Số phận bi đát đến rơi lệ của người đàn bà mù hơn 70 năm sống cô quạnh trong căn nhà nhỏ bên cánh đồng

Mới tròn 3 tuổi, bà Thư đã phải sống trong bóng tối vì đôi mắt bị mù. Những tưởng cuộc đời người đàn bà bất hạnh sẽ được bù đắp nhưng cả hai người con lần lượt qua đời đã khiến bà ngã quỵ.

Căn nhà nhỏ cạnh cánh đồng xóm 9, xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An) là nơi bà Phạm Thị Thư (76 tuổi) sống côi cút một mình mấy chục năm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lên 3 tuổi trong một lần bị ốm, bà Thư bị mù cả hai mắt. Vì không có tiền chạy chữa cho con, cha mẹ bà đành ngậm ngùi nhìn con gái sống chung với bóng tối suốt cả cuộc đời.

Bà Thư cứ thế lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ già cùng tuổi thơ đẫm nước mắt vì bị bàn bè trêu chọc, không được tới trường.

Khi cha mẹ qua đời, bà Thư sống một mình trong căn nhà rách nát. Để có tiền mưu sinh, hàng ngày bà phải lê lết tìm đến những con hồ, con đập quanh làng để bắt ốc đem bán. Thời ấy mỗi rổ ốc đầy ắp chỉ bán được 2.000 đồng, số tiền đó giúp bà Thư sống lay lắt qua ngày.

Cuộc đời bà là những chuỗi đau thương, cơ cực

Đôi mắt già nua đã mù trên 70 năm nhắm nghiền, bà Thư kể chúng tôi nghe về những thăng trầm mà bà từng nếm trải suốt hơn 70 năm có mặt trên đời.

“Tôi từng mong mỏi có những đứa con với tiếng cười trong trẻo, để cuộc sống vơi đi phần nào sự cô quạnh. Anh em, hàng xóm cũng khuyên tôi xin mụn con để có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Nhưng mỗi lần nghĩ đến tôi lại sợ hãi. Một mình tôi kiếm ăn qua ngày đã khó, có con thì biết lấy gì nuôi chúng? Hơn nữa thời ấy người ta còn kỳ thị những người không chồng mà chửa hoang lắm”.

Bà Thư nhóm bếp nấu cơm chiều

Nhưng rồi nỗi khao khát có con đã giúp bà vượt qua tất cả những sợ hãi. Thương phận người đàn bà mù nghèo khó, một người đàn ông đã chấp nhận cho bà những đứa con khi bà Thư gần tròn 30 tuổi.

Hai đứa con một gái, một trai lần lượt ra đời. Quên hết mọi khó khăn trước mắt, bà Thư chìm đắm trong niềm hạnh phúc được làm mẹ. Để nuôi hai đứa con, bà Thư chăm chỉ đi mò cua bắt ốc, trồng rau nhưng ba mẹ con vẫn đói ăn đói mặc từng ngày. Dù ngày nắng hay ngày mưa, bà Thư vẫn lê lết khắp các hồ, đập, kênh mương mò cua bắt ốc, những mong các con không bị đói rét.

“Anh em, hàng xóm láng giềng họ thương nên thi thoảng cho mẹ con tôi bát gạo, củ khoai, quần áo cũ. Nhờ sự bao bọc của mọi người, mẹ con tôi mới đi qua những ngày đói ăn đói mặc”, bà Thư nghẹn ngào.

Căn nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng

Cuộc sống của ba mẹ con cứ ngỡ sẽ lặng lẽ đi qua trong khốn khó nhưng bất hạnh lại ập đến khi cả hai đứa con của bà đều lần lượt qua đời. Người con đầu là Phạm Thị Hảo bị chết đuối ở hồ nước gần nhà khi lên 7 tuổi. Người con thứ hai Phạm Văn Thái cũng qua đời khi mới lên ba tuổi sau một lần lên cơn sốt khiến bà Thư ngã quỵ.

Từ ngày con mất, bà Thư sống một mình trong cô quạnh trong căn nhà rách nát. Mấy chục năm đã trôi qua, giờ đây, bà không còn đủ sức để bươn chải mà sống nhờ vào số tiền trợ cấp 550 ngàn đồng mỗi tháng.

Nhóm Hành trình nhân ái huyện Yên Thành tặng quà cho bà Thư

Căn nhà dột nát của bà được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng lại bằng hai gian nho nhỏ kiên cố. Hàng ngày bà vẫn tự tay giặt giũ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Vào mỗi mùa gặt, bà lại mò mẫm ra đồng, gom từng mớ rơm rạ về tích trữ trong nhà để nấu ăn.

Nhìn bà Thư lặng lẽ nhóm lửa trong chiều đông muộn, khói bếp cay xè khiến bà ho rũ rượi khiến những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng thương xót.

Theo Phụ nữ sức khỏe