.

Chính vì vậy, việc làm lễ cúng Rằm tháng Chạp luôn được mọi người chuẩn bị một cách cẩn thận, chỉn chu và tươm tất nhất. Đó là tâm lý chung của các gia đình để bày tỏ lòng thành tâm của mình trước khi kết thúc một năm.
Nhưng các chuyên gia phong thủy lại cho rằng, lễ cúng ngày Rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu cũng đơn giản như lễ cúng các ngày rằm hàng tháng trong năm.

Thời gian cúng Rằm tháng Chạp?

Theo các chuyên gia phong thủy, tùy quan niệm của từng gia đình mà làm lễ cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14 hoặc 15 âm lịch hoặc có gia đình cúng cả 2 ngày trên.

Đồ lễ cúng rằm tháng Chạp bao gồm những gì?

Tùy theo cách thức tiến hành lễ cúng là lễ chay hay mặn mà có sự chuẩn bị khác nhau. Nhìn chung thường đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp thường có:
– Với lễ cúng chay: Hương, hoa tươi, hoa quả, trầu cau, nước sạch, nến hoặc đèn dầu, tiền vàng…

– Với lễ cúng mặn: Thịt gà luộc, xôi (hoặc bánh chưng), khoanh giò/chả, các món mặn khác và rượu. Hiện nay, nếu không cúng rằm tháng Chạp bánh chưng, người dân thường cúng bằng xôi gấc với quan niệm màu đỏ của xôi gấc mang lại may mắn cho các gia đình.

Nhìn chung đồ lễ cúng rằm tháng Chạp không quá cầu kỳ hay coi trọng về số lễ vật cúng, miễn sao thể hiện thành tâm của gia chủ.

Ảnh internet

Gợi ý 3 món chay cho lễ cúng Rằm tháng Chạp

Đặc biệt nếu nhà bạn muốn cúng chay, đây là những gợi ý cho mâm cúng đồ chay đây nhé!

1. Giò chay

Nguyên liệu:

Váng đậu 500 g, tỏi tây một củ, muối, đường, tiêu, hạt nêm chay, nước mắm chay, baking soda, lá chuối và lạt buộc.

Cách làm:
– Chuẩn bị một nồi nước ấm 30 độ, cho váng đậu vào ngâm cho mềm. Sau đó, vớt ra sửa sạch, thái nhỏ.
Cho váng đậu vào một nồi khác, đổ ngập nước đun sôi trong vòng 20 phút, sau đó vớt ra để ráo nước.
– Tỏi tây rửa sạch, thái nhỏ, cho vào chảo nóng phi thơm. Khi tỏi vàng đổ váng đậu đã nấu cùng đường và muối vào xào trên lửa nhỏ khoảng 5 phút và để trong chảo 15 phút cho ngấm gia vị. Sau đó cho váng đậu vào vải vắt kiệt nước sau đó nêm hạt nêm và nước mắm trộn đều sao cho vừa ăn.
– Trải lá chuối ra, cho váng đậu vào bó thật chặt, cho vào nồi nước sôi luộc khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó vớt ra để nguội.

2. Xôi dừa

Nguyên liệu:

500 g gạo nếp, 100 g dừa sợi, 50 g vừng (mè), 80 g đường, 20 ml nước cốt dừa, một quả dừa, một ít muối, dầu ăn.
Cách làm
– Vo sạch gạo rồi cho vào ngâm với nước dừa trong 6 tiếng. Sau đó, lấy ra, rửa sạch lại, trộn với một chút muối và để khô. Khi gạo khô, trộn vào đó với một chút dầu ăn. Sau đó, đem gạo đi đồ.
– Trộn đều đường vào với dừa. Rửa sạch vừng rồi đem rang. Rồi đem giã nhỏ.
– Khi xôi đã chín, rưới đều nước cốt dừa lên bề mặt xôi. Rồi phủ kín dừa sợi lên, đậy vung kín, đồ tiếp khoảng 5 phút.
– Sau đó, đổ xôi ra một cái khay lớn. Dùng đũa trộn đều dừa lẫn vào với xôi và để xôi nguội đến khi không còn thấy khói bốc lên nữa. Cho vừng vào trộn đều.
– Đóng xôi ra khuôn cho đẹp mắt.

3. Thịt gà chay

Nguyên liệu:
Bột mì: 300 gam; Mì ống: 100 gam; Mì căn: 100 gam; Nấm rơm: 200 gam; Nấm tai mèo (mộc nhĩ): 1 tai; Bột màu thịt; Bột năng; Gia vị: Muối, hạt nêm chay, hạt tiêu.
Cách làm:

Đổ bột mì và bột năng vào bát tô, khuấy đều với nước ấm sao cho bột giống như bột bánh ít là được. Sau đó, dùng vải đậy lại

Mì căn cắt từng khúc dài khoảng 3 cm rồi đem xé nhỏ. Nấm rơm ngâm với nước muối pha loãng, rửa sạch, thái nhỏ rồi vắt ráo nước. Mộc nhĩ cũng ngâm với nước ấm cho mềm rồi cắt chân, rửa sạch, thái chỉ. Mì ống bạn đem chiên giòn để làm xương

Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào đun nóng rồi cho mì căn, mộc nhĩ, nấm rơm vào xào chín, nêm gia vị cho vừa ăn.

Bột mỳ bạn lấy tay ngắt thành thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái, ấn dẹt ra, cho nhân vào giữa rồi lấy mì ống đã chiên giòn kẹp ở giữa để làm xương đùi, gói lại cho kín nhân là được.

Phần bột mỳ, lấy tay ngắt bột mì thành từng cục, mỗi cục nhỏ bằng ngón tay cái rồi vo tròn lại, bóp dẹt ra, cho nhân vào giữa. Tiếp tục, lấy mỳ ống đã chiên giòn kẹp vào giữa để làm xương gà, rồi gói lại cho kín nhân là được.
Cuối cùng đem những miếng thịt gà chay này đi chiên vàng là được.

Theo WTT