Phật dạy rằng: Đời người có 5 loại phúc lớn nhất, vậy làm thế nào để có được?
Trong cuộc sống hằng ngày chữ “Phúc” được nhắc đến rất nhiều để khen ngợi, khuyên bảo… Đặc biệt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, dường như đi đâu ta cũng có thể bắt gặp chữ “Phúc” được viết theo lối Hán tự ở khắp mọi nơi.
Vậy, chữ “Phúc” có ý nghĩa gì mà tại sao trong các dịp mừng thọ, mừng tân gia… người ta hay chúc tụng nhau “Ngũ Phúc Lâm Môn”, hoặc treo ngược chữ “Phúc” trong dịp Tết!?
Chữ “Phúc” có ý nghĩa gì?
Chữ Phúc (福) cấu tạo từ: (Thị)礻+ (nhất)一+ (khẩu)口+ (điền)田 = (Phúc)福
Bộ “lễ” (礻) chỉ Thiên thần và Địa thần
Chữ一(nhất) chỉ sự Khởi thủy, duy nhất, sau hóa thành vạn vật
chữ田(điền) chỉ việc cày ruộng, săn bắn
Chữ口(khẩu) thì theo sách Thuyết văn giải tự: “Khẩu, đó là bộ phận để con người ăn và nói vậy” (khẩu, nhân sở dĩ ngôn thực dã).
Như vậy có thể thấy, về tự dạng, chữ “Phúc” là biểu hiện niềm tin của con người vào Thần và cầu mong có được ruộng có vườn và một đời sống no đủ.
Chữ Phúc (福) còn là một trong những chữ lâu đời nhất của Trung Quốc, từng xuất hiện trong giáp cốt văn, có hình dáng của đồ đựng rượu để tượng trưng cho cuộc sống phong lưu của người xưa và tượng trưng cho sự tốt lành, điều hay, việc may mắn.
Từ“Phúc”trong từ điển Khai Trí Tiến Đức chính là điều tốt đẹp do việc làm nhân đức mà ra. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ“Phúc đức”luôn gắn liền nhau.
Ta thấy trong chữ Phúc có chữ Nhất đặt trên chữ khẩu và dưới cùng là chữ Điền“Nhất khẩu thượng điền”ý nói rằng khi miệng chúng ta nói được một lời thành tâm tốt đẹp sẽ được Phúc giống như việc gieo phước trên ruộng Tâm.
“Phúc” là một ân huệ con người tự tạo ra do chính những hành động tốt đẹp của mình, nó không chỉ có ích cho bản thân mà còn lưu lại cho thế hệ sau theo quy luật nhân quả. Vì thế mà dân gian hay nói“ông bà tích đức, con cháu hưởng phúc”, và chú trọng đến việc“làm ơn, làm phúc”.
Nhà có Phúc là nhà có được cuộc sống bình yên thanh thản, đặc biệt là có hậu vận tốt. Muốn được phúc phải có đức, ngược lại không có đức sẽ chẳng thể có phúc, đó là quy luật.
Vì sao chữ “Phúc” được treo ngược lại mang may mắn?
Người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới vào dịp lễ Tết, khai trương, đám cưới… thường treo ngược chữ “Phúc” trong nhà. Tại sao lại phải treo ngược như thế?
Trong tiếng Hán, chữ “đảo” (倒) nghĩa là “ngược” với chữ “đáo” (到) có nghĩa là “đến”, “tới” lại có cùng âm đọc là “đảo”, nên khi nghe ai đó nói“Phúc đảo liễu”thì người nghe hoàn toàn có thể hiểu là“Phúc đến rồi”(Phúc đáo liễu:福 到了). Tục dán hoặc treo chữ Phúc ngược có xuất xứ từ nhiều giai thoại khác nhau, có điển tích “thợ mộc Thái Sơn” khá nổi tiếng nói về chữ “Phúc” ngược này.
Điển tích thợ mộc Thái Sơn treo ngược chữ Phúc
Ở phía Bắc Trung Quốc vào thời nhà Minh có một người thợ mộc rất khéo tay, nổi tiếng khắp vùng. Ai mời được ông dựng nhà là một điều may mắn, ông được dân gian đặt cho cái tên “Thái Sơn” có ngụ ý nhà do ông dựng thì vững chãi như núi Thái Sơn, và cũng có ý nói tay nghề của ông cũng như núi Thái Sơn kia khó ai vượt qua được.
Một ngày kia có một thương nhân sắp mở tiệm, khó khăn lắm mới mời được thầy trò Thái Sơn đến dựng nhà cho. Thầy trò Thái Sơn làm việc cật lực ngày đêm và cuối cùng cũng dựng xong ngôi nhà. Ai cũng trầm trồ khen ngợi vì ở vùng chưa có ngôi nhà nào đẹp hơn thế.
Người chủ nhà rất hài lòng, chuẩn bị giết heo để thết đãi thầy trò Thái Sơn lên đường và mời khách khứa đến chia vui. Nhưng sợ khách ăn hết phần ngon nên chủ nhà sai người làm lấy gan, cật, tim heo để riêng chế biến, để thầy trò Thái Sơn mang theo ăn trên đường đi.
Thế nhưng nhóm Thái Sơn không biết được ý chủ nhà và rất lấy làm giận lão “nhà giàu keo kiệt” không thiết đãi chu đáo. Khuya đêm đó Thái Sơn bảo học trò đến ngôi nhà mới xây, đảo ngược cây cột chống đỡ nhà vì theo dân gian sẽ làm cho người chủ nhà làm ăn bất lợi.
Sáng sớm hôm sau thầy trò Thái Sơn lên đường, người chủ nhà đã gởi một bọc đồ ăn lớn mang theo. Đi đến giữa trưa mọi người dừng lại nghỉ chân, lấy gói đồ của thương nhân ra và lấy làm bất ngờ. Thái Sơn biết mình đã trách nhầm chủ nhà, và thấy xấu hổ vì hành động của mình. Ăn được một lát, ông lấy từ trong rương mấy tờ giấy hồng rồi vẽ chữ Phúc lên đó, sai học trò của mình tức tốc quay lại nhà thương nhân và phải dán ngược trên cái cột nhà và phải hô to “Phúc đáo” (phúc đến).
Người học trò quay lại đúng lúc chủ tiệm khai trương, vâng lời thầy người học trò dán chữ “Phúc” ngay cái cột chống nhà, mọi người thắc mắc hỏi sao lại dán ngược, anh ta chỉ nói “Phúc đảo” (Phúc đến) và nói mọi người cùng hô to “phúc đảo” thì sẽ phát tài lớn. Và quả thật sao này người chủ nhà phát tài to. Kể từ đó hình thành truyền thống treo chữ “Phúc” ngược trong nhà trong những dịp lễ quan trọng của người dân Trung Quốc.
Vì sao người ta hay chúc nhau “Ngũ phúc lâm môn” (五 福 臨 門)?
Theo Kinh Thư, Ngũ phúc ở vào Trù thứ 9 trong Hồng Phạm Cửu Trù, gồm:Thứ nhất là“Trường thọ”, hai là“Phú quý”, ba là“An khang”, bốn là“Hảo đức”(đạo đức tốt), năm là“Thiện chung”.
“Trường thọ”là mệnh không chết non, hơn nữa tuổi thọ lâu dài.
“Phú quý”là tiền tài dư dật hơn nữa còn có địa vị tôn quý.
“An khang”là thân thể khỏe mạnh và tâm linh an bình.
“Hảo đức”là tấm lòng lương thiện và nhân hậu trầm tĩnh.
“Thiện chung”là có thể dự đoán được ngày chết của mình. Lúc cuối cùng, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không ốm đau, trong nội tâm không lo lắng hay phiền não, an tường tự tại mà rời khỏi nhân gian.
“Ngũ phúc”hợp lại mới tạo thành một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc, một khi tách rời ra thì không còn ổn nữa.
Ví dụ: có người trường thọ lại nghèo hèn qua ngày, có người phú quý nhưng thân thể lại không tốt, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý lại gặp tai họa bất ngờ…
Trong “ngũ phúc”, quan trọng nhất là phúc thứ tư –“Hảo đức”. Bởi vì đức là căn nguyên của phúc, phúc là kết quả của đức tạo thành.
Chính vì thế mà người ta thường dùng câu “Ngũ phúc lâm môn” (五 福 臨 門) – (Năm điều phước đến nhà) để chúc tụng người cất nhà mới, ăn lễ Tân gia, đặc biệt là ngày Tết.
Tích truyện “Ngũ phúc lâm môn” (五 福 臨 門)
Hình tượng ông Phúc trong ba ông Phúc Lộc Thọ mà ta hay thấy chính là danh tướng Quách Tử Nghi.
Ông sống vào thời nhà Đường (618-907) ở Trung Quốc, và phục vụ đến 4 đời vua Đường là Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông và Đức Tông. Tướng mạo ông hồng hào, to lớn, đẹp đẽ đến lúc già.
Trong việc nước ông luôn giữ tròn đạo trung quân có công lao to lớn với nhà Đường, đến việc nhà ông giữ vẹn nghĩa vợ chồng, cha con, ông cháu, cụ với chắt…
Cuộc sống ông viên mãn bên vợ và con cháu đến khi ông 83 tuổi, lúc đó ông đã có chút đích tôn – cháu đời thứ năm (ngũ đại đồng đường – năm thế hệ sống cùng một nhà).
Một hôm, ông bồng đứa chút trên tay rồi cả kỵ với chút cùng nhìn nhau cười. Sau tiếng cười mãn nguyện ấy, cụ Quách Tử Nghi từ từ đi vào cõi vĩnh hằng mà không có bệnh tật hay đau ốm gì.
Người đương thời cho rằng, sống ở đời mà được như cụ Quách Tử Nghi là có được cả “ngũ Phúc”. Vì nếu không có“Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh”thì sao ông có được cuộc sống như vậy, rồi gia đình nào cũng mong có được điều ấy trong nhà và từ đó xuất hiện câu thành ngữ:“Ngũ phúc lâm môn”.
***
Chữ Phúc thật sự tốt đẹp từ trong dạng tự cho đến ý nghĩa, nên chúng ta cần luôn nhắc nhở mình hãy “tu thân tích đức” để được Phúc, đồng thời thành tâm chúc Phúc cho người khác cũng được phước báo tốt lành cho chính mình.
Trong điển tích treo ngược chữ Phúc cũng mang chứa nội hàm sâu sắc về làm thế nào để Phúc đến. Ông chủ nhà hành Thiện nhưng bị hiểu lầm thành ra phải chịu “báo oán” từ nhóm Thái Sơn. Họ đã đảo ngược cột chống nhà mới của ông, hòng muốn ông làm ăn thất bát. Nhưng hôm sau ông vẫn không oán trách gì, vẫn tiễn nhóm họ lên đường một cách chu đáo.
Thế mới thấy, dung nhẫn, chịu đựng khó khăn cũng là chìa khoá để rước Phúc lành đến. Để có được may mắn thì con người ta phải biết bước qua khổ đau. Chữ Phúc treo ngược cũng hàm chứa ẩn ý đó, khi chịu đựng được những điều ‘ngược với Phúc’ thì Phúc sẽ đến.