Phóng viên Hữu Dư qua lời kể xúc động của người đồng nghiệp: Dư ăn mì gói cả tuần để tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải

“Em thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần, nhưng ngoài lý do phụng dưỡng người thân thì em còn muốn tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải. Hôm qua mở cửa phòng em ở cơ quan thường trú Yên Bái, thấy trong đó phải có cả tạ sách mà em tích cóp được mỗi khi về Hà Nội”.

Những ngày đầu tháng 10/2017, miền Bắc hứng chịu trận lũ quét lịch sử với sức tàn phá kinh hoàng. Cơn lũ đi qua để lại những nỗi đau vật chất, tài sản và cả những niềm thương tiếc. Ở đâu đó dưới lớp bùn đất hoang tàn của những gì còn sót lại, có những con người mãi mãi nằm lại với đất Mẹ. Trời mây Yên Bái, người thân, bạn bè và đồng nghiệp,… tất cả đều mang một nỗi đau không tên, thương xót hướng về người phóng viên trẻ tuổi – anh Đinh Hữu Dư.

Ngày 11/10 khi lũ về, cây cầu Thia dài 200m bất ngờ đổ sập. Lúc này trên cầu có 5 người có anh Dư đều bị rơi xuống dòng nước lũ. Suốt 2 ngày, đồng nghiệp khắp nơi chắp tay cầu nguyện một điều kỳ diệu mong anh sẽ trở về. Hàng trăm chiến sĩ cán bộ ở Yên Bái chốt chặn dọc sông tìm anh cùng những nạn nhân xấu sổ nhưng không thấy.

Đến chiều 13/10 cuộc tìm kiếm đi tới hồi kết… Anh Dư được phát hiện cách khu vực xảy ra sự cố gần 100km. Mọi người như nén chặt nỗi đau, vậy là anh Dư đi thật rồi!

Được sự đồng ý của anh Lê Quốc Minh – người đồng nghiệp cùng cơ quan của anh Dư, chúng tôi xin được phép trích lại lời chia sẻ cuối cùng anh dành tặng cho người em thân thiết.

Phóng viên Hữu Dư

“Sáng nay về Ninh Bình chia tay một đồng nghiệp trẻ. Em ra đi ở tuổi 29. Dọc lối vào nhà em xếp đầy những vòng hoa trắng. Và mỗi câu chuyện về em khiến tôi không cầm được nước mắt.

Con ngõ nhỏ trên đường Xuân Thành giống như mọi con ngõ ở các thị trấn, thành phố thời nay với những căn nhà 2-3 tầng khang trang. Nhưng lọt trong khung cảnh đó là một căn nhà cao không quá đầu người, nay đã mọc rêu xanh. Một người bạn của em dẫn tôi ra tận nơi, kể rằng nơi đây em đã sinh sống tới tận cuối phổ thông, chẳng một bóng điện, trước khi người ta làm đường khiến cái-gọi-là-căn-nhà tụt sâu xuống dưới.

Em ở với bà nội từ bé, ngày ngày bà đi bán bánh cuốn, cũng chỉ được vài chục ngàn, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Do hoàn cảnh riêng, bố mẹ em chuyển lên vùng kinh tế mới Nho Quan cách đó cả tiếng rưỡi giờ xe chạy, nơi cũng chẳng có đường, cũng chẳng có điện. Dường như chừng ấy chưa đủ chất lên mình chàng trai nỗi thống khổ, số phận run rủi đẩy người em gái vào tai nạn và chồng bỏ đi, bà và em lại chăm thêm hai đứa cháu còn thơ.

Đây là căn phòng mà anh Dư ở từ bé đến khi học hết cấp 3 cùng bà nội tại quê nhà.

Vậy mà cái nơi lụp xụp thiếu thốn trăm bề ấy đã sản sinh ra một chàng phóng viên kiên nghị. Hoàn cảnh nghèo nàn hiếm thấy trong thế kỷ 21 vẫn không cản được em hoàn thành bằng đại học và tiếp ngay sau đó là bằng thạc sỹ báo chí. Mọi người kể lại rằng bán căn nhà ọp ẹp không đủ tiền, bố mẹ em đã phải vay nợ thêm để em có tiền đi học, người anh họ cũng giúp em thêm kinh phí mua một số đồ dùng thiết bị phục vụ cho những năm đèn sách.

Chuyện em đi thử việc và nỗ lực thi vào nhiều cơ quan báo chí thì mọi người biết cả rồi, từ báo Nhân Dân, VTV cho đến khi em tìm được bến đậu là Thông tấn xã Việt Nam với điểm thi tuyển gần cao nhất, nơi mà em tâm sự cùng bạn bè rằng thực sự phù hợp với mình. Chuyện em được cử lên cơ quan thường trú Yên Bái, lăn xả suốt một năm trời với bao bài viết, tấm hình, thước phim về cuộc sống, thể hiện khả năng của một nhà báo đa tài đa nhiệm thì mọi người đều đã rõ. Tỉnh đánh giá nỗ lực của em trong đợt đưa tin bão lũ ở Mù Cang Chải hồi tháng 8 mới đây, tặng em bằng khen mà còn chưa kịp trao thì em đã ra đi.

Ảnh: Trí Thức Trẻ

Đồng nghiệp cùng khóa vào TTXVN bảo em là người “4 không” – không rượu bia, không thuốc lá, không cờ bạc, và không ăn sáng. Em thường cười rằng không ăn sáng là thói quen từ đại học, nhưng chúng bạn đều biết em tiết kiệm từng đồng gửi về cho bà và chăm cháu. Chúng nó cũng biết em thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần, nhưng ngoài lý do phụng dưỡng người thân thì em còn muốn tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải. Hôm qua mở cửa phòng em ở cơ quan thường trú Yên Bái, thấy trong đó phải có cả tạ sách mà em tích cóp được mỗi khi về Hà Nội.

Em cũng không phải người hay kêu khổ hay kể công. Hầu như không ai biết được hoàn cảnh quá thương tâm của em hay hiểu rõ cái dự định lập tủ sách cho trẻ nhỏ. Đến hôm nay, biết được thì đã muộn rồi.

Ảnh: Trí Thức Trẻ

Tin em bị lũ cuốn cùng vài người khác trên cầu Ngòi Thia như sét đánh. Cơ quan nhận thêm cú sốc lớn chỉ vài ngày sau khi một cựu nhà báo kiệt xuất của TTXVN qua đời. Suốt mấy ngày, đồng nghiệp cả trong và ngoài cơ quan cầu nguyện mong em trở về, gần 600 cán bộ chiến sỹ ở Yên Bái lập 7 chốt chặn dọc sông tìm em cùng những nạn nhân xấu số mà không hiệu quả. Sau hơn 50 giờ, em được phát hiện cách nơi bị nạn tới gần 100km.

Có lần em tâm sự với bạn bè trong cơ quan, rằng chỉ cần trả hết nợ là em sẽ về quê. Theo những người bạn bè thân thiết, vừa mới đây, em còn hân hoan kể đã trả nốt món nợ của bố mẹ, cũng trả lại khoản “đầu tư” của người anh họ thuở nào. Hóa ra em về quê thật, nhưng không ai tin được em lại nằm xuống quá sớm và quá nghiệt ngã thế này. Em đã trả hết nợ người, hết nợ đời, đã an yên nơi quê nhà, bên cạnh bà nội, người đã nuôi em từ tấm bé. Nhưng em để lại trong chúng tôi một nỗi niềm day dứt khôn nguôi về số phận một con người, em cũng cho chúng tôi thấy một tấm gương đầy ngưỡng mộ.

Ảnh: Trí Thức Trẻ

Chia tay em, hàng trăm người khóc, từ già đến trẻ, từ lãnh đạo cao cấp đến nhân viên, từ người quen thân em đến những người lần đầu biết tên. Tôi thấy cả những đồng nghiệp vừa gạt nước mắt vừa bấm máy. Ai cũng thương cậu phóng viên tài năng, dễ mến, tốt bụng, mà đoản mệnh. Em mới làm việc cho TTXVN hơn một năm, nhưng thời gian ít ỏi ấy đã kịp để lại một dấu ấn vô cùng lớn trong lớp nhà báo trẻ của cơ quan, và cả những người như chúng tôi.

Lần đầu tiên đi dự một đám hiếu, nước mắt tôi cứ lã chã rơi từ đầu đến cuối.

Vì em đấy, Dư ơi…”.

Theo Trí Thức Trẻ